Vô tình “đẩy” chó, mèo vào các lò mổ
Có những người nuôi chó, mèo vì nhiều lý do khác nhau như chuyển nơi sinh sống, không đủ khả năng kinh tế hay thú cưng “vỡ kế hoạch” đẻ quá nhiều mà phải đăng tin tìm chủ cho thú nuôi của mình. Lợi dụng sự cả tin của nhiều người cho chó, mèo với giá rẻ chỉ vài chục nghìn hoặc miễn phí, nhiều kẻ đã nhận nuôi, mua lại với mục đích xấu.
Nguyễn Thùy Linh (26 tuổi, Hà Nội) chia sẻ, do chuẩn bị theo gia đình vào trong Nam sinh sống, cô muốn tặng lại chú mèo gần một tuổi cho người yêu động vật. Thùy Linh đăng tin lên mạng xã hội và nhận lại được hàng loạt tin nhắn xin nhận nuôi. Cô chia sẻ: “Sau khi nói chuyện, kiểm tra thông tin rất kỹ một tài khoản Facebook tên M xin nhận nuôi mèo, tôi đồng ý giao mèo cho M vào ngày hôm sau”. Linh cứ ngỡ đã lựa chọn được một người chủ tốt cho “bé” mèo của mình, thì chỉ hai hôm sau, trong một lần vô tình xem thông tin về các lò mổ ở Hà Nội, cô nhìn thấy chú mèo của mình ở trong những lồng sắt tại đó.
Thùy Linh ngậm ngùi kể lại: “Một ngày sau khi cho mèo, tôi tình cờ phát hiện “em” mèo của mình (với những đặc điểm nhận dạng như đeo vòng cổ nơ) đã bị bán vào lò thịt mèo ở ngoại ô Hà Nội. Sau khi chuộc mèo ở lò với giá gần 1 triệu, tôi được chủ lò mổ cho biết người có tên M nhận nuôi mèo của mình là một “khách quen” thường xuyên bán chó, mèo cho lò mổ”.
Giống như Thùy Linh, Phạm Phương Anh (28 tuổi, Hà Nội) cho biết, vài tháng trước, nhà cô có một đàn mèo con bốn tháng tuổi, do không đủ điều kiện kinh tế, cô đưa thông tin lên các trang page nhận nuôi chó, mèo trên mạng xã hội: “Lập tức có một tài khoản Facebook tên L liên tục nhắn tin cho tôi, với lời lẽ tha thiết muốn nhận nuôi cả đàn mèo”. Cô rất vui mừng vì có người yêu thương, sẵn sàng nuôi ba chú mèo con. Nhưng Phương Anh cũng nhận được lời khuyên của bạn bè nên cẩn thận với những trường hợp nhận nuôi một số lượng đông như tài khoản facebook trên.
Cô chia sẻ: “Mọi người khuyên tôi nên lấy một chút “vía” (tiền) nhận nuôi chó, mèo để bảo đảm an toàn. Tôi liên hệ lại với tài khoản Facebook tên L và xin 200 nghìn cho ba chú mèo, L phản hồi liên tục với đủ các sắc thái từ nịnh bợ, dọa nạt đến bực dọc, khó chịu”. Cảm giác nghi ngờ, không tin tưởng đối phương, nên Phương Anh dứt khoát không cho L ba chú mèo con. Vài ngày sau, nhiều người trong các hội nhóm nhận nuôi chó, mèo đã đưa thông tin công khai về tài khoản Facebook tên “L” và khẳng định đó là một người nhận nuôi chó, mèo về để ăn thịt hoặc bán vào những lò mổ. Phương Anh chia sẻ: “Nghe được thông tin, tôi toát mồ hôi lạnh, cảm thấy may mắn khi mình đã không tặng mèo cho những người như vậy”.
Hai câu chuyện trên là những người chủ may mắn cứu được chó, mèo của mình. Trên các hội nhóm mua bán, cho, tặng chó, mèo có hàng chục, hàng trăm tin đăng mỗi ngày. Trong đó không ít những “miêu tặc”, “cẩu tặc” trà trộn vào nhận nuôi chó, mèo nhưng thay vì cho “các em thú cưng” một mái ấm, thì những kẻ đó lại bán “các em” vào lò mổ để trở thành “món ngon” trên bàn ăn.
Mua bán, nhận nuôi chó, mèo trong các hội nhóm trên mạng xã hội ngày càng phổ biến. (Nguồn: Tinhte)
Cho đến những “cú lừa bạc triệu”
Mua bán chó, mèo trên mạng xã hội hiện nay là một “canh bạc” hên xui, may rủi dành cho những người yêu chó, mèo. Có rất nhiều trường hợp đặt cọc tiền, chuyển tiền mua chó, mèo, nhưng mất trắng do bị lừa. Không ít trường hợp, người chủ vô lương tâm bán chó, mèo khi còn quá nhỏ, dẫn đến hậu quả “tiền mất, tật mang” cho người mua.
Ngọc Anh (18 tuổi, Hà Nội) cho biết, cô mất gần 7 triệu mua chú mèo Anh lông ngắn qua một tài khoản Facebook tương đối uy tín: “Theo thông tin cung cấp của người bán, chú mèo tôi định mua đã được 5 tháng tuổi, biết ăn, khỏe mạnh”. Tuy nhiên, khi chú mèo được vận chuyển tới, Ngọc Anh nhận thấy kích thước của chú mèo rất bé chỉ khoảng 2 tháng tuổi, chưa hoàn toàn quen với việc ăn cơm, ăn hạt. Sau một thời gian mèo có dấu hiệu mệt mỏi, tiêu chảy, chán ăn. Khi đem đi khám, cô được báo tin mèo đã mắc bệnh do tách mẹ quá sớm. Mặc dù Ngọc Anh đã tận tình chữa bệnh cho chú mèo với chi phí thuốc men, nằm viện lên đến gần chục triệu đồng, nhưng mèo “cưng” vẫn không qua khỏi.
Trần Tuấn Linh (22 tuổi, TP HCM) chia sẻ, từ lâu anh đã có mong muốn được nuôi một chú chó giống Dachshund (chó lạp xưởng) của Đức. Sau khi xem trên các hội nhóm trên mạng xã hội, anh quyết định mua từ một chủ tài khoản Facebook với giá 4 triệu đồng: “Do chủ quan, chưa có kinh nghiệm mua chó, nên tôi đã không chọn những chủ trại chó uy tín, có đủ giấy tờ, tiêm phòng cho chó”. Tuấn Linh nhận về một chú chó tương đối đẹp. Nhưng sau thời gian, anh nhận thấy “thú cưng” có vẻ chán ăn, mệt mỏi, thường xuyên gãi lông, tắc cổ họng khi sủa.
Tuấn Linh đã nhanh chóng đưa chú chó đến bệnh viện thú y để khám, chữa bệnh. Anh cho biết: “Chú chó bị bệnh cầu trùng Coccidia, ngoài ra trên lông còn có rệp chó và mắc bệnh viêm phế quản, bác sĩ thú y có lý giải nguyên do chú chó được sinh ra và từng sống ở nơi ẩm thấp không đảm bảo vệ sinh môi trường”. Linh cho biết, anh bắt đầu tìm hiểu, kiểm tra thông tin về tài khoản Facebook kia mới ngỡ ngàng phát hiện, đây là một người nuôi chó để bán lấy tiền, không thật tâm chăm sóc các chú cún.
Khác với Tuấn Linh và Ngọc Anh, chị Huyền Trang (40 tuổi, Hà Nội) rất yêu thích chó Corgi béo núc ních, thân thiện, dễ thương. Có điều kiện gia đình, khuôn viên nhà ở rộng rãi, chị đã nuôi một chú chó Corgi và đang tìm bạn cho “thú cưng”. Được bạn bè gợi ý vào các hội nhóm mua bán chó cảnh, chị nhanh chóng tìm được người bán: “Dù tôi đã kiểm tra chứng minh nhân dân, thông tin cá nhân của người bán trước khi đặt cọc 7 triệu, nhưng vẫn không tránh khỏi bị lừa đảo”.
Sau khi đặt cọc tiền, người bán hứa hẹn tuần sau sẽ cho chị địa chỉ đến để nhận chó đem về. Đúng ngày, đúng giờ hẹn, chị liên hệ với người bán đến mua chó nhưng người bán không nghe máy, tài khoản trên mạng cũng bị chặn. Chị cùng con gái vội vàng đến địa chỉ được người bán cho, nhưng nhận về là hình ảnh của một cửa hàng sửa chữa ô tô. Chị kể lại: “Người chủ cửa hàng xác nhận ở đó không ai bán chó Corgi, tôi mới vỡ òa khi biết mình đã bị lừa”. “Tiền mất, tật mang” khiến cho chị Huyền Trang rất buồn, nhưng không có cách để giải quyết, nên chỉ ngậm ngùi “của đi thay người”.
Đảm bảo an toàn mua bán chó mèo trên mạng
Nguyễn Phương Nam (35 tuổi, TP HCM) đã có nhiều năm kinh nghiệm mua và nuôi chó cho biết, ngoài việc kiểm tra kỹ lưỡng thông tin của người bán, khi gặp những tài khoản lạ trên Facebook, cô không chuyển khoản tiền đặt cọc mà hẹn gặp trực tiếp. Khi đã kiểm tra kỹ lưỡng thông tin về giống chó, sức khỏe, các giấy tờ tiêm phòng, giống thuần chủng (hoặc không thuần chủng) cô mới trả tiền: “Số tiền bỏ ra mua các chú chó dù chó ta hay chó giống nước ngoài đều rơi vào khoảng 500 nghìn đến cả chục triệu, vì vậy, mọi người không được chủ quan mà phải kiểm tra kỹ lưỡng tránh “tiền mất, tật mang”.
Cần phải thận trọng khi mua bán chó, mèo trên không gian ảo. (Nguồn: MarchTech)
Với anh Nguyễn Thành Nam (40 tuổi, Hà Nội), đã có kinh nghiệm mua mèo trong các hội nhóm trên mạng xã hội cho biết: “Hiện nay, việc lừa đảo khi mua bán chó, mèo xảy ra khá phổ biến, trước khi mua chú mèo cho gia đình hoặc tặng bạn bè thân thiết, tôi thường lên các group (nhóm) mua bán, kiểm tra uy tín của tài khoản Facebook bán chó, mèo”. Anh nhấn mạnh, lừa đảo bán chó, mèo bây giờ rất tinh vi, có những kẻ gian dùng AI để làm giả chứng minh nhân dân, ăn cắp ảnh chó, mèo của những shop uy tín để lừa người mua. Anh nói: “Việc đầu tiên phải lựa chọn các shop, cá nhân bán thú cảnh uy tín. Tiếp theo, nếu như mọi người muốn mua chó, mèo từ những tài khoản mới, cần kiểm tra uy tín trên các hội nhóm mua bán chó, mèo. Cuối cùng, nếu cảm thấy người bán không đáng tin, tuyệt đối đừng chuyển khoản tiền đặt cọc mua chó, mèo”.
Đối với việc bán, tìm chủ mới cho chó, mèo ở không gian mạng cần phải thận trọng. Hiện tại, việc kẻ gian nhận nuôi chó, mèo để làm thịt, bán vào lò mổ lấy tiền đã xảy ra rất nhiều. Phạm Thùy Trang (26 tuổi, Hà Nội) thành viên của một hội cứu trợ chó, mèo cho biết: “Khi tìm chủ mới cho chó, mèo, cần đảm bảo được các thông tin như nơi ở, nghề nghiệp, số điện thoại. Đặc biệt, tài khoản Facebook, Zalo xin chó, mèo phải của chính chủ”. Trang chia sẻ, kẻ gian sợ bị phát hiện làm điều xấu thường dùng các nick (tài khoản), số điện thoại “ảo” để nhận nuôi chó, mèo.
Đặc biệt, với những người có nhu cầu cho chó, mèo, cần thu tiền “vía” ít nhất từ 100 – 200 nghìn đồng, để đảm bảo chó, mèo không rơi vào tay kẻ xấu: “Tôi có nhiều năm làm cứu trợ chó, mèo, theo kinh nghiệm của tôi, thông thường những “miêu tặc”, “cẩu tặc” trên không gian mạng sẽ không muốn tốn tiền để mua lại chó, mèo mà chỉ thích nhận miễn phí”. Cuối cùng, theo Trang, trong một năm đầu, chủ cũ cần thường xuyên liên lạc với chủ mới để cùng nhau theo dõi tình hình của “thú cưng”.