Đại học Quốc gia Hà Nội vừa công bố Đề án tuyển sinh đại học năm 2024, với 18.000 chỉ tiêu cho 150 ngành/chương trình đào tạo, tăng hơn 3.000 chỉ tiêu so với năm 2023 (14.945 chỉ tiêu cho 143 ngành/chương trình đào tạo).
- Trường đại học đầu tiên công bố cấu trúc bài thi đánh giá năng lực 2025
- Gần 16.000 thí sinh Quảng Ninh chính thức bước vào Kỳ thi tuyển sinh lớp 10
Năm 2024, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) có 13 đơn vị tuyển sinh đại học chính quy với 18.000 chỉ tiêu cho 150 ngành/chương trình đào tạo; phạm vi tuyển sinh trên cả nước và quốc tế.
Nhà trường áp dụng 4 phương thức tuyển sinh chính gồm:
Thí sinh thuộc đối tượng xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và dự bị đại học, người nước ngoài xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và Quy chế, Quy định đặc thù của ĐHQGHN.
Thí sinh sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (ngưỡng đầu vào) do ĐHQGHN quy định.
Thí sinh có kết quả thi Đánh giá năng lực do ĐHQGHN tổ chức đạt tối thiểu 80/150 điểm trở lên;
Xét tuyển theo các phương thức khác gồm:
– Thí sinh có kết quả thi Đánh giá năng lực của ĐHQG TP Hồ Chí Minh đạt tối thiểu 750/1200 điểm trở lên.
– Thí sinh có chứng chỉ quốc tế của Trung tâm Khảo thí Đại học Cambridge có kết quả 3 môn thi trong đó bắt buộc có môn Toán hoặc Ngữ văn theo tổ hợp quy định của ngành đào tạo tương ứng đảm bảo mức điểm mỗi môn thi đạt tối thiểu 60/100 điểm.
– Thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa SAT đạt tối thiểu 1100/1600 điểm trở lên. Mã đăng ký của ĐHQGHN với tổ chức thi SAT (thí sinh cần khai báo mã đăng ký trên khi đăng ký thi SAT).
– Thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa ACT đạt tối thiểu 22/36 điểm trở lên.
– Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS tối thiểu 5.5 điểm hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ khác và có tổng điểm 2 môn thi còn lại trong tổ hợp xét tuyển (trong đó bắt buộc có môn Toán hoặc môn Ngữ văn) đạt tối thiểu 14 điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT của năm tuyển sinh.
– Thí sinh là người Việt Nam đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương ở nước ngoài có kết quả học tập 3 môn học bậc THPT theo tổ hợp môn xét tuyển tương ứng của ngành học kết hợp với kiểm tra kiến thức chuyên môn và năng lực Tiếng Việt hoặc năng lực ngoại ngữ (tùy theo yêu cầu của ngành học để xét tuyển) đáp ứng quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT và của ĐHQGHN.
Ngoài các phương thức tuyển sinh trên, một số đơn vị của ĐHQGHN có ngành/chương trình đào tạo/lĩnh vực đặc thù có phương thức tuyển sinh riêng (thi năng khiếu hoặc phỏng vấn kết hợp với kết quả học tập cấp THPT/kết quả thi tốt nghiệp THPT/kết quả thi Đánh giá năng lực/chứng chỉ quốc tế, chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP) được công bố cụ thể trong Đề án tuyển sinh thành phần của các đơn vị.
Nhà trường lưu ý đối với các chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 hoặc từ các nguồn tuyển khác theo yêu cầu riêng của từng ngành, chương trình đào tạo (chỉ tiêu, tiêu chí, quy trình xét tuyển chi tiết trong Đề án tuyển sinh của đơn vị). Thí sinh có nguyện vọng theo học các chương trình đào tạo này phải đạt điểm trúng tuyển vào ngành/chương trình đào tạo tương ứng theo tổ hợp xét tuyển và phải đáp ứng điều kiện ngoại ngữ đầu vào theo quy định tại Đề án thành phần
Điểm đăng ký dự tuyển vào các chương trình đào tạo này do các đơn vị quy định nhưng tối thiểu bằng hoặc cao hơn điểm trúng tuyển vào ngành/chương trình đào tạo chuẩn tương ứng;
Đối với các đơn vị tuyển sinh theo nhóm ngành, việc phân ngành được quy định chi tiết trong Đề án thành phần. Tiêu chí phụ xét tuyển của từng ngành/nhóm ngành/chương trình đào tạo (nếu có) được quy định tại các đề án thành phần.
