Di ảnh của 10 nữ anh hùng liệt sĩ dân quân Lam Hạ (Phủ Lý, Hà Nam) phục dựng màu từ những bức ảnh đen trắng được Tổ chức Trái tim Người lính Việt Nam phối hợp với CLB Mãi mãi tuổi 20 trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vào sáng 23/7/2024.
- Phó Chủ tịch nước viếng Nghĩa trang Hàng Dương và tặng quà gia đình chính sách tại Côn Đảo
- Việt Nam chung tay thúc đẩy hợp tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản
Những năm 1965-1967, địa bàn phường Lam Hạ (TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam hiện nay) là một trong những trọng điểm bị không quân Mỹ đánh phá ác liệt ở miền Bắc, vì có tuyến đường sắt và đường bộ tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Tham gia chiến đấu bảo vệ địa bàn này, Trung đội nữ dân quân Lam Hạ, được trang bị pháo phòng không tầm thấp 37 ly và 57 ly. Tuổi đời họ còn rất trẻ, chỉ từ 17 đến 20. Trong những trận chiến đấu ác liệt với máy bay Mỹ, lần lượt 10 nữ dân quân đã anh dũng hy sinh trong những năm 1966 – 1967…
Để tưởng nhớ, tri ân sự hy sinh của 10 nữ liệt sĩ Lam Hạ, từ năm 2016, nhà văn Đặng Vương Hưng và Quỹ Mãi mãi tuổi 20 đã có nhiều đề xuất vinh danh các chị như: Tổ chức Hội thảo khoa học và đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Tiểu đội nữ dân quân Lam Hạ; phát động Cuộc vận động sáng tác Văn – Thơ – Ca khúc và Tượng đài “10 cô gái Lam Hạ”; tổ chức giao lưu văn nghệ “10 cô gái Lam Hạ” với các nhân chứng lịch sử… Đến nay, nhiều nội dung của đề xuất nêu trên đã trở thành hiện thực.
Tiếp nối hành trình vinh danh các nữ anh hùng liệt sĩ, hưởng ứng các hoạt động nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh Liệt sĩ, nhóm họa sĩ trẻ của Tổ chức Trái tim Người lính Việt Nam phối hợp với CLB Mãi mãi tuổi 20 đã tiến hành phục dựng màu cho di ảnh chân dung của “10 cô gái Lam Hạ” và một số liệt sĩ khác trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam để giới thiệu với công chúng rộng rãi.
Nhà văn Đặng Vương Hưng- người sáng lập Tổ chức “Trái tim người lính” cho biết: Việc phục dựng mất rất nhiều thời gian do hình ảnh về các cô gái Lam Hạ rất ít, phải dựa vào tư liệu còn sót lại và mô tả của gia đình. Thậm chí, như trường hợp của liệt sĩ Nguyễn Thị Thi tử trận khi mới 16 tuổi, không để lại di ảnh nào. Nhóm họa sĩ phải đối chiếu từ bức hình đen trắng đặt tại đền thờ 10 cô gái để làm ảnh màu.
Cũng trong dịp này, Tổ chức còn giới thiệu cuốn nhật ký “Trở về trong giấc mơ” của liệt sĩ Trần Minh Tiến được ứng dụng chuyển đổi số. Trước khi ra trận, liệt sĩ Trần Minh Tiến đã có một mối tình đẹp, trong sáng với cô văn công Lưu Liên. Kể từ khi hy sinh vào năm 1968 đến nay, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, liệt sĩ Trần Minh Tiến vẫn được chồng và các con của người bạn gái năm xưa thờ phụng tại gia đình. Cũng chính gia đình bà Lưu Liên và nhà văn Đặng Vương Hưng sưu tầm, biên soạn và giới thiệu từ những trang sổ tay nhật ký của liệt sĩ Trần Minh Tiến về những tháng ngày luyện tập chuẩn bị cho cuộc hành quân vượt Trường Sơn vào miền Nam chiến đấu thành cuốn sách “Trở về trong giấc mơ”.
Cuốn nhật ký Trở về trong giấc mơ được NXB Hội Nhà văn ấn hành lần đầu vào năm 2005 và NXB Công an Nhân dân tái bản lần đầu năm 2010. Cuốn sách đã được nhiều thế hệ bạn đọc đón nhận, không chỉ bởi nội dung trung thực của thế loại Nhật ký thời chiến, mà còn cảm động bởi mối tình đặc biệt của đôi trai tài gái sắc xứ Hà Đông xưa đã đi qua chiến tranh.
Đến tháng 7/2004, cuốn nhật ký được NXB Chính trị Quốc gia Sự thật tái bản lần thứ 2. Điều đăc biệt là trong lần tái bản năm 2024 này, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật đã “làm mới” cuốn sách bằng cách kết hợp sách giấy và sách điện tử, với nhiều trang có in các mã QR. Đây cũng là cuốn sách đầu tiên được NXB này ứng dụng chuyển đổi số phục vụ bạn đọc.
Đồng thời với việc trao tặng di ảnh 10 cô gái Lam Hạ và giới thiệu cuốn nhật ký Trở về trong giấc mơ, Ban Tổ chức cũng trao tặng Tủ sách Đặng Thùy Trâm trị giá 100 triệu đồng cho trường THCS Lương Văn Nám (Tân Yên, Bắc Giang).