Chỉ trong một thời gian ngắn, trên cả nước liên tiếp xảy ra một số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) đặc biệt nghiêm trọng, khiến nhiều người chết và bị thương.
- Bệnh nghề nghiệp: “Sát thủ giấu mặt” của an toàn lao động
- TP Bạc Liêu phấn đấu đạt trên 97% hồ sơ trực tuyến
Mới đây nhất là vụ TNLĐ ở Cty Than Quang Hanh (Quảng Ninh) làm 3 công nhân tử nạn, bị thương 1 người. Trước đó, vụ TNLĐ tại Cty CP Xi măng & Khoáng sản Yên Bái làm chết 7 công nhân và 3 người bị thương. Gần nhất là vụ TNLĐ tại Cty Gỗ Bình Minh (Đồng Nai) khiến 6 người chết và 5 người bị thương.
Phân tích nguyên nhân các vụ TNLĐ, cơ quan chức năng cho biết nguyên nhân chủ quan chiếm phần lớn, lên tới 73%. Nhiều TNLĐ bắt nguồn từ sự coi nhẹ, làm việc qua loa, sơ sài, không tuân thủ quy trình, quy định, chủ quan, thiếu trách nhiệm của chủ DN.
Đối với chủ DN, trong nhiều trường hợp, vì lợi nhuận mà bất chấp quy trình, quy chuẩn. Vụ TNLĐ ở Đồng Nai, cơ quan điều tra kết luận nguyên nhân do nồi hơi và bình nén khí đã hết hạn kiểm định an toàn nhưng Cty không tiến hành kiểm định lại theo đúng quy định, vẫn cố tình đưa vào hoạt động, sản xuất.
TNLĐ không ai mong muốn và cũng không ai dám chắc rằng sẽ có những giải pháp để 100% không xảy ra bất kỳ TNLĐ nào. Vấn đề đặt ra là có thể giảm TNLĐ nếu các chủ DN, người lao động nâng cao ý thức biết tự bảo vệ mình, phải tâm niệm càng cẩn thận bao nhiêu thì TNLĐ càng ít bấy nhiêu. Khi TNLĐ càng giảm xuống mức thấp nhất thì có nghĩa là chất lượng môi trường làm việc của người lao động và DN được nâng cao; người lao động không thiệt hại về sức khỏe tính mạng, chủ DN cũng không phải chịu trách nhiệm hay vướng vòng tố tụng.
Một yếu tố nữa, nếu người lao động và DN lơ là thì sẽ có công tác thanh, kiểm tra của cơ quan chức năng “bọc lót” để tránh TNLĐ xảy ra. Năm 2015, Quốc hội đã ban hành Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), quy định trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân liên quan (trong đó có Công đoàn, Thanh tra ngành LĐ-TB&XH đến công tác ATVSLĐ và quản lý nhà nước về ATVSLĐ.
Có điều “cái khó bó cái khôn”. Như trong vụ TNLĐ tại Đồng Nai, theo Phòng LĐ-TB&XH huyện, Cty Gỗ Bình Minh chi nhánh tại xã Thiện Tân hoạt động từ cuối năm 2022. Trước thời điểm này, cơ quan chức năng có kiểm tra nhưng lúc này Cty đang ngưng hoạt động. Từ đó đến nay, ngành chức năng chưa kiểm tra việc chấp hành quy định ATVSLĐ lần nào.
Lý giải vấn đề này, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH cho biết, Đồng Nai có 42.000 DN đăng ký hoạt động nên “không thể thanh, kiểm tra hết tất cả các DN”. Hàng năm, Sở có văn bản yêu cầu các địa phương đề xuất Cty có vấn đề để đưa vào danh sách kiểm tra. Nhưng Cty Gỗ Bình Minh chưa được UBND huyện đề xuất nên từ khi hoạt động cuối năm 2022 đến nay, DN này chưa được thanh, kiểm tra.
Thực tế là như vậy, nên có ý kiến cho rằng, các tổ chức Công đoàn cần phát huy vai trò trong việc giám sát về ATVSLĐ, góp phần giảm thiểu tối đa những hậu họa do TNLĐ gây ra.