Là một trong những căn bệnh mạn tính phổ biến nhất trên thế giới, đái tháo đường trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng cần đặc biệt quan tâm. Tại Việt Nam, đái tháo đường tuýp 1 đang có xu hướng gia tăng ở trẻ em.
- Nhập viện lần thứ 3 mới biết nhiễm “vi khuẩn ăn thịt người”
- Hà Tĩnh: Tìm hướng xử lý trại lợn gây ô nhiễm
Hàng ngàn trẻ mắc đái tháo đường
Cụ thể, theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường, trong đó phần lớn là đái tháo đường tuýp 2, còn lại là đái tháo đường tuýp 1. Khác với đái tháo đường tuýp 2 thường gặp ở người trưởng thành, đái tháo đường tuýp 1 đang có xu hướng gia tăng ở trẻ em, chiếm 90% bệnh đái tháo đường ở đối tượng này.
Theo TS Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Phụ trách, quản lý và điều hành Cục Quản lý khám, chữa bệnh, thông tin từ các bệnh viện tuyến cuối về trẻ em cho thấy có khoảng 2.000 trẻ được chẩn đoán mắc đái tháo đường tuýp 1. Điển hình tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trước đây mỗi năm bệnh viện chỉ thăm khám, theo dõi và điều trị khoảng 10 – 15 trẻ mắc đái tháo đường tuýp 1. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số lượng trẻ được chẩn đoán và phát hiện mắc bệnh này đã tăng lên đáng kể, dao động từ 65 đến 95 trẻ mỗi năm. Hiện, có khoảng 200 – 300 trẻ mắc đái tháo đường tuýp 1 thường xuyên đến bệnh viện thăm khám và điều trị.
Việt Nam chưa có dữ liệu đầy đủ về dịch tễ đái tháo đường tuýp 1 ở trẻ em, nhưng thông tin từ các bệnh viện tuyến cuối cho thấy bệnh này đang gia tăng trong cả nước trong suốt 7 năm qua. Việc chẩn đoán và điều trị hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, một phần do chỉ có một vài bệnh viện lớn có bác sĩ nhi khoa am hiểu về bệnh có thể quản lý nhóm trẻ này. Một phần vì nhiều gia đình chưa hiểu hết những biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường, không tuân thủ điều trị khiến việc chữa bệnh đái tháo đường cho trẻ dễ thất bại.
Cần nhiều giải pháp để kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường ở trẻ
Đối mặt với thực trạng khó khăn trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường tuýp 1 cho trẻ, các chuyên gia đề xuất mở rộng hệ thống quản lý nhóm bệnh này ở các cơ sở y tế, chỉ cần đơn vị nhỏ quản lý 15 – 20 bệnh nhân cũng giúp giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Để làm điều này, trước mắt cần đào tạo và nâng cao năng lực đội ngũ bác sĩ nhi khoa về bệnh đái tháo đường tuýp 1.
TS Nguyễn Trọng Khoa cho biết, nhằm chuẩn hóa công tác chuyên môn thăm khám, theo dõi, điều trị đái tháo đường tuýp 1 cho trẻ, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn riêng về bệnh này. Hướng dẫn được xây dựng công phu, cập nhật, dựa trên các tài liệu trong nước và quốc tế, tập trung vào thực hành lâm sàng chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường tuýp 1, rất hữu ích cho các thầy thuốc đa khoa, chuyên khoa trong hành nghề khám, chữa bệnh hằng ngày.
“Thông qua tập huấn, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sẽ được triển khai tới các tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến để giúp ích cho công tác hành nghề của các thầy thuốc đa khoa, chuyên khoa. Mục tiêu cuối cùng là phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị kịp thời, kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường tuýp 1, giảm bớt gánh nặng bệnh tật cho trẻ em và gia đình đang sống cùng bệnh đái tháo đường tuýp 1, giúp bệnh nhân có một cuộc sống mạnh khỏe lâu dài”, TS Nguyễn Trọng Khoa nhấn mạnh.
Về phía các gia đình có con mắc đái tháo đường tuýp 1 đang điều trị, cần nỗ lực kiểm soát tình trạng bệnh của con bằng cách hợp tác chặt chẽ với nhân viên y tế để đưa ra liệu trình điều trị tối ưu. Trẻ mắc đái tháo đường tuýp 1 vẫn có thể phát triển bình thường nếu được tiêm đủ insulin và chế độ ăn uống thích hợp. Ngoài việc tuân thủ điều trị, phụ huynh chú ý kiêng cho con dùng những món ngọt trẻ em thường rất thích như bánh kẹo, đặc biệt là đồ uống có đường – một trong những sản phẩm làm trầm trọng thêm bệnh đái tháo đường.
Việt Nam cần áp dụng các chính sách nhằm giảm tiêu thụ đồ uống có đường Theo các chuyên gia y tế, Việt Nam cần áp dụng các chính sách nhằm giảm tiêu thụ đồ uống có đường. Bao gồm việc kiểm soát quảng cáo các sản phẩm này, đặc biệt là đối với trẻ em. Cùng với đánh thuế đồ uống có đường, biện pháp được cho là hiệu quả nhất và tiết kiệm chi phí, bởi có thể giảm tiêu thụ thực phẩm không lành mạnh. Liên quan tới giải pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đồ uống có đường, hiện nay Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Theo đó, dự thảo bổ sung nước giải khát theo tiêu chuẩn quốc gia có hàm lượng đường trên 5g/100ml, vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF và Bộ Y tế về thực tế bệnh tật liên quan đến nước giải khát có đường tại Việt Nam. Qua đó nâng cao nhận thức và hạn chế tiêu thụ nước giải khát có đường, mang lại lợi ích về sức khỏe cộng đồng, đặc biệt đối với giới trẻ, thế hệ tương lai của quốc gia, phù hợp với thông lệ quốc tế. |