Từ một ấp đảo sinh sống chủ yếu với nghề làm muối cơ cực, thiếu thốn trăm bề, giờ đây, Thiềng Liềng đang nổi lên như một điểm du lịch cộng đồng mới mẻ và độc đáo. Đây là một bước chuyển mình lớn mang theo nhiều nỗ lực của chính quyền và bà con Nhân dân để bắt kịp với nhịp sống năng động, phát triển chung của TP Hồ Chí Minh.
- Trang trại xanh trên vùng “đất lửa”
- Xứ Nẫu – Bình định, Phú yên: Trời xanh, biển xanh, cát trắng, nắng vàng
Hạt muối nuôi dân…
Thiềng Liềng là một ấp đảo nằm sâu bên trong xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, với khoảng gần 250 hộ, hơn 900 người dân sinh sống. Ngoài việc đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản, ấp đảo có đến 152 hộ sống bằng nghề làm muối, trên diện tích 396ha.
Người dân kể lại, sau giải phóng, do đời sống ở quê nhà quá khó khăn nên những người ở Long An, Tiền Giang đã đến đây khai hoang lập nghiệp. Khi ấy, đảo còn hoang sơ, vắng vẻ, không có bất kỳ công trình kiên cố nào. Rừng ngập mặn cũng gần như bị hủy hoại trong những năm chiến tranh, cây chết trắng trông như sa mạc. Họ lưu lại sinh sống, đắp đất làm ruộng muối rồi đặt tên ấp là Thiềng Liềng. Từ đó đến nay, nguồn sống chính của người dân nơi ấp đảo xa xôi này chỉ là những hạt muối mặn.
Trong một năm, “diêm dân” Thiềng Liềng chỉ có thể làm muối trong 6 tháng mùa khô, từ mùa gió chướng vào khoảng tháng 10 âm lịch đến tháng 4 năm sau, còn lại nghỉ 6 tháng mùa mưa. Họ làm vất vả 6 tháng để dành ăn cả năm. Thời gian không thể làm muối, có người đi đánh bắt và nuôi hải sản, kinh doanh nhỏ lẻ, người đi “mần mướn” kiếm sống qua ngày, cũng có người phải “ở không” vì chẳng có việc gì làm.
Ngày nay, cơ sở vật chất ở ấp đảo Thiềng Liềng cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân như điện lưới, đường sá, mạng internet… Chỉ còn nước ngọt thì hàng ngày, địa phương vẫn phải vận chuyển bằng sà lan từ trung tâm TP xuống phục vụ sinh hoạt cho bà con. Việc làm muối cũng đã được cải tiến từ làm muối đất truyền thống sang trải bạt, giúp năng suất cũng như chất lượng muối tăng lên đáng kể. Việc này cũng đã giúp bà con tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Về sinh sống tại ấp từ năm 1993, chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết – Giám đốc của HTX Nông nghiệp – Thương mại – Du lịch Thiềng Liềng cho biết, thời điểm chị về đây điện chưa có, cuộc sống rất vất vả. Bà con còn phải ở nhà lá, dùng đèn dầu. Từ TP về phải đi đò, bà con đi đâu phải ở lại 2 ngày mới về được, rất mất thời gian và tốn kém. Đường sá nông thôn cũng chưa được như bây giờ. Đến năm 2011, đảo có điện năng lượng mặt trời nhưng cũng không được bao lâu. Bà con không bao giờ nghĩ sẽ có điện trên ấp Thiềng Liềng. Thế nhưng ngày 30/4/2016, đảo đã khánh thành mạng lưới điện quốc gia trên ấp, bà con rất vui…
Tháng 8/2018, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam theo chân Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp đến xã đảo Thạnh An, ấp đảo Thiềng Liềng để trao máy lọc nước, tủ sách pháp luật và quà cho các gia đình khó khăn. Khi ấy, ấp đảo còn nghèo và đơn sơ. Mùa không làm muối, những con đường quanh đảo đìu hiu, vắng vẻ, người dân ngoài đan lưới, phơi cá thì chỉ biết loanh quanh, không có việc gì làm. Ấp đảo lúc ấy vẫn còn nhiều hộ nghèo. 6 năm quay trở lại, Thiềng Liềng giờ đây đã mang một sắc màu khác. Một sức sống mới, bừng lên trên gương mặt những người dân ấp đảo. Đó là sự háo hức, tự tin của những người đang bắt đầu một hành trình mới, nỗ lực để thay đổi số phận chính mình, số phận của các thế hệ trên đảo. |
Du lịch cộng đồng – bước chuyển mình của đảo muối
Sau nhiều năm ấp ủ, nghiên cứu, đến cuối tháng 12/2022, Sở Du lịch phối hợp cùng UBND huyện Cần Giờ chính thức công bố sản phẩm du lịch cộng đồng đầu tiên của TP với đặc sản “3 không”: không khói bụi, không bến xe, không tệ nạn tại ấp Thiềng Liềng.
