Cục Đăng kiểm Việt Nam là một tổ chức trực thuộc Bộ GTVT – giống như 7 “người anh em” còn lại ở Bộ này, nhưng “thân phận” của Cục này thì không như các Cục chuyên ngành khác. Vì sao?
- Lãi suất tiền gửi ngân hàng nào cao nhất hiện nay?
- Ra mắt Câu lạc bộ Doanh nhân – Doanh nghiệp Gia Viễn tại Hà Nội
Không có biên chế, hoạt động như… doanh nghiệp
Theo Nghị định số 56/2022/NĐ-CP ngày 24/8/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT, ngoài các Vụ, Viện, Trường,… Bộ này còn có 8 Cục quản lý chuyên ngành, tương ứng với các lĩnh vực: đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải…
Cụ thể, trong các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy, các Cục này đều làm nhiệm vụ như nhau, đó là tham mưu giúp Bộ trưởng quản lý lĩnh vực; soạn thảo, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng kế hoạch, đề án, chiến lược phát triển ngành lĩnh vực… thế nhưng trên thực tế, địa vị pháp lý lại hoàn toàn khác nhau. Theo đó, từ khi thành lập đến nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam phải thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, trong tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính.
“Cục này chưa từng được cấp biên chế công chức. Tiền lương, chế độ cho người lao động ở đây được thực hiện theo cơ chế của một… doanh nghiệp. Đây là một tồn tại, không hợp lý, một điểm khác giữa Cục Đăng kiểm với các Cục chuyên ngành còn lại ở bộ”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang xác nhận với PLVN.
Điểm khác biệt cơ bản giữa một công chức công tác tại một cơ quan quản lý nhà nước với một viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập là ở chỗ công chức được hưởng lương do ngân sách nhà nước cấp, còn viên chức thì không.
Thực tế, đến thời điểm này, Cục Đăng kiểm Việt Nam không có ngân sách nhà nước cấp hay nói cách khác đơn vị này đang tự chủ về tài chính. Nếu vậy, các chức danh như Cục trưởng, Cục phó, lãnh đạo cấp phòng… ở đây được “định danh” ra sao, địa vị pháp lý của họ như thế nào trong một cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc Bộ GTVT?
“Các chức danh của Cục Đăng kiểm tuy không trong biên chế công chức nhưng quy trình, tiêu chuẩn, điều kiện bộ nhiệm hay điều động đều tuân theo quy định của Bộ GTVT về công tác tổ chức cán bộ. Nói tóm lại, việc tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự – thủ tục không khác gì với một công chức hay công chức giữ vị trí lãnh đạo ở các Vụ, Cục khác thuộc Bộ”, Thứ trưởng Sang nói và cho biết Bộ GTVT đã, đang phối hợp với Bộ Nội vụ để sớm xác định rõ và đúng địa vị pháp lý cho các nhân sự ở đây.
Cục chỉ quản lý nhà nước
Được biết, ngoài các thủ tục để có thể “trả lại tên cho em”, Bộ GTVT còn chỉ đạo tổ chức lại Cục này theo hướng sắp tới sẽ tách bạch chức năng quản lý nhà nước về đăng kiểm với chức năng cung ứng dịch vụ công, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tiết kiệm chi phí của xã hội, bảo đảm công khai, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh của các đơn vị cung ứng dịch vụ đăng kiểm.
Dự kiến, các Trung tâm đăng kiểm thuộc Cục sẽ làm nhiệm vụ cung ứng dịch vụ công; Cục Đăng kiểm và một số Chi cục đăng kiểm trực thuộc Cục này chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước như mô hình hoạt động ở Cục Hàng Hải Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam,… Nhưng tổ chức bộ máy của Cục Đăng kiểm Việt Nam có thể gọn nhẹ hơn và tương đương với quy mô của Cục Đường sắt Việt Nam.
Trước đó – tháng 2/2023, sau khi hàng loạt Trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa, do nhiều lãnh đạo, đăng kiểm viên tại các trung tâm và Chi cục đăng kiểm trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam bị khởi tố, bắt tạm giam, dẫn tới thiếu hụt nghiêm trọng người làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ, Bộ GTVT lúc đó đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ về việc cho phép Cục Đăng kiểm Việt Nam được ký hợp đồng lao động tại các đơn vị trực thuộc cho đến khi tuyển dụng đủ nhân sự theo quy định.
Sau đó không lâu – đầu tháng 3/2023, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đã điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Chiến Thắng – Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp thuộc Bộ về làm Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Từ lúc đó đến giờ, Bộ GTVT mới thực sự có những động thái thể hiện sự rốt ráo trong việc tổ chức lại mô hình hoạt động của Cục Đăng kiểm Việt Nam theo thẩm quyền của Bộ hoặc kiến nghị với cấp có thẩm quyền sớm khắc phục tồn tại sau những sai phạm rúng động của ngành này.
Cục Đăng kiểm Việt Nam hiện có 13 tổ chức tham mưu, giúp việc Cục trưởng và 37 đơn vị trực thuộc. Cơ chế quản lý tài chính của Cục đang áp dụng theo mô hình Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trong đó các đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc cơ quan Cục. |