Sau chiến tranh, việc tìm kiếm thông tin về mộ liệt sĩ đặt ra cấp thiết đối với các gia đình, thân nhân liệt sĩ trong cả nước cũng như đối với các cấp, các ngành chức năng. Sự ra đời của những công cụ tìm kiếm, những trang web thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ không những góp phần đưa vào cuộc sống ứng dụng thiết thực của chuyển đổi số mà còn giúp rút ngắn thời gian tìm kiếm mộ liệt sĩ, xoa dịu những đau thương, mất mát bởi chiến tranh.
- Hồi hương hài cốt quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam
- Quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng tại Quảng Nam – “Địa chỉ đỏ” để tri ân, giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ
- Tuyên Quang hỗ trợ mai táng phí cho 4 nạn nhân vụ đất vùi lấp xe 16 chỗ
Khép lại hành trình nửa thế kỷ đi tìm phần mộ liệt sĩ nhờ Cổng thông tin điện tử
Theo con số được đưa ra tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin năm 2023 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ tổ chức tháng 1/2024, hiện nay, còn hơn 300.000 liệt sĩ còn thiếu thông tin, 180.000 liệt sĩ chưa được tìm kiếm, quy tập. Trong khi đó, việc chạy đua với thời gian để đưa các liệt sĩ trở về với người thân, gia đình, quê hương ngày càng cấp bách, thế nên mục tiêu cao nhất của công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ là phải áp dụng mọi biện pháp, càng sớm, càng tốt.
Trong các năm từ 2013 – 2022, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, toàn quốc đã tìm kiếm, quy tập được gần 17.000 hài cốt liệt sĩ (ở trong nước hơn 8.000, ở Lào trên 2.000, ở Campuchia hơn 6.000); tiếp nhận hơn 38.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ; phân tích, lưu trữ ADN được hơn 23.000 mẫu; xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được hơn 4.000 trường hợp (bằng phương pháp thực chứng được gần 3.000 trường hợp, bằng phương pháp giám định ADN được hơn 1.000 trường hợp)…
Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của công nghệ số trong hoạt động tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Ngày 24/01/2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã bàn giao Cổng thông tin điện tử liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ (do Viện Công nghệ phần mềm và nội dung số Việt Nam thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì thực hiện, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam thu thập dữ liệu) cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Từ khi vận hành đến nay Cổng đã giúp không ít gia đình liệt sĩ tìm lại được người thân.
Đơn cử như trường hợp của anh Lê Tuấn Anh, cháu ruột liệt sĩ Lê Đức Hùng, quê quán ở Thái Nguyên. Liệt sĩ Lê Đức Hùng sinh năm 1949 tại thành phố Thái Nguyên, nhập ngũ năm 1966, chiến đấu tại đơn vị đặc công thuộc Bộ Tư lệnh Quảng Đà, Quân khu 5. Tháng 12/1968, Lê Đức Hùng hy sinh và đến tận tháng 10/1970 gia đình mới nhận được giấy báo tử. Sau khi đất nước thống nhất, gia đình thân nhân liệt sĩ Lê Đức Hùng đã tổ chức những lần đi tìm kiếm, thậm chí năm 2000 vào Quảng Trị tìm kiếm gần một năm trời nhưng không thu được thông tin gì. Là cháu, anh Lê Tuấn Anh chỉ biết về người chú ruột qua di ảnh trên bàn thờ và những câu chuyện kể của bố. Ngày 26/7/2018, sau khi xem Thủ tướng bấm nút khai trương Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ, anh Lê Tuấn Anh lập tức truy cập với niềm hy vọng có được thông tin nào đó về phần mộ của người chú đã hy sinh. Thật bất ngờ khi vừa gõ tên cùng quê quán của liệt sĩ Lê Đức Hùng thì hiện ra cụ thể các thông tin khác ở phía dưới gồm năm sinh, năm mất, đặc biệt là nơi an táng hiện tại ở nghĩa trang liệt sĩ xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cùng vị trí ngôi mộ. Ngày 22/7/2019, tại nghĩa trang xã Duy Sơn, Duy Xuyên, Quảng Nam, dưới sự chứng kiến của chính quyền và đầy đủ các ban, ngành, cơ quan, gia đình anh Lê Tuấn Anh đã làm các thủ tục để đưa hài cốt liệt sĩ Lê Đức Hùng về yên nghỉ tại quê nhà ở nghĩa trang An Lạc Viên, phường Thịnh Đức, Thái Nguyên, khép lại hành trình nửa thế kỷ đi tìm phần mộ của người thân.
Công nghệ số đã, đang giúp gia đình thân nhân liệt sĩ xoa dịu nỗi đau
Tại các tỉnh, thành trên cả nước, công nghệ số đã và đang giúp các gia đình thân nhân liệt sĩ hàn gắn, xoa dịu những đau thương, mất mát vì chiến tranh. Tại tỉnh Quảng Trị – địa phương có 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có 2 nghĩa trang liệt sĩ quốc gia là Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, trên trang web của Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị có dẫn link đến Trang “Tìm kiếm thông tin liệt sĩ tại Quảng Trị” (http://tkttls.quangtri.gov.vn). Trang này hình thành từ năm 2007, do Trung tâm Tin học tỉnh Quảng Trị thiết kế và cập nhật, cung cấp danh sách 72 nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, danh sách liệt sĩ từng nghĩa trang; cung cấp trường tìm kiếm và hướng dẫn tìm kiếm thông tin liệt sĩ. Trang này được nhiều người vào tìm kiếm, gửi mail liên hệ để hỏi thêm thông tin về liệt sĩ.
