Tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ thời gian qua tiềm ẩn diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường. Theo số liệu của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, trong 9 tháng năm 2024, các lực lượng đã phát hiện, bắt giữ và xử lý trên 39.000 vụ vi phạm, giảm 32,7% so với cùng kỳ năm 2023.
- Bắt Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sữa Hà Lan vì sản xuất hàng giả
- Cần tăng cường trách nhiệm của sàn TMĐT trong phòng, chống hàng giả
- Khởi tố 2 đối tượng lừa bán số lượng lớn mật gấu giả
Đây là thông tin được Tổng Biên tập Tạp chí Hải quan Vũ Thị Ánh Hồng đưa ra trong phát biểu khai mạc Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả hợp tác trong chống hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ” do Tạp chí Hải quan tổ chức ngày 6/12.
Thách thức đáng quan tâm nhất là thương mại điện tử
Bà Vũ Thị Ánh Hồng cũng cho biết, trong khi tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu là 6.118 vụ, giảm 18,3%; gian lận thương mại, gian lận thuế là 31.473 vụ, giảm 21,7% thì hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ lại ghi nhận lên tới 1.426 vụ, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2023. Mức độ nghiêm trọng của các vụ việc cũng có chiều hướng tăng lên với 810 vụ việc bị khởi tố hình sự với 1.132 đối tượng. So với cùng kỳ năm 2023 ghi nhận tăng 9% về số vụ và tăng 14,3% về số đối tượng.
Thời gian gần đây cũng ghi nhận tình trạng lợi dụng hình thức kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Sendo…), các mạng xã hội (Facebook, TikTok, Zalo, Youtube…) và lợi dụng hoạt động bưu chính, chuyển phát nhanh, các đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để thực hiện các hành vi buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, trong năm 2024 nổi lên tình trạng buôn lậu các mặt hàng có giá trị cao, hàng xa xỉ như kim cương, vàng, ngoại tệ, hàng giả các nhãn hiệu nổi tiếng như HERMÈS, Apple…
Theo ông Linh, khó khăn, thách thức có nhiều, song thách thức nổi lên đáng quan tâm nhất hiện nay là lĩnh vực thương mại điện tử. Thương mại điện tử là môi trường đặc biệt rộng lớn, khó kiểm soát. Với hàng triệu người bán hàng sử dụng Internet, việc kiểm soát nguồn hàng là hết sức khó khăn. Cơ quan Hải quan rất khó sàng lọc đầy đủ các hoạt động di chuyển xuyên biên giới của hàng giả khi mà các hàng hóa này được vận chuyển trong các bưu kiện nhỏ và gói thư.
Không những thế, quy định pháp luật nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, về chế tài xử lý và các biện pháp ngăn chặn hàng giả chưa đủ sức răn đe. Lỗ hổng thực thi và năng lực thể chế hạn chế đã và đang bị những đối tượng buôn lậu hàng giả và mạng lưới tội phạm lợi dụng triệt để. Quy định trách nhiệm của các nhà điều hành nền tảng đối với việc chống hàng giả chưa được cụ thể hóa. Các nhà khai thác nền tảng chưa đủ linh hoạt để đối phó với các mối đe dọa mới, đa dạng và phức tạp. Phạm vi trách nhiệm của các bên cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại trực tuyến chưa rõ ràng…
Hải quan chủ động kiểm soát tình hình
Trong đó, giải pháp đối với lĩnh vực thương mại điện tử là sẽ tập trung công tác thu thập thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng. Từ đó xác định doanh nghiệp trọng điểm, mặt hàng trọng điểm có dấu hiệu nghi vấn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Tăng cường hợp tác với Hải quan các nước trong việc trao đổi thông tin, hội thảo, học tập kinh nghiệm về lĩnh vực kiểm soát hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Phối hợp trao đổi thông tin chuyên môn và giám định đối với hàng hóa có dấu hiệu vi phạm về sở hữu trí tuệ giữa Cơ quan Hải quan với Cục Sở hữu trí tuệ, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu quyền, đại diện chủ sở hữu quyền…
Lực lượng Hải quan địa phương phối hợp chặt chẽ trong công tác trao đổi thông tin, phát hiện, bắt giữ, xử lý đối tượng và hàng hóa vi phạm về hàng giả, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên lĩnh vực thương mại điện tử theo quy định. Trong quá trình triển khai bảo đảm thực hiện tốt công tác thông quan, giải phóng hàng hóa, không để xảy ra ùn tắc tại các cửa khẩu.