Nhiều ổ bệnh dại xuất hiện tại các tỉnh Đông Nam bộ khiến không ít trường hợp tử vong. Ngành y tế địa phương đã phát cảnh báo và đốc thúc triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh này.
- Hà Nội ghi nhận 10 người phơi nhiễm bệnh dại
- Cụ bà phát bệnh dại sau 2 tháng bị chó cắn
- Đi tập thể dục buổi sáng, 11 người bị chó dại cắn
Nhiều ca tử vong
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đồng Nai, 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Đồng Nai ghi nhận 18 ổ dịch dại trên chó, tăng 15 ổ so với cùng kỳ 2023.
Tại tỉnh Bình Thuận ghi nhận 8 trường hợp tử vong do bệnh dại. Ca bệnh mới nhất là bệnh nhân nữ (49 tuổi) sống một mình, chưa rõ có bị chó, mèo cắn hay không.
Còn tại Bình Phước, Trung tâm y tế huyện Bù Đăng xác nhận vào ngày 18/6, bệnh nhân Đ.K (48 tuổi, ngụ xã Đồng Xoài, huyện Bù Đăng) tử vong sau khi bị chó dại cắn vào tháng 2/2024. Đây là ca tử vong thứ 6 tại tỉnh này do bị chó dại cắn nhưng không đi tiêm ngừa.
Trước tình hình trên, ngành Y tế các tỉnh đã tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức người dân về phòng bệnh dại; hướng dẫn cách xử lý khi bị chó, mèo cào, cắn. Theo đó, bệnh nhân phải rửa sạch vết thương dưới vòi nước sạch 5-10 phút bằng xà phòng và sát khuẩn bằng dung dịch sát khuẩn thông thường, không nặn máu từ vết thương, không bôi, đắp bất cứ dung dịch, lá thuốc theo quan niệm dân gian để tránh nhiễm trùng vết thương, khiến virus xâm nhập sâu hơn và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn tiêm vaccine phòng bệnh dại.
Chủ quan trong phòng, ngừa bệnh dại
Dù chưa có thuốc điều trị bệnh dại và tình trạng chó chưa tiêm phòng vaccine rất nhiều nhưng người dân vẫn rất chủ quan, nuôi nhốt và thả rông vô tội vạ.
Chi cục Chăn nuôi và thú ý tỉnh Đồng Nai thống kê số đàn chó trên địa bàn khoảng 300.000 con. Địa phương đã triển khai tiêm phòng được hơn 70.000 liều vaccine, đạt khoảng 30% tổng đàn chó, mèo.
Còn theo thống kê của CDC Bình Thuận, hiện trên toàn tỉnh có hơn 122.000 con chó, mèo, trong đó số được tiêm phòng chỉ đạt hơn 50.000 con, chiếm tỷ lệ 41%.
Tại tỉnh Tây Ninh, số lượng chó, mèo ước tính khoảng 81.000 con, số được tiêm phòng trong 6 tháng đầu năm 2024 khoảng hơn 23.000 con. Như vậy, tỷ lệ tiêm phòng trên tổng đàn chó, mèo còn rất thấp, chỉ khoảng 28%. Có nhiều trường hợp người bị chó, mèo cắn vẫn còn chủ quan, lơ là, không xử lý vết thương, không đi tiêm phòng dại và kháng huyết thanh mà tự chữa trị bằng lá cây (thuốc Nam).
Nhiều tỉnh thành lập đội bắt chó thả rông
UBND TP Phan Thiết (Bình Thuận) yêu cầu các đơn vị liên quan và UBND các phường, xã tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên động vật. Các đơn vị, địa phương thành lập đội chuyên trách trên địa bàn để bắt, xử lý chó thả rông gây mất trật tự, không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng… theo quy định tại Phụ lục 15 của Thông tư số 07 ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Tại TP Biên Hoà (Đồng Nai), ngày 4/4, đội bắt chó thả rông đầu tiên của tỉnh Đồng Nai chính thức đi vào hoạt động tại phường Trảng Dài. Đội gồm các thành viên đang công tác tại phường, được tập huấn kỹ thuật bắt chó thả rông và tiêm phòng đầy đủ các mũi vaccine phòng chống bệnh dại.
Ông Phạm Văn Cường, Đội phó đội bắt chó thả rông phường Trảng Dài cho biết, đây là đội đầu tiên thực hiện thí điểm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đội sẽ thực hiện bắt chó từ 8-11h30 và 15h30-17h hàng ngày, và tùy vào tình hình diễn biến trên địa bàn để có thêm các phương án khác.
Tỉnh Tây Ninh cũng thành lập tổ bắt chó thả rông và phòng chống bệnh dại tại phường Ninh Hiệp (TP Tây Ninh). Chó thả rông sau khi bắt được mang về UBND phường tạm giữ, nhốt chờ chủ nuôi đến xử lý trong 48 giờ theo quy định tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ. Trường hợp, quá 48 giờ chủ nuôi không đến giải quyết thì UBND phường tiến hành lập biên bản xử lý theo quy định.