Nếu ví tỷ giá là bệnh đường ruột và lãi suất là thuốc kháng sinh liều cao, theo TS. Trương Văn Phước – nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, thì “không nên dùng kháng sinh liều cao để trị bệnh đường ruột”…
- Ngân hàng nhà nước khẳng định có đủ nguồn lực và quyết tâm để bình ổn thị trường
- Nhập siêu trở lại sau gần 2 năm
Trong một Báo cáo chuyên đề vĩ mô tháng 6/2024 do Công ty Chứng khoán (CTCK) Rồng Việt vừa công bố đã đề cập tới xu hướng tăng lãi suất trên cả 2 thị trường, đó là: thị trường liên ngân hàng và thị trường các định chế tài chính cho vay DN và dân cư.
Theo đó, trong tháng 5/2024, lãi suất cho vay qua đêm bình quân khoảng 4,3%/năm, tăng 28 điểm cơ bản so với tháng trước. Lãi suất cho vay kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần cũng tương ứng tăng 24 – 39 điểm cơ bản lên lần lượt là 4,52%/năm và 4,63%/năm. Trong khi đó, lãi suất các kỳ hạn dài hơn từ 1 – 3 tháng ghi nhận mức tăng cao hơn, lần lượt là 54 điểm cơ bản và 70 điểm cơ bản lên 4,68%/năm và 5,08%/năm.
Từ ngày 24/4 đến nay, Ngân hàng Nhà nước cũng điều chỉnh lãi suất cho vay ở kênh cầm cố và kênh tín phiếu tăng 50 điểm cơ bản, lần lượt là 4,5%/năm và 4,25%/năm, ngang với lãi suất cho vay tái cấp vốn.
Tại thị trường ngân hàng cho vay DN và dân cư, lãi suất huy động của các ngân hàng TMCP tư nhân nhóm 1 nhích tăng với mức tăng trung bình từ 15 – 33 điểm cơ bản ở tất cả các kỳ hạn, kỳ hạn ngắn 1 – 3 tháng ghi nhận mức thay đổi nhiều hơn so với kỳ hạn dài.
Nhận định về xu hướng biến động tỷ giá VNĐ/USD, các chuyên gia của CTCK Rồng Việt cho rằng trong thời gian tới, việc tỷ giá có căng thẳng tiếp hay không sẽ phụ thuộc đáng kể vào lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed và xu hướng đồng USD.
“Diễn biến bên ngoài hiện đang khá thuận cho việc điều hành tỷ giá nên chúng tôi cho rằng kịch bản cơ sở là tỷ giá VND/USD có thể duy trì ở mức 25.500 đồng. Xét yếu tố trong nước, thời gian cao điểm đối với nhu cầu ngoại tệ thường rơi vào cuối quý III, đầu quý IV. Khi đó, NHNN có thể sẽ cần bán tiếp ngoại tệ để ổn định tỷ giá…” – chuyên gia CTCK Rồng Việt nhận định.
Tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2024 diễn ra cuối tuần qua, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia đánh giá, đến thời điểm hiện tại, lãi suất, tỷ giá và nợ xấu tăng trong tầm kiểm soát. Theo chuyên gia, tín dụng hiện nay tăng 2,41%, tuy thấp hơn cùng kỳ năm trước nhưng mức tăng trưởng tín dụng này phù hợp với sức cầu của nền kinh tế.
Cụ thể hơn, TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định, tỷ giá VND/USD sẽ không vượt qua 26.000 đồng bởi khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 7/2024. “Cho dù việc cắt giảm lãi suất diễn ra vào tháng 7 hay tháng 9 thì USD vẫn trong xu hướng giảm giá. Khi Fed cắt giảm lãi suất, USD-Index sẽ giảm xuống 100 điểm. Do đó, Việt Nam không cần thiết phải nâng lãi suất để giữ ổn định tỷ giá…” – Chuyên gia đưa ra lời khuyên.
Đưa ra hình ảnh ví von giữa tỷ giá và lãi suất, TS. Trương Văn Phước cho rằng, nếu xem tỷ giá là đường ruột thì lãi suất là kháng sinh liều cao. “Nếu đẩy lãi suất lên cao để trị lạm phát, tỷ giá thì quá đơn giản, nhưng cái giá phải trả là nền kinh tế đang cần chi phí vốn rẻ. Điều mà tôi muốn nói là đừng sử dụng thuốc kháng sinh liều cao để chữa bệnh đường ruột…” – ông ví von.
Về mức mất giá gần 5% của tỷ giá từ đầu năm đến nay, chuyên gia cho rằng, nếu xét về cân đối (cán cân thanh toán, lạm phát…), VND lẽ ra không nên mất giá 5% trong một quý. Đồng thời đề nghị cần đánh giá lại chính sách lãi suất USD 0%, bởi đây là một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam luôn bị áp lực với tỷ giá.
Thanh Thanh