Với ngưỡng đầu vào, đối với thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024, ngưỡng đầu vào sẽ được ĐHQGHN thông báo cụ thể trên trang thông tin điện tử sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT (dự kiến công bố trước ngày 21/7).
Ngưỡng đầu vào đối với thí sinh sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực do ĐHQGHN tổ chức đạt tối thiểu 80/150 điểm trở lên (một số ngành khối sức khỏe: Y khoa, Răng – Hàm – Mặt, Dược học ngưỡng đầu vào đạt tối thiểu 100 điểm); Ngưỡng đầu vào đối với thí sinh sử dụng kết quả thi ĐGNL của ĐHQG TP Hồ Chí Minh tổ chức đạt tối thiểu 750/1200 điểm trở lên.
Đối với thí sinh sử dụng chứng chỉ A-Level tổ hợp kết quả 3 môn thi theo các khối thi quy định của ngành đào tạo tương ứng đảm bảo mức điểm mỗi môn thi đạt tối thiểu 60/100 điểm trở lên. Đối với thí sinh sử dụng kết quả kỳ thi SAT là 1100/1600.
Đối với thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa ACT đạt điểm từ 22/36.
Đối với thí sinh là người Việt Nam đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương ở nước ngoài phải có kết quả học tập 3 môn học bậc THPT theo tổ hợp môn xét tuyển tương ứng của ngành để học (điểm các môn học xét tuyển tương đương với yêu cầu xét tuyển thí sinh có chứng chỉ A-Level) kết hợp với kiểm tra kiến thức chuyên môn và năng lực Tiếng Việt hoặc năng lực ngoại ngữ (tùy theo yêu cầu của ngành học để xét tuyển) đáp ứng quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT và của ĐHQGHN.
Ngưỡng đầu vào đối với xét tuyển kết hợp là thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS tối thiểu 5.5 hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác quy định tại Quy chế tuyển sinh của ĐHQGHN và có tổng điểm 2 môn thi còn lại trong tổ hợp xét tuyển đạt tối thiểu 14 điểm trong kỳ thi THPT năm 2024 (trong đó bắt buộc có môn Toán hoặc môn Ngữ văn).
Đối với ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe (Y khoa, Dược học, Răng – Hàm – Mặt) và các ngành đào tạo có cạnh tranh cao ưu tiên xét tuyển những thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 6.5 trở lên kết hợp với các môn chuyên môn (điểm 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển phải đạt tối thiểu 16 điểm). Các tiêu chí cụ thể khác, điều kiện tối thiểu để đăng ký dự tuyển vào từng ngành được quy định cụ thể trong đề án tuyển sinh của các đơn vị.
Ngoài ra, một số đơn vị có ngành/chương trình đào tạo, lĩnh vực đặc thù có phương thức tuyển sinh riêng (thi năng khiếu hoặc phỏng vấn kết hợp với kết quả học tập THPT/kết quả thi tốt nghiệp THPT/kết quả thi đánh giá năng lực/chứng chỉ quốc tế, chứng chỉ ngoại ngữ – VSTEP), ngưỡng đầu vào được quy định chi tiết trong đề án thành phần.
Các chứng chỉ quốc tế, chứng chỉ tiếng Anh VSTEP, kết quả thi đánh giá năng lực phải còn hạn sử dụng tính đến ngày thí sinh đăng ký xét tuyển (thời hạn sử dụng 2 năm kể từ ngày dự thi).