Chi phí logistics Việt Nam được nhận diện cao gần gấp đôi chi phí bình quân của thế giới, có giai đoạn chiếm đến 20% GDP (trung bình trên thế giới là 10,6%). Do đó, tối ưu hóa quy trình logistics là một trong những giải pháp quan trọng để giảm chi phí, từ đó giúp hàng hóa Việt Nam tăng thêm sức cạnh tranh trên toàn cầu.
- Thúc đẩy phát triển logistics xanh
- Logistics – Động lực thúc đẩy tăng trưởng
- Tăng trưởng mạnh ở cả 3 nhóm hàng trọng điểm, xuất khẩu thu về gần 227 tỷ USD
Áp dụng nhiều biện pháp nhằm giảm chi phí
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, logistics đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) sản xuất và thương mại tại Việt Nam. Theo Báo cáo Logistics Việt Nam 2023 của Bộ Công Thương, chi phí logistics ở Việt Nam hiện chiếm khoảng 16,5% GDP, giảm nhẹ so với năm trước nhưng vẫn cao hơn mức trung bình của thế giới (11,6%). Điều này cho thấy tiềm năng lớn trong việc tối ưu hóa hoạt động logistics để cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Yêu cầu giảm chi phí logistics đã được bàn đến trong nhiều năm gần đây thông qua hàng loạt các diễn đàn logistics được tổ chức hàng năm. Theo báo cáo của Hiệp hội DN logistics Việt Nam (VLA), trong năm 2023, 68% DN logistics vừa và lớn đã áp dụng phương pháp tối ưu hóa để giảm lãng phí trong quy trình, trong đó 55% DN đã thực hiện tái cấu trúc mạng lưới phân phối. Các DN áp dụng phương pháp tối ưu hóa đã giảm được trung bình 18% chi phí logistics so với năm trước.
Cùng với đó, ứng dụng công nghệ thông tin cũng đang giúp các DN Việt Nam tối ưu hóa quản lý logistics và giảm chi phí đáng kể. Khảo sát của Bộ Khoa học và Công nghệ (được công bố tháng 3/2024) cho thấy, 73% DN logistics vừa và lớn đã áp dụng hệ thống quản lý vận tải (TMS) và 65% sử dụng hệ thống quản lý kho hàng (WMS). Các DN áp dụng TMS và WMS đã giảm được trung bình 22% chi phí quản lý logistics.
Theo VLA, hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong chuỗi cung ứng đang giúp nhiều DN Việt Nam tối ưu hóa chi phí logistics, trong đó phải kể đến việc đã có đến 47% DN tham gia vào các chương trình chia sẻ thông tin dự báo nhu cầu với đối tác. Kết quả từ các chương trình hợp tác này giảm trung bình 25% tồn kho trong toàn chuỗi cung ứng, cải thiện 18% độ chính xác trong dự báo nhu cầu và giảm 12% chi phí vận chuyển nhờ tối ưu hóa lô hàng.
Cải thiện thời gian chu kỳ đơn hàng cũng là một trong những phương pháp nhằm giúp giảm chi phí logistics và đang được nhiều DN thuộc lĩnh vực này quan tâm với 65% DN vừa và lớn đã áp dụng các giải pháp tự động hóa trong xử lý đơn hàng, giúp giảm 30% thời gian xử lý. Theo báo cáo của VLA, thời gian chu kỳ đơn hàng trung bình trong ngành sản xuất giảm đã từ 12 ngày (năm 2020) xuống còn 8,5 ngày (năm 2023). Trong lĩnh vực thương mại điện tử, thời gian giao hàng trung bình giảm từ 3,2 ngày (năm 2020) xuống còn 1,8 ngày (năm 2023). Cùng với đó, 67% DN logistics vừa và lớn đã áp dụng các giải pháp tối ưu hóa tuyến đường vận chuyển, giúp giảm 18% quãng đường di chuyển và 15% chi phí nhiên liệu.
“Rào cản” trong việc giảm chi phí logistics
Dù chi phí logistics đã được giảm theo từng năm nhưng mức độ kéo giảm vẫn khá thấp khiến cho việc nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh doanh thông qua logistics tại Việt Nam chưa đạt như kỳ vọng. Nguyên nhân được nhận diện là do còn những thách thức trong việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm chi phí logistics tại Việt Nam. Theo VLA, những rào cản chính bao gồm thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng trong quản lý chuỗi cung ứng hiện đại; Hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ; Thiếu vốn đầu tư cho các dự án cải tiến logistics.
Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, các ví dụ thành công trong sản xuất và thương mại đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Việc đào tạo này không chỉ bao gồm kỹ năng kỹ thuật, mà còn cả tư duy đổi mới và khả năng thích ứng với sự thay đổi; Bên cạnh đó, khả năng thu thập, phân tích và ứng dụng dữ liệu lớn đã trở thành yếu tố then chốt trong việc tối ưu hóa logistics. Điều này đòi hỏi DN phải xây dựng chiến lược quản lý dữ liệu toàn diện.
Do đó, để tận dụng tối đa lợi ích từ logistics và nhằm kéo giảm chi phí logistics, DN sản xuất và thương mại cần tập trung vào các giải pháp như đẩy mạnh đầu tư công nghệ, tối ưu hóa quy trình nội bộ bằng cách thường xuyên rà soát và cải tiến quy trình, loại bỏ các hoạt động không tạo ra giá trị,… Đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao bởi hiện mới chỉ có khoảng 24% nhân lực logistics được đào tạo chuyên ngành.
Bên cạnh đó, cần xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp sẽ giúp DN tận dụng được chuyên môn và mạng lưới rộng lớn của họ, từ đó tối ưu hóa chi phí và nâng cao chất lượng dịch vụ. Bởi outsourcing (thuê ngoài) là xu hướng ngày càng phổ biến, giúp DN Việt Nam tối ưu chi phí logistics. Báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2023 cho thấy, 62% doanh nghiệp sản xuất và thương mại đã outsource ít nhất một hoạt động logistics, trong đó, vận tải là hoạt động được outsource nhiều nhất, tiếp theo là kho bãi. Các doanh nghiệp áp dụng hình thức này đã tiết kiệm được trung bình 15 – 20% chi phí logistics so với tự thực hiện.