Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) vừa có công văn yêu cầu Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk báo cáo vụ phát hiện giá đỗ ngâm hóa chất cấm.
- Quản lý hóa chất, tiền chất: Bảo đảm chặt chẽ nhưng vẫn hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh
- Bé gái ăn hoá chất nguy hiểm vì tưởng là đường
- Gần 4.800 người bị ngộ độc thực phẩm, 21 ca tử vong trong 11 tháng đầu năm 2024
Theo đó, cơ quan Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện và khởi tố một số cơ sở sản xuất giá đỗ sử dụng chất cấm, ngoài danh mục cho phép. Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường yêu cầu Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cung cấp thông tin chi tiết về công tác quản lý an toàn thực phẩm với các cơ sở vi phạm, các biện pháp xử lý đã thực hiện, cũng như kết quả truy xuất nguồn gốc và các biện pháp triệu hồi sản phẩm nếu có. Báo cáo phải được gửi về Cục trước ngày 30/12/2024.
Ngoài ra, đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường phối hợp các cơ quan chức năng điều tra, xử lý vi phạm. Sở cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định về an toàn thực phẩm với người dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Các cơ quan quản lý cấp huyện, xã cũng được yêu cầu thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ để đảm bảo công tác quản lý an toàn thực phẩm đạt hiệu quả cao nhất.
Liên quan vụ án, ngày 29/12, Công an tỉnh Đắk Lắk công bố lời khai của Lâm Văn Đạo (34 tuổi, Giám đốc Cty TNHH Thương mại Lâm Đạo), Vũ Duy Tư (33 tuổi), Nguyễn Văn Quynh (51 tuổi), Nguyễn Văn Hảo (36 tuổi) là 4 bị can trong vụ án Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Bị can Đạo là chủ Cty TNHH Thương mại Lâm Đạo gồm 2 cơ sở, mỗi ngày sản xuất và bán ra thị trường vài tấn giá đỗ ngâm chất cấm 6 -Benzylaminopurine (tiếng lóng là “nước kẹo”).
Bị can Đạo khai được truyền nghề làm giá đỗ từ nhiều người, sử dụng “nước kẹo” ngâm giá đỗ để ít rễ, thân cây mập, đẹp mắt. Người này ký hợp đồng cung cấp cho một hệ thống siêu thị từ đầu tháng 5/2024. Trên bao bì được in nhãn mác Cty, hạn sử dụng 2 ngày, khuyến cáo không sử dụng hàng đã qua hư hỏng. “Do thị trường cạnh tranh em mới dùng “nước kẹo”, chứ thị trường mà sạch hết với nhau, thì em cũng thích làm giá sạch”, bị can nói với điều tra viên.
Cũng có 2 cơ sở sản xuất, Vũ Duy Tư khai được “người anh” chỉ dạy cách làm và mua “nước kẹo” trên mạng về ngâm giá đỗ, khoảng 2 – 5 thùng mỗi đợt. Hàng ngày cơ sở của bị can Tư sản xuất khoảng 2,2 tấn giá, bỏ cho các xe lấy hàng về các huyện.
Bị can cũng thừa nhận biết chất cấm này người tiêu dùng sử dụng một thời gian sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng vì “mối lái ngoài chợ toàn yêu cầu hàng đẹp, nên cơ sở phải làm như thế”. “Em biết hành vi của em là sai trái”, bị can Tư nói.
Như PLVN đã đưa tin, sau quá trình theo dõi trên mạng xã hội, Công an Đắk Lắk phát hiện Hội giá đỗ Miền Nam và Hội làm giá đỗ có dấu hiệu vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngày 26/12, đồng loạt ập vào kiểm tra 6 cơ sở sản xuất trên địa bàn, cảnh sát phát hiện ngoài việc sử dụng các nguyên liệu như hạt đỗ xanh, vôi cục, nước giếng, 4 bị can còn sử dụng thêm chất lỏng không màu là hoạt chất 6 – Benzylaminopurine.
Theo cảnh sát, chất cấm này nếu đưa vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe; hít hoặc tiếp xúc qua da lâu dài có thể làm thai nhẹ ký, não úng thủy và các dị tật bẩm sinh; ăn vào lượng lớn có thể gây tử vong. Tuy nhiên, các cơ sở này vẫn thường xuyên dùng hoạt chất 6 – Benzylaminopurine để pha vào nước ngâm ủ làm giá đỗ, giúp rễ ngắn, thân to, mập, tăng trọng lượng và có hình thức đẹp.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 20.357kg giá đỗ đã ngâm hoạt chất 6 – Benzylaminopurine, bán ra thị trường được khoảng 400 triệu đồng; 37 can đựng 135 lít chất cấm (tương đương sản xuất 675 tấn giá thành phẩm, bán được khoảng 18,7 tỷ đồng).
Bước đầu, cảnh sát xác định, trong năm 2024, nhóm này đã bán ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ có ngâm hóa chất 6 – Benzylaminopurine, trung bình mỗi ngày khoảng từ 8 – 10 tấn.
Liên quan lĩnh vực, thực hiện lệnh của Giám đốc Công an TP Đà Nẵng về triển khai đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, Phòng Cảnh sát kinh tế đồng loạt ra quân kiểm tra các cơ sở sản xuất thực phẩm trên địa bàn. Kiểm tra đột xuất tại cơ sở sản xuất chả Phạm Xu Tý (địa chỉ 41 Nhơn Hòa 12, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) do ông Tý làm chủ, lực lượng công an phát hiện gần 1 tấn chả các loại (chả bò, chả heo, chả da heo, chả quết), qua test nhanh phát hiện số chả nêu trên đều dương tính với hàn the (natri borat). Tiến hành thu 9 mẫu chả (chả heo, chả bò, chả da heo, chả quết) gửi cơ quan chức năng kiểm định chất lượng, kết quả cả 9 mẫu chả trên đều phát hiện hàn the trong sản phẩm. Căn cứ thông tin, tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 27/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Đà Nẵng ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam với ông Phạm Xu Tý (40 tuổi, ngụ tổ 45, phường Hòa Khê, quận Thanh Khê); khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú với bà Võ Thị Tuyệt (vợ ông Tý, 33 tuổi) để điều tra hành vi “Vi phạm quy định về lĩnh vực an toàn thực phẩm”. |