Là thủ đoạn lừa đảo xuất hiện từ năm 2021, sau một thời gian tạm lắng, chiêu trò giả danh cảnh sát giao thông “thông báo phạt nguội” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã xuất hiện trở lại, khiến nhiều nạn nhân tiếp tục “sập bẫy”.
- Phạt người đàn ông gắn keo vào dép của du khách rồi “vòi” tiền
- Phạt người phụ nữ đăng tin sai sự thật liên quan ca bạch hầu ở Bắc Giang
- TP Hồ Chí Minh: Hơn 2.000 xe quá tải bị xử phạt trong 6 tháng thí điểm “phạt nguội”
Chiêu trò lừa đảo trên môi trường viễn thông
Theo thông tin từ Công an TP Hà Nội, mới đây, anh L.H.P (SN 1995, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã nhận được tin nhắn từ một người tự xưng là cán bộ Đội CSGT thuộc Phòng CSGT Công an TP Hà Nội. Tin nhắn thông báo rằng lực lượng chức năng đã ghi nhận anh P điều khiển xe gắn máy với hành vi lạng lách, đánh võng và cho biết số tiền phạt từ 6 – 8 triệu đồng, cùng việc tước giấy phép lái xe từ 2 – 4 tháng.
Để tạo sự tin tưởng, đối tượng đã trích dẫn các điều, khoản trong Nghị định 100/2019 làm căn cứ và yêu cầu anh P cầm theo giấy tờ xe, đăng ký xe, cùng căn cước công dân đến Đội CSGT để giải quyết. Đặc biệt, tin nhắn còn có lời răn đe, nhằm gây tâm lý hoang mang cho người nhận. Tuy nhiên, nghi ngờ về tính xác thực, anh P đã đến trực tiếp cơ quan Công an để xác minh và tránh được “bẫy” lừa đảo.
Không may mắn như anh P, ông N.Đ.L (SN 1965, Hà Nội) đã bị lừa số tiền 5 triệu đồng trước thủ đoạn lừa đảo trên. Nhận được cuộc gọi tương tự như anh P, nhưng do chưa bao giờ bị xử “phạt nguội” và vì là người lớn tuổi nên ông L rất hoang mang, lo lắng. Trong quá trình trao đổi, khi thấy ông L chưa nhận được biên bản xử phạt từ CSGT, đối tượng đề nghị ông cung cấp tên, tuổi, địa chỉ, số CMND, CCCD, số hộ chiếu, số tài khoản ngân hàng… để lực lượng chức năng cung cấp số biên bản, hành vi vi phạm, hình thức xử lý, số tiền xử phạt.
Sau khi có thông tin cá nhân, đối tượng yêu cầu anh L chuyển tiền vào tài khoản định sẵn hoặc cung cấp mã OTP để chuyển tiền vào tài khoản của chúng với vỏ bọc xác minh, điều tra, xử lý “phạt nguội”. Đồng thời, yêu cầu bị hại giữ bí mật với gia đình, kể cả nhân viên ngân hàng về mục đích chuyển tiền để chiếm đoạt. Sau khi tiền chuyển đi được vài ngày, anh L có kể chuyện với con cái mới biết bản thân bị lừa, gọi lại thì số điện thoại không liên lạc được.
“Sập bẫy” vì không nắm rõ quy trình
Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp nạn nhân bị lừa đảo thông qua thủ đoạn nói trên, đặc điểm chung là các đối tượng đều tự xưng là CSGT thông báo hành vi vi phạm giao thông qua các kênh viễn thông như cuộc gọi, tin nhắn. Những người nhẹ dạ, thiếu cảnh giác dễ dàng trở thành “con mồi” cho kẻ lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, việc người dân không nắm rõ quy trình xử lý của lực lượng chức năng cũng là nguyên nhân chính khiến bản thân bị “sập bẫy”.
Một trong những nguyên tắc quan trọng mà người dân chưa nắm rõ là cơ quan Công an không làm việc với người dân qua điện thoại hoặc mạng xã hội. Khi cần làm việc, cơ quan Công an sẽ gửi thông báo bằng văn bản. Theo Thông tư số 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an quy định rõ, các trường hợp vi phạm “phạt nguội” đều được gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đến trụ sở cơ quan Công an. Như vậy không có chuyện gọi điện, nhắn tin qua điện thoại thông báo vi phạm.
Nếu không thể trực tiếp đến trụ sở Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính, người dân có thể đến trụ sở Công an cấp huyện nơi cư trú để giải quyết vụ việc vi phạm hành chính. Thông báo vi phạm có thể được gửi bằng văn bản giấy hoặc phương thức điện tử, nếu đáp ứng đủ điều kiện về hạ tầng kỹ thuật. Đồng thời, thông tin vi phạm sẽ được đăng trên Trang thông tin điện tử của Cục CSGT, Bộ Công an để người dân có thể tra cứu và thực hiện việc xử phạt.
Do đó, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn, không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho các đối tượng lạ; không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm dưới bất kỳ hình thức nào; không truy cập vào các đường dẫn lạ. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để lực lượng Công an có biện pháp xử lý kịp thời. Việc nắm rõ quy trình “phạt nguội” sẽ giúp người dân tránh bị kẻ xấu lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo người dân nên tỉnh táo khi nhận phải các cuộc gọi và tin nhắn từ những đối tượng không rõ danh tính. Người dân cần chủ động tìm hiểu và kiểm tra, xác minh danh tính đối tượng bằng cách liên hệ qua các trang thông tin chính thống.
Các trường hợp bị “phạt nguội”, CSGT đều gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện hoặc người liên quan đến trụ sở cơ quan công an (nơi xảy ra vi phạm) để làm việc nên không có chuyện gọi điện, nhắn tin qua điện thoại thông báo vi phạm. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn, không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho các đối tượng lạ, không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm dưới bất kỳ hình thức nào, không truy cập vào các đường dẫn lạ. |