Hôm qua (26/9), dự kiến TAND TP Dĩ An mở phiên xét xử sơ thẩm với ông Trần Quốc Tân (SN 1963, nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Cty CP Tân Tân) về 2 tội danh “Trốn thuế” và “Không chấp hành án”; bị cáo Trần Quốc Tuấn (SN 1968, thành viên HĐQT Cty) bị xét xử về tội “Không chấp hành án”. Tuy nhiên, do bị cáo Tân nhập viện nên phiên tòa bị hoãn.
- Bình Dương: Truy tố cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Tân Tân
- Bình Dương: Kết luận điều tra vụ “không chấp hành án” tại Công ty Tân Tân
- Cảnh báo người trẻ sau phát ngôn vô ơn của Chu Vinh
Trước khi diễn ra phiên tòa, gia đình bị cáo Tân nộp hồ sơ bệnh án cho thấy ông Tân (đang được tại ngoại) nhập viện cấp cứu vào 21h30 ngày 25/9 (trước phiên xử 1 đêm) tại một bệnh viện ở quận 1 (TP HCM).
Đồng thời, phiên tòa cũng vắng mặt người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là bà Châu Ngọc Phụng (thành viên Hội đồng Quản trị Cty Tân Tân, vợ ông Tân) và Trần Quốc Gia Phước (con trai ông Tân).
Ông Lê Hồng Phương, người đại diện mới theo pháp luật của Cty Tân Tân đề nghị HĐXX tiếp tục xét xử, còn luật sư (LS) bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Cty Tân Tân đề nghị tòa xác minh việc bị cáo Tân nằm viện có đúng hay không để có căn cứ xác định hoãn hay tiếp tục xét xử.
Sau khi nghe đại diện VKS đề nghị hoãn phiên tòa vì VKS cho rằng cần thiết phải có mặt bị cáo, HĐXX quyết định hoãn xử, thời gian mở lại sẽ được thông báo sau.
Trước đó, ngày 16/9, tòa mở phiên xử lần đầu nhưng các bị cáo Tân, Tuấn và người liên quan là bà Phụng, ông Phước vắng mặt. Do có đơn xin hoãn của LS bào chữa cho ông Tân, ông Tuấn nên tòa quyết định hoãn.
Theo cáo trạng, Cty Tân Tân thành lập năm 2007, gồm 3 cổ đông là ông Tân, ông Tuấn, bà Châu Ngọc Phụng (vợ ông Tân). Năm 2011, ông Tân chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Thanh (SN 1962, ngụ TP HCM) 3.666.666 cổ phần (CP), tương đương 45,83%.
Nhiều lần yêu cầu HĐQT triệu tập đại hội cổ đông (ĐHCĐ) bất thường, cung cấp báo cáo tài chính, đánh giá tình hình hoạt động và bầu lại HĐQT nhưng không được, nên bà Thanh khởi kiện. Tòa sau đó có bản án buộc các thành viên HĐQT Cty Tân Tân phải triệu tập ĐHCĐ, cung cấp báo cáo tài chính và bầu lại HĐQT; nhưng ông Tân, ông Tuấn, bà Phụng cố tình không chấp hành.
Ông Tân và ông Tuấn bị khởi tố về tội “Không chấp hành án”. Còn với bà Phụng, cáo trạng cho rằng năm 2017 chỉ còn 0,23% CP nên không xem xét trách nhiệm hình sự.
Quá trình điều tra, xem xét theo tố giác của bà Thanh, công an còn khởi tố ông Tân về tội “Trốn thuế”. Cáo trạng xác định, năm 2015, ông Tân đứng ra cho Cty TNHH MTV Thương mại – Sản xuất – Trồng trọt Tân Tân thuê nhà xưởng và kho với giá 100 triệu đồng/tháng. Từ tháng 7/2015 đến tháng 11/20222, Cty Tân Tân thu tiền cho thuê được 8,6 tỷ đồng nhưng không xuất hóa đơn, kê khai, báo cáo thuế nhằm trốn thuế gần 1,5 tỷ đồng.
LS bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Cty Tân Tân cho rằng việc không khởi tố với bà Phụng là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
“Bản án số 07/2018/KDTM-ST ngày 27/9/2018 của TAND Bình Dương nêu rõ: Buộc các thành viên HĐQT của Cty Tân Tân gồm bà Châu Ngọc Phụng, ông Trần Quốc Tân, ông Trần Quốc Tuấn phải triệu tập bất thường Đại hội đồng cổ đông của Cty Tân Tân để bầu lại thành viên HĐQT”, LS nói.
Tại trang 3 KLĐT vụ án có nêu: “Ngày 14/06/2019, Cục THADS Bình Dương có Quyết định thi hành án số 314 nhưng các thành viên HĐQT Cty Tân Tân không thực hiện bản án trên. Ngày 9/4/2021, Cục THADS có văn bản kiến nghị khởi tố với ông Tân, ông Tuấn và bà Phụng…”.
“Bà Thanh triệu tập Đại hội cổ đông để bầu thành viên HĐQT mới thì ông Tân, ông Tuấn và bà Phụng không đến… Các thành viên không thực hiện bản án mà còn tố giác ông Lê Hồng Phương (chồng bà Thanh, hiện nay là người đại diện mới theo pháp luật của Cty Tân Tân – NV) làm giả con dấu, tài liệu của Cty Tân Tân. Điều này có cơ sở xác định ông Tân, ông Tuấn và bà Phụng có đủ điều kiện để thực hiện bản án nhưng cố ý không thực hiện”.
“Như vậy, bà Phụng là thành viên HĐQT, người phải chấp hành bản án và theo quy định pháp luật có đủ quyền triệu tập đại hội cổ đông nhưng cố ý không thực hiện như KLĐT nêu trên. Cơ quan tố tụng không khởi tố bà Phụng về tội “Không chấp hành án” là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Nhận định bà Phụng chỉ còn 0,23% cổ phần nên không xem xét trách nhiệm là chưa phù hợp. Vì quyền thành viên HĐQT khác với quyền cổ đông (thành viên HĐQT không nhất thiết phải là cổ đông và ngược lại)”, LS nói.