Bộ Công Thương yêu cầu Công ty Vận hành Hệ thống điện và Thị trường điện Quốc gia đảm bảo duy trì liên lạc thông suốt với các đơn vị phát điện và truyền tải điện, trực 24/24 để đảm bảo hệ thống điện hoạt động ổn định, chuẩn bị sẵn sàng các phương án dự phòng kỹ thuật cho trường hợp có sự cố xảy ra…
- Tháo gỡ rào cản pháp lý cho thị trường tín chỉ carbon
- Không để xảy ra sai sót khi đoàn công tác Trung Quốc đến kiểm tra dừa tươi Việt Nam
Chiều 11/9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Công điện hỏa tốc số 6929/CĐ-BCT, gửi gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Công ty Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO), Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ; các đơn vị trực thuộc Bộ nhằm khẩn trương tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và các hiện tượng thiên tai liên quan như mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét sau bão.
Theo Công điện, hiện tại, các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ đang phải đối mặt với tình hình thiên tai phức tạp, thiệt hại về người và tài sản nghiêm trọng, trong khi thời tiết tiếp tục có diễn biến bất lợi với lượng mưa lớn trên diện rộng. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong Công điện số 92/CĐ-TTg ngày 10/9/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc ngành Công Thương triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp với tinh thần trách nhiệm cao nhất để ứng phó với bão và mưa lũ.
Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) huy động tối đa nguồn lực trong và ngoài ngành điện để khôi phục nhanh chóng hệ thống điện, ưu tiên cấp điện cho các cơ sở y tế, bệnh viện và các hoạt động sản xuất quan trọng. Các đơn vị điện lực địa phương phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền để ứng phó và xử lý hậu quả thiên tai, theo dõi sát diễn biến thời tiết và chuẩn bị vật tư, nhân lực theo phương châm “4 tại chỗ”.
EVN cũng phải đặc biệt chú ý đến việc đảm bảo an toàn các hồ đập, đặc biệt là các thủy điện nhỏ và các công trình đang thi công, nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực hạ du.
Đối với Công ty Vận hành Hệ thống điện và Thị trường điện Quốc gia, Bộ Công Thương yêu cầu đảm bảo duy trì liên lạc thông suốt với các đơn vị phát điện và truyền tải điện, trực 24/24 để đảm bảo hệ thống điện hoạt động ổn định, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các phương án dự phòng kỹ thuật cho trường hợp có sự cố xảy ra.
Sở Công Thương các tỉnh, thành phố được chỉ đạo phải huy động lực lượng phối hợp với các công ty điện lực trong việc khắc phục sự cố hệ thống điện do thiên tai gây ra, đồng thời tăng cường kiểm tra, đảm bảo an toàn lưới điện trên địa bàn. Các sở này cũng cần theo dõi sát tình hình thị trường hàng hóa thiết yếu, đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu và ổn định giá cả các mặt hàng phục vụ công tác khắc phục hậu quả sau bão, nhất là lương thực, thực phẩm và vật liệu xây dựng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng yêu cầu các Sở Công Thương phối hợp với các lực lượng chức năng như quân đội, công an và giao thông vận tải để đảm bảo hàng hóa thiết yếu, xăng dầu được ưu tiên lưu thông, vận chuyển vào các khu vực bị cô lập một cách an toàn.
Các cục và vụ chức năng như Cục Điều tiết điện lực, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp… đều được yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thiên tai, tập trung chỉ đạo các đơn vị khắc phục sự cố và đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn. Đặc biệt, Tổng cục Quản lý thị trường phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi găm hàng, tăng giá bất hợp lý các mặt hàng thiết yếu tại khu vực bị ảnh hưởng.
Bộ Công Thương sẽ tổ chức các tổ công tác tiền phương để điều tiết cung ứng hàng hóa thiết yếu tại các địa phương chịu ảnh hưởng, đảm bảo không có gián đoạn trong việc cung cấp lương thực và nhu yếu phẩm cho người dân.
Việc chỉ đạo và thực hiện khắc phục hậu quả bão lũ được yêu cầu báo cáo hàng ngày, gửi về Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp để tổng hợp, báo cáo các cấp thẩm quyền để có phương án xử lý kịp thời và hiệu quả.
Thanh Hà