Thời điểm cuối năm, nhu cầu sử dụng các dịch vụ như thuê người, vệ sinh, trang hoàng nhà cửa, đổi tiền mới… tăng cao. Đây cũng là lúc các đối tượng lừa đảo hoành hành, “đánh” vào nhu cầu của người dân để “móc túi” họ một cách bất chính.
- Bắt tạm giam cán bộ kỹ thuật Công ty xây dựng “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”
- Bắt giữ đối tượng bị truy nã về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
- Nhân viên ngân hàng phối hợp Công an kịp thời ngăn chặn khách hàng chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo
Nhiều trò lừa đảo sửa chữa, dọn nhà cận Tết
Mới đây, chị Ng. Th. M. N., ngụ Huỳnh Văn Bánh, Phú Nhuận đã lên tiếng cảnh báo về một chiêu trò lừa đảo nhằm vào dịch vụ dọn dẹp nhà cửa ngày Tết mà gia đình chị là nạn nhân. Theo chị N., thấy trên Facebook chạy quảng cáo dịch vụ vệ sinh nhà cửa của một công ty có trụ sở ở quận 3, hình ảnh chỉn chu, chị N. đã liên hệ để thuê dịch vụ. Sau khi nói chuyện xong, phía công ty cho biết sẽ để nhân viên xuống tận nhà chị thẩm định khối lượng công việc và báo giá. Sau đó, 2 nhân viên cho biết là người của công ty vệ sinh xuất hiện với đồng phục, dụng cụ chỉn chu, sau khi rà soát công việc, nhóm này đưa ra lời hứa hẹn sẽ giúp căn nhà lầu 3 tầng của chị “sạch từ trong ra ngoài” và đưa nhiều hình ảnh kết quả vệ sinh nhà khá thuyết phục. Mức giá được báo là 7 triệu đồng cho trọn gói bao gồm dọn dẹp nhà cửa, giặt rèm, vệ sinh nệm, sofa. Phía công ty yêu cầu chị N. đặt cọc 4 triệu đồng vì thời điểm này khách đông, phải “giữ chỗ”. Thấy cách làm chuyên nghiệp, chị N. đồng ý đặt cọc, được nhân viên công ty viết biên nhận xác nhận. Tuy nhiên, đến ngày đã hẹn, không thấy nhân viên công ty đến, chị N. liên lạc không được, lên Facebook tìm thì phát hiện mình đã bị tài khoản nọ chặn từ lúc nào.
Tương tự, anh T.V.H., ngụ quận 2, TP Hồ Chí Minh thì bị lừa ở dịch vụ thông hút hầm cầu. Thấy bồn cầu nhà mình có dấu hiệu không thông, sợ Tết nhất đến có sự cố không hay, anh H. tìm được số điện thoại của dịch vụ hút hầm cầu ngay ở cột điện trước nhà để liên hệ. Sau đó, nhân viên đơn vị thông hút hầm cầu đến nhà anh để khảo sát và báo hầm cầu nhà anh bị nghẽn nặng, phải dùng đến xe lớn để hút, với giá hơn 400 ngàn/m3. Chủ quan, anh H. không hỏi kỹ mà đồng ý luôn. Đến khi nhóm nọ cho xe thông hầm cầu đến trước nhà, sau hơn 1 tiếng đồng hồ “xử lý”, mức giá họ báo anh là… 39 triệu đồng. Khi anh H. không chịu trả tiền, nhóm này trở mặt, dọa hành hung. Cuối cùng hai bên thỏa thuận với số tiền anh H. phải trả là… hơn 20 triệu đồng cho dịch vụ thông hút hầm cầu. Câu chuyện của anh H. sau khi được anh đăng tải trên mạng đã được chia sẻ rộng rãi để cảnh báo cho cộng đồng. Nhiều người cho rằng, trước sự việc này, đáng ra anh H. không nên chấp nhận thỏa thuận với bọn lừa đảo để mất một số tiền lớn mà nên liên hệ cơ quan chức năng để xử lý.
Thời gian này, các dịch vụ lừa đảo liên quan đến dọn nhà, sửa sang đồ đạc nở rộ. Không ít người dân đã phản ánh các vụ lừa đảo liên quan đến dịch vụ thuê người làm, sửa chữa vệ sinh đồ điện máy trong nhà… Chiêu trò của những kẻ lừa đảo là lừa đặt cọc dịch vụ rồi biến mất, hoặc báo giá một đằng, sau khi làm thì phát sinh số tiền lớn, kết hợp với thao túng tâm lý, hăm dọa người dân để lấy tiền họ. Số tiền bị lừa từ vài trăm ngàn đến vài triệu, vài chục triệu đồng.
Cảnh giác là “chìa khóa” bảo vệ tài sản
Cạnh đó, các dịch vụ khác như đổi tiền Tết, mua vé máy bay, đặt tour du lịch Tết, vay tiền… cũng trở thành công cụ để những kẻ lừa đảo nhắm đến. Nhiều người dân đã lên tiếng cho biết, họ liên hệ qua các trang Fanpage, website để đăng ký mua vé máy bay giá rẻ, mua tour du lịch Tết… Sau khi chốt giá, chuyển khoản, khách hàng mới nhận ra mã vé hoặc chuyến đi của họ là… ảo và cũng không cách nào liên hệ với các công ty nói trên.
Liên quan đến dịch vụ đổi tiền mới, hầu như năm nào cũng có nạn nhân bị lừa. Dịch vụ này được quảng cáo rầm rộ trên mạng, khách cần bao nhiêu cũng có, thậm chí khách hàng có thể chọn tiền số đẹp để “lấy may”. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, những dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới trên mạng mang tính rủi ro rất cao. Đã có những trường hợp sử dụng tiền bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc hay thậm chí là tiền giả để lừa người dân. Vì vậy, lời khuyên là người dân cần nâng cao cảnh giác, việc giao dịch, trao đổi tiền cần thực hiện tại các điểm an toàn như tại ngân hàng.
Vừa qua, cơ quan công an TP Hồ Chí Minh cũng đã đưa ra khuyến cáo người dân hết sức cẩn trọng với các chiêu trò lừa đảo dịp cận Tết, đặc biệt liên quan đến “tín dụng đen”, mua bán hàng giả, giao dịch chuyển tiền…
Theo cơ quan công an TP Hồ Chí Minh, người dân cần nâng cao cảnh giác, theo dõi thông tin từ các nguồn chính thống về phương thức lừa đảo, bảo mật thông tin cá nhân khi tham gia các hoạt động trên mạng và đặc biệt là xác thực thông tin khi gặp phải các yêu cầu chuyển khoản hoặc cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại, tin nhắn, email. Khi có nhu cầu vay tiền, người dân được khuyến cáo chỉ nên liên hệ với Ngân hàng Chính sách địa phương để được hướng dẫn vay tín chấp, thay vì tin vào các quảng cáo vay tiền lãi suất thấp, thủ tục đơn giản trên mạng xã hội.
Người dân báo cáo kịp thời mọi dấu hiệu nghi ngờ lừa đảo đến cơ quan chức năng. Mọi thông tin sẽ được xử lý nghiêm minh và giúp bảo vệ quyền lợi của người dân.