Có thể nói không cần phải dùng tới chiêu trò, thủ thuật, phim về đề tài gia đình đã thực sự kéo khán giả trở lại với phim Việt.
- Phim điện ảnh về thời niên thiếu của Bác Hồ sắp ra rạp
- Lý do “Lật mặt 7” không có người xấu và ước mơ làm phim lịch sử của Lý Hải
Giải Cánh Diều Vàng 2023 thể loại phim truyện điện ảnh vừa được trao cho bộ phim “Tro tàn rực rỡ”. Bộ phim được chuyển thể từ hai truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, khắc họa nỗi đau của những người phụ nữ khi bị chồng ruồng rẫy, yêu người khác.
Tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên ra rạp từ ngày 2/12/2022, sau 7 năm ấp ủ. Cuối năm 2022, phim đạt giải cao nhất – Montgolfière d’or (Golden Balloon) – tại Liên hoan phim ba châu lục ở Pháp.
Thời gian gần đây, những phim đề cập đến vấn đề gia đình rất được khán giả quan tâm và liên tục đạt được những giải thưởng cao quý. Đơn cử như phim “Đêm tối rực rỡ” của đạo diễn Aaron Toronto đạt giải giải Cánh Diều Vàng 2021 khắc họa một cách sâu sắc và chân thực về vấn nạn bạo hành gia đình tại Việt Nam lên các thế hệ cũng như mô tả ảnh hưởng nặng nề có thể xảy đến với lứa thanh, thiếu nhi trong tương lai.
Bộ phim gây chú ý vì đạo diễn Aaron Toronto vốn là một nhà làm phim người Mỹ, đã có hơn 20 năm sống và nhiều năm làm việc trong ngành điện ảnh tại Việt Nam. Vợ anh – nữ diễn viên Nhã Uyên với những trải nghiệm từng bị bạo hành trong quá khứ vừa đảm nhận vai chính, vừa là người chắp bút cho kịch bản bộ phim.
Tất cả bi kịch trong phim xuất phát từ cách nuôi dạy “thương cho roi cho vọt” lưu truyền qua nhiều thế hệ. Bạo lực gia đình được miêu tả như một căn bệnh có tính lây lan mạnh mẽ. Bộ phim cũng đề cập nhiều vấn đề tồn tại trong xã hội như tư tưởng trọng nam khinh nữ, tính nam độc hại, thói sĩ diện hão hay các căn bệnh tinh thần…
Bộ phim “Những đứa trẻ trong sương” đã lọt vào danh sách rút gọn 15 phim tài liệu xuất sắc của Oscar 2023, nhưng không có đề cử. Trước đó, êkíp thắng giải Phim quốc tế xuất sắc tại liên hoan phim Docaviv và giải Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim Tài liệu Amsterdam năm 2021. Phim gây ấn tượng mạnh nhờ câu chuyện về số phận của bé gái dân tộc thiểu số và tình trạng tảo hôn. Sau khi ra mắt, tác phẩm nhận nhiều lời khen từ cộng đồng quốc tế. Cây viết Guy Lodge của Variety nhận xét dự án đủ điều kiện để xếp vào cả thể loại phim tài liệu và phim nghệ thuật của các liên hoan trên thế giới…
Bên cạnh các phim điện ảnh, phim truyền hình về đề tài gia đình thời gian gần đây như “Về nhà đi con”, “Mẹ ghẻ”, “Gạo nếp gạo tẻ”, “Cả một đời ân oán”, “Hoa hồng trên ngực trái”, “Sống chung với mẹ chồng”, “Hôn nhân trong ngõ hẹp”, “Dù gió có thổi”… cũng tạo nên những cơn sốt kéo dài và khiến người xem thổn thức theo cảm xúc của từng nhân vật.
Có thể nói không cần phải dùng tới chiêu trò, thủ thuật, phim về đề tài gia đình đã thực sự kéo khán giả trở lại với phim Việt. Điều này cho thấy, chủ đề gia đình chưa bao giờ cũ với khán giả Việt, nhất là khi xã hội đã trải qua giai đoạn dịch bệnh nhiều biến động, cần sự gắn kết, chia sẻ của gia đình.
Tuy nhiên, từ góc nhìn của người làm nghề, các đạo diễn và nhà phê bình điện ảnh cũng cho rằng làm phim gia đình cần có góc nhìn mới, không thể chỉ bao quanh ở chuyện mâu thuẫn gia đình, những vụn vặt, nhỏ nhoi… giúp khán giả luôn có món mới thưởng thức và không bị ngán ngẩm. Đặc biệt, phim gia đình cái cốt vẫn là thông điệp nhân văn đằng sau, chứ không thể chỉ là tác phẩm “đậm chất drama” nhưng lại yếu khâu truyền tải bài học nhân văn tới cho khán giả.