Vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam bất chấp xu hướng đang giảm trên toàn cầu. Trong đó, sau 7 tháng của năm 2024, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục “hút” vốn mạnh nhất khi chiếm đến 70% vốn đăng ký. Cùng với đó, các dự án chế biến, chế tạo cũng đứng đầu về số lượng dự án mới. Điều này đặt ra thách thức mở rộng thị trường cho các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo.
- MSB ưu đãi chủ kinh doanh mở mới tài khoản thanh toán M-Pro
- Lê Văn Cảnh – Founder/CEO thương hiệu Fed English: “Giáo dục là con đường sáng của trí tuệ, thành công và hạnh phúc”
Chỉ số hàng tồn kho gia tăng
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 7 tháng, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân ở Việt Nam. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 12,65 tỷ USD, chiếm 70,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 15,7% so với cùng kỳ. Xét về số lượng dự án, công nghiệp chế biến, chế tạo cũng vẫn là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 35,1%) và điều chỉnh vốn (chiếm 65,8%).
Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cũng cho thấy, sau 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu (XK) nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt gần 192 tỷ USD, chiếm 84,6% tổng kim ngạch XK và tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều nhóm sản phẩm đạt tốc độ tăng trưởng cao, trong đó có các mặt hàng XK chủ lực như máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 51,5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 30%…
Bên cạnh đó, nhóm hàng này đã thực hiện tốt đa dạng hóa thị trường (kim ngạch XK sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng) trong bối cảnh XK sang các thị trường lớn sụt giảm.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 7 tháng năm 2024 giảm 8,22% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/7/2024 tăng 33,25% so với cùng kỳ, trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng như dệt tăng 75,52%; sản xuất trang phục tăng 21,42%…
Do đó, để tiếp tục giữ đà tăng trưởng, cần có nhiều biện pháp, trong đó, việc mở rộng thị trường cho sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo được coi là quan trọng nhất, nhất là khi lượng hàng tồn kho có xu hướng tăng.
Tăng cường các hoạt động kết nối
Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, để khơi thông lượng hàng tồn kho, bên cạnh các thị trường và đối tác truyền thống, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần bám sát thị trường, mở rộng hoạt động tìm kiếm khách hàng mới; tái cấu trúc, giảm chi phí và giá thành sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Song song với đó, cần tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới nhằm tìm kiếm các đơn hàng và khách hàng mới.
Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, ngành dệt may đang thực hiện mục tiêu đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, tăng tính cạnh tranh và tận dụng các FTA để thúc đẩy XK. Để gia tăng XK dệt may thời gian tới, ông Cẩm đề nghị các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ nhiều hơn về thông tin thị trường, chính sách của nước sở tại… nhằm định hướng cho doanh nghiệp.
Bà Trần Thị Thu Quỳnh – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada thông tin, thị trường Canada còn khá nhiều tiềm năng với doanh nghiệp Việt. Do đó, Thương vụ cũng đã có rất nhiều hoạt động để quảng bá và giới thiệu năng lực sản xuất và trình độ công nghiệp hoá cao của Việt Nam. Thương vụ cũng phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội để chuyển các cơ hội kết nối giao thương và các đơn đặt hàng của các doanh nghiệp Canada.
Các Thương vụ tại Mỹ hoặc Australia cũng đều cho rằng, để mở rộng thị trường cho các sản phẩm chế biến, chế tạo, doanh nghiệp phải tăng cường kết nối, tham gia các hội chợ để tìm kiếm thêm các đối tác. Hầu hết Thương vụ đều đã thông báo về các hội chợ để doanh nghiệp, hiệp hội sắp xếp tham gia.
Đáng chú ý, ông Đỗ Ngọc Hưng – Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, Thương vụ cũng sẽ phối hợp Tập đoàn THACO để nghiên cứu mở Văn phòng đại diện tại Hoa Kỳ cũng như đa dạng hoá đối tác thu mua sản phẩm sau khi Tập đoàn này đã XK sản phẩm chủ lực sơ-mi rơ-moóc sang Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, ông Hưng lưu ý, các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học và công nghệ, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng công nghệ trong mỗi sản phẩm; không ngừng nâng cao năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Nguyễn Phú Hòa – Tham tán thương mại Việt Nam tại Australia lưu ý, thị trường Australia có quy định, rào cản kỹ thuật, rất khắt khe, thậm chí một số tiêu chuẩn còn cao hơn cả Hoa Kỳ và EU. Chưa kể, người dân Australia chú trọng chất lượng sản phẩm với xu hướng đánh giá sản phẩm dựa trên tiêu chí “giá trị của đồng tiền” hơn là tiêu chí về giá. Do đó, nếu muốn phát triển tại thị trường Australia, doanh nghiệp XK Việt Nam cần đặt ưu tiên hàng đầu đối với chất lượng sản phẩm.