Đây là một bước ngoặt lớn của bà con diêm dân. Bởi trước đây, thay vì chỉ có nghề làm muối thì giờ bà con lại có thêm nghề làm du lịch – một nghề hoàn toàn mới mẻ và tiềm năng, đem lại thêm công ăn việc làm, tăng thêm nguồn thu nhập. Ngày đầu hoạt động, du lịch cộng đồng Thiềng Liềng có 16 hộ tham gia, đến nay số lượng đã lên 22 hộ với 24 điểm đến thú vị.
Giờ đây, ấp đảo Thiềng Liềng không đơn thuần chỉ có vị mặn của muối. Du khách có thể thưởng thức thêm nhiều hương vị dân dã tại các điểm kinh doanh ẩm thực địa phương, với những cái tên hết sức bình dị như sâm sâm giải nhiệt Sáu Trúng, cà phê kem dừa nước Tư Tuấn, bánh dân gian Hai Loan, ẩm thực đồng muối Năm Đổi, bếp ăn gia đình Mười Bụng… Cạnh đó, địa phương còn có những dịch vụ thú vị phục vụ du khách như khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ, trải nghiệm ngâm chân thư giãn Năm Tuyết, trò chơi dân gian Út Thảo, tài tử đờn sến Tư Huỳnh…
Ở đây cũng có nhiều dịch vụ lưu trú nghỉ dưỡng được yêu thích như Thiềng Liềng homstay của hộ Ba Huyền, Mười Giạ, homestay Vườn Trầu và nhà sàn với sức chứa từ 60 – 70 khách… Ngoài ra, trên đảo cũng có miếu bà Ngũ Hành cho du khách có nhu cầu tâm linh thăm viếng.
Chị Đặng Thị Thu Huyền, kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay, với tên gọi hộ Ba Huyền niềm nở chia sẻ về mối nhân duyên đưa chị đến với Thiềng Liềng. Lúc đầu, chị đến đây là để tìm về với tự nhiên, phục hồi sau đại dịch COVID-19. Nhận ra những giá trị của ấp đảo, từ cảnh sắc tươi đẹp, mang tinh thần chữa lành, chị quyết định tham gia chuỗi du lịch với bà con ngay từ những ngày đầu.
“Tôi đã từng đi những ngôi làng rất đẹp ở Hà Lan hoặc ở nước Anh, tôi nghĩ rằng Thiềng Liềng của TP Hồ Chí Minh xứng đáng để đầu tư, quy hoạch trở thành ngôi làng rất đẹp bằng cách sử dụng vật liệu tự nhiên như gỗ, tre… Ở đây, có một không gian rất tự nhiên, hệ sinh thái gần như chưa bị tác động bởi hóa chất hay đô thị hóa, giữ được khung cảnh hoang sơ, yên bình. Ngoài ra, không gian nghề muối còn giữ được sự nguyên bản giúp cho du khách có trải nghiệm khi đến làng nghề truyền thống” – chị Huyền chia sẻ.
Mặc dù hiện nay phương tiện đi lại còn khó khăn, lượng du khách chưa được như kì vọng, nhưng điều đáng mừng là mô hình du lịch đã thay đổi nhận thức cho bà con, vấn đề môi trường được quan tâm, cải thiện. Đời sống tinh thần của bà con cũng được nâng cao. Nhiều bà con dù lớn tuổi vẫn tích cực lên mạng học hỏi cách làm du lịch, cách quảng bá du lịch đảo Thiềng Liềng. Đó là những tín hiệu tích cực mà du lịch cộng đồng đem lại cho bà con ấp đảo dù rằng vẫn còn rất nhiều việc còn phải làm, phải đầu tư…
Ông Đặng Hoàng Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh An cho biết, mô hình du lịch cộng đồng Thiềng Liềng nhận được sự quan tâm của thành phố cũng như lãnh đạo huyện Cần Giờ. Nhờ có sự hỗ trợ của Sở Du lịch, nhiều chuyên gia đã xuống đây để tư vấn, tổ chức các lớp tập huấn, đưa bà con đi tham quan, học hỏi, đồng thời mô hình du lịch cộng đồng nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân.
Ông Sơn đánh giá, mô hình này vẫn đang trong giai đoạn phát triển, sẽ còn được nhân rộng thêm không chỉ ở Thiềng Liềng mà còn trên toàn địa bàn xã hoặc có thể lan tỏa sang các xã khác. Bên cạnh ngành nghề truyền thống, du lịch đang góp phần tạo thêm thu nhập cho người dân. Giờ đây, trên ấp Thiềng Liềng không còn hộ nghèo nữa…
Trải nghiệm du thuyền từ bến Bạch Đằng đến ấp đảo Thiềng Liềng Để đến được với ấp đảo Thiềng Liềng, trước đây, người dân và du khách từ trung tâm TP thường di chuyển bằng đường bộ hướng qua phà Bình Khánh đến bến tàu Cần Thạnh, sau đó di chuyển bằng ca nô, vỏ