Từ những hậu quả to lớn do việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gây ra, trong khi công tác phòng chống tác hại thuốc lá còn gặp nhiều khó khăn, Bộ Y tế đề xuất, cần cấm cấp phép đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng…
- Phát triển cơ sở chăm sóc người cao tuổi: An sinh để xã hội an tâm
- Cấp phép vaccine sốt xuất huyết đầu tiên tại Việt Nam
Phía Bộ Y tế cho rằng, sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành Y tế là nòng cốt.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), không có sản phẩm thuốc lá nào là an toàn cho sức khỏe. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có chứa nicotine, vẫn là sản phẩm gây nghiện. Theo bảng phân loại bệnh tật quốc tế thì lệ thuộc nicotine được phân loại mã bệnh 6C4A.2 là một bệnh thuộc loại rối loạn do sử dụng chất kích thích hoặc các hành vi gây nghiện. Nicotine còn là chất độc hại, gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa…
Báo cáo của WHO tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung lần thứ 6 và 7 (COP7) đã nêu: “tất cả các sản phẩm thuốc lá đều gây hại đối với sức khỏe. Việc tuyên truyền thuốc lá nung nóng ít hóa chất độc hại hơn so với thuốc lá truyền thống sẽ gây hiểu nhầm cho người sử dụng về tác hại của thuốc lá nung nóng”.
WHO kêu gọi các quốc gia cần ngăn ngừa việc đưa ra các kết luận thiếu căn cứ về tính an toàn của các sản phẩm này, đồng thời thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả được quy định trong Công ước khung thay vì sử dụng các sản phẩm mới được quảng cáo là ít có hại.
Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Tổ chức Y tế Thế giới về kiểm soát thuốc lá (COP 8), WHO đã khuyến cáo: Việc cho phép các sản phẩm mới sẽ làm tăng nhanh tỷ lệ sử dụng các sản phẩm này, dẫn tới nghiện nicotine và sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở giới trẻ. Các bên tham gia cần cân nhắc ưu tiên áp dụng các biện pháp để ngăn chặn sự bắt đầu sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới, bao gồm ở cấp độ cao nhất là ban hành quy định cấm.
Bộ Y tế là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá. “Từ những hậu quả to lớn của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng như trên, trong khi chúng ta đang còn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá và cần phải tập trung, nỗ lực để làm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường, vì vậy Bộ Y tế nhất quán quan điểm cấm cấp phép đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng”, Bộ Y tế khắng định.