Năm 2018, Trung tâm Tin học tỉnh Quảng Trị đã thiết kế thêm trang web Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 (http://nghiatrangduong9.quangtri.gov.vn). Đặc biệt, được sự hỗ trợ của TP Hồ Chí Minh, việc dùng công nghệ hỗ trợ tìm kiếm thông tin liệt sĩ tại Quảng Trị được đẩy lên một bước tiến mới, đó là dùng công nghệ GIS để quản lý và tra cứu thông tin liệt sĩ. Ngày 18/7/2011, Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh và Trung tâm Ứng dụng Hệ thống Thông tin Địa lý TP Hồ Chí Minh (HCMGIS) trực thuộc Sở này đã bàn giao dự án “Ứng dụng công nghệ GIS để quản lý và tra cứu thông tin tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn” cho Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị; đồng thời khai trương trang web GIS Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn (http://nghiatrangtruongson.quangtri.gov.vn) cung cấp các dữ liệu gồm: bảng danh sách 10.257 liệt sĩ; mục “Chi tiết liệt sĩ” ghi thông tin về liệt sĩ (họ tên, năm sinh, năm hy sinh, nguyên quán), vị trí mộ, đặc biệt mục này có nơi dâng hương “ảo”, có cập nhật danh sách thân nhân, đồng đội đã gửi vòng hoa và thắp hương viếng liệt sĩ, đăng bài viết, cảm tưởng về liệt sĩ; bản đồ 3D.
Trang “bản đồ 3D” giúp thân nhân liệt sĩ tìm vị trí mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn một cách nhanh chóng bằng công nghệ, thay vì phải tìm đường theo lối thủ công, mò mẫm. Sau khi nhập thông tin của liệt sĩ cần tìm, kích vào các chỉ dẫn “tìm đường từ cổng”, “bắt đầu chỉ đường từ cổng”, trang sẽ chỉ đường từ cổng vào nghĩa trang đến chính xác từng mộ liệt sĩ cần tìm trên bản đồ GIS cho thân nhân liệt sĩ thấy được một cách trực quan…
Tại TP Hồ Chí Minh, theo con số đưa ra tại tọa đàm về phối hợp tìm kiếm thông tin liệt sĩ và hài cốt liệt sĩ do Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP Hồ Chí Minh tổ chức tháng 12/2021 thì hiện nay thành phố đang quản lý 51.693 hồ sơ liệt sĩ; số mộ quản lý ở 7 nghĩa trang là 27.387, trong đó có thông tin 21.555, mộ chưa có thông tin là 5.832, số có thông tin cũng còn sai tên, họ hay quê quán, cha mẹ… Ngoài ra, theo thông tin của các Ban Liên lạc truyền thống có cán bộ, chiến sĩ hy sinh trên địa bàn thành phố như Trung đoàn 16, Trung đoàn 28, đặc công và các đơn vị khác, khoảng 5.000 trường hợp. Như vậy số liệu chưa đầy đủ, TP Hồ Chí Minh còn khoảng gần 10.000 trường hợp liệt sĩ chưa tìm được hài cốt.
Để cập nhật cho đề án xây dựng cổng thông tin điện tử quản lý thông tin liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai, Bưu điện TP Hồ Chí Minh chụp ảnh bia mộ liệt sĩ tại 7 nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn, đáp ứng phần nào nhu cầu được thăm viếng, tra cứu thông tin liệt sĩ của người dân và thân nhân liệt sĩ. Bên cạnh đó, sử dụng, khai thác hiệu quả phần mềm, cơ sở dữ liệu số hoá hồ sơ mộ liệt sĩ; thông tin mộ và nghĩa trang liệt sĩ được quản lý thống nhất trên phần mềm giúp tra cứu thuận lợi và nhanh chóng…
Phải áp dụng mọi biện pháp, càng sớm, càng tốt
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả của chuyển đổi số trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ thì vẫn còn những bất cập như hệ thống các phần mềm chưa có sự liên thông, tích hợp thông tin chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ; công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc rút kinh nghiệm của đơn vị địa phương chưa thường xuyên… Do đó, tại Hội nghị tháng 1/2024 của Ban Chỉ đạo Quốc gia 515, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia 515 Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ phải tiến hành thần tốc, chạy đua với thời gian để đưa các liệt sĩ trở về với người thân, gia đình, quê hương, “về với những người cha, người mẹ ngày một cao tuổi nhưng vẫn mong ngóng tin con”.
Với hơn 300.000 liệt sĩ còn thiếu thông tin, 180.000 liệt sĩ chưa được tìm kiếm, quy tập, Phó Thủ tướng cho rằng đây chính là mục tiêu cao nhất của công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ và phải áp dụng mọi biện pháp, càng sớm, càng tốt. Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu, thu thập thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ để khoanh vùng khu vực tìm kiếm, quy tập; lấy mẫu sinh phẩm, phân tích, lưu trữ thông tin của hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin và thân nhân liệt sĩ, với tinh thần những gì làm được phải làm ngay…
Mới đây, tại buổi tiếp Đoàn người có công với cách mạng tiêu biểu tỉnh Nam Định nhân dịp Đoàn ra thăm Thủ đô và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 08/07/2024, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan đã nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, Đảng, Nhà nước sẽ đẩy mạnh nhiệm vụ quy tìm hài cốt liệt sĩ và lấy mẫu hài cốt liệt sĩ chưa được xác định được thông tin liệt sĩ tại tất cả các nghĩa trang liệt sĩ, lấy mẫu đối chứng nhân thân’’.