Mối quan hệ giữa quản lý chất thải và nền kinh tế tuần hoàn đã được thể hiện mạnh mẽ qua quan điểm coi chất thải là tài nguyên và nguyên liệu sản xuất. Hiện nay đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp thu mua xử lý chất thải để biến thành nguyên liệu đầu vào.
- Giá điện, giá nhà và vật liệu tăng… khiến CPI tháng 11 tăng 0,13%
- Bộ Công Thương đấu giá 126.000 tấn đường nhập khẩu
- Làng nghề dệt chiếu hơn 500 tuổi bị thu hồi bằng công nhận
Mỗi năm mất hơn 1,2 tỷ USD để xử lý chất thải sinh hoạt
Phát biểu tại Diễn đàn Công nhân lao động vì môi trường (được tổ chức ngày 12/12), ông Hồ Kiên Trung – Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, theo số liệu thống kê, tính đến nay, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh trên toàn quốc khoảng 67.110 tấn/ngày.
“Nếu chỉ lấy chi phí ở mức thấp thì để thu gom, vận chuyển và xử lý 1 tấn CTRSH là 50 USD thì một ngày trung bình cả nước chi khoảng 3,35 triệu USD để thu gom, vận chuyển và xử lý cho toàn bộ CTRSH phát sinh, tương đương khoảng 1,2 tỷ USD/1 năm. Đây là con số không hề nhỏ cho một quốc gia đang phát triển như Việt Nam” – ông Trung nói.
Theo số liệu thống kê, chất thải có khả năng tái chế dao động từ 20 – 25% tổng lượng CTRSH phát sinh. Đây là nguồn nguyên liệu giá trị cao phục vụ làm nguyên liệu sản xuất; còn lại là CTRSH khác như túi nilong sử dụng một lần, vỏ kẹo, hộp xốp, mảnh gỗ… có giá trị thấp.
Tuy nhiên, theo ông Trung, các chất thải này nếu được sơ chế, tạo viên nén nhiên liệu để làm chất đốt cho một số ngành công nghiệp hoặc đốt phát điện cũng tạo ra giá trị. Hiện các nhà máy xi măng, sắt thép đang tìm mua các loại chất thải này để tạo thành viên nén nhiên liệu. “Như vậy, gần như toàn bộ CTRSH phát sinh đều có thể tái chế, tái sử dụng hoặc tạo thành năng lượng và tạo ra giá trị từ chất thải” – ông Trung khẳng định.
Hiện nhiều nước trên thế giới không còn bãi chôn lấp vì đều xử lý được chất thải trong khi ở Việt Nam, khoảng 65% tổng lượng CTRSH tại Việt Nam được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp; Khoảng 16% tổng lượng chất thải được xử lý tại các nhà máy chế biến phân compost và khoảng 19% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp đốt và các phương pháp khác như tái chế, khí hóa, làm viên nén nhiên liệu…
Đáng chú ý, ông Hồ Kiên Trung cho biết, một số doanh nghiệp, một vài địa phương đã tìm kiếm đầu ra ổn định đối với chất thải sau phân loại. Ví dụ như Hải Phòng, sản phẩm phân compost đã được thị trường tiêu thụ, hưởng ứng; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt chôn lấp năm sau giảm hơn so với năm trước (năm 2023 tỷ lệ này là 64%, năm 2019 là 70%); tỷ lệ tái chế, tái sử dụng chất thải có xu hướng tăng trong các năm gần đây (năm 2023 có tới 16,15% lượng chất thải phát sinh được sản xuất thành mùn hoặc phân hữu cơ; 10,25% lượng chất thải phát sinh được xử lý bằng phương pháp đốt có phát điện)…
Ông Nguyễn Tuấn Quang – Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp đã có nhiều dự án, thực hiện các biện pháp trong sản xuất nhằm bảo vệ môi trường như Tập đoàn Sanofi đang triển khai dự án nhà máy sản xuất năng lượng sinh khối từ trấu…
Một số địa phương đã triển khai xây dựng và vận hành các nhà máy điện rác đạt hiệu quả như: Hà Nội (Dự án điện rác Sóc Sơn công suất 4.000 tấn rác/ngày, công suất phát điện 75MW), Bình Thuận (Dự án điện rác Vĩnh Tân công suất 600 tấn rác/ngày, công suất phát điện 30MW), Phú Thọ (Dự án điện rác Phù Ninh công suất 500 tấn rác/ngày, công suất phát điện 25MW), Bắc Ninh (Nhà máy điện rác Ngôi sao xanh công suất 180 tấn rác/ngày đêm, công suất phát điện 6,1MW)…
Chất thải không phải là “gánh nặng”
Các diễn giả trong Diễn đàn đều cho rằng, để phát triển kinh tế tuần hoàn, cần phải đẩy mạnh việc thay đổi tư duy từ “sản xuất – tiêu dùng – thải bỏ” sang “giảm thiểu – tái sử dụng – tái chế”. Các mô hình tuần hoàn không chỉ giúp giảm lãng phí tài nguyên, bảo vệ môi trường mà còn tạo giá trị gia tăng cho doanh nghiệp và cộng đồng, nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.
Để đạt mục tiêu giảm phát thải, cần tập trung vào việc kiểm soát chặt chẽ các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch, thân thiện môi trường; Áp dụng công nghệ xanh, công nghệ tốt nhất hiện có, công nghệ không phát sinh khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Chất thải không phải là “gánh nặng”, mà chính là một nguồn tài nguyên quý giá nếu biết cách khai thác. Để biến chất thải thành tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế của đất nước thì việc làm tiên quyết, cần phải đẩy mạnh công tác phân loại chất thải, xây dựng các nhà máy tái chế hiện đại và khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng công nghệ xử lý rác tiên tiến là những hướng đi cần thiết. Đây không phải là trách nhiệm của riêng Chính phủ, doanh nghiệp mà còn là của mỗi người dân. Theo đó, nếu chỉ cần mỗi người dân có ý thức phân loại thì mỗi năm, Việt Nam sẽ có thể tiết kiệm được đến hàng tỷ USD.