Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam mới phát tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy trên địa bàn tỉnh.
- Nhanh chóng xử lí lún võng tại cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn
- Mưa lũ làm 24 người chết và mất tích tại Bát Xát
- Thanh niên Việt Nam hướng về đồng bào vùng bão lũ
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam, từ trưa đến tối qua, 12/9, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to như: Đại Chánh 61,8 mm (huyện Đại Lộc); Đầu Mối Hồ Trung Lộc 36,8 mm (huyện Nông Sơn); Điện Hồng 33,6 mm (thị xã Điện Bàn); Sông Trà 47 mm (huyện Hiệp Đức); Trà Leng 77,4 mm, Khu TDC Tắk Pát, xã Trà Leng 55,4 mm (huyện Nam Trà My).
Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các huyện Đại Lộc, Nông Sơn, Hiệp Đức, Nam Trà My, thị xã Điện Bàn đã gần bão hòa (trên 80%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam cảnh báo trong 3-6 giờ tới, các địa phương trong tỉnh tiếp tục có mưa, mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to.
Trong 6 giờ tới, nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các địa phương, đặc biệt là các huyện Bắc Trà My (TT Trà My, Trà Bui, Trà Đốc, Trà Đông, Trà Dương, Trà Giác, Trà Giang, Trà Sơn, Trà Tân, Trà Kót); Đông Giang (A Ting); Hiệp Đức (Bình Lâm, Bình Sơn, Hiệp Hòa, Phước Gia, Phước Trà, Sông Trà); Duy Xuyên (Duy Hòa); Nam Trà My (Trà Don, Trà Dơn, Trà Leng, Trà Mai, Trà Tập); Phước Sơn (Phước Hiệp); Tiên Phước (thị trấn Tiên Kỳ, Tiên An, Tiên Hiệp, Tiên Lãnh, Tiên Lập, Tiên Lộc, Tiên Ngọc, Tiên Sơn).
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: Cấp 1.
Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế – xã hội.
Trước đó, nhằm chủ động ứng phó trong mùa mưa bão, tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt phương án ứng phó với thiên tai theo các cấp độ rủi ro trên địa bàn tỉnh.
Về tổ chức thực hiện, UBND, ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) cấp huyện được giao chỉ đạo rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro.
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cần chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện phương án theo dõi, đôn đốc các địa phương, đơn vị rà soát, hoàn chỉnh phương án di dời, sơ tán dân cho phù hợp.
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chỉ đạo ban chỉ huy quân sự huyện, thị xã, thành phố chủ động tham mưu rà soát kế hoạch ứng phó cụ thể với các tình huống thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn; đặc biệt là phương án sơ tán nhân dân ra khỏi vùng có nguy cơ bị sạt lở, ngập lụt và ảnh hưởng của bão; hướng dẫn, xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã để thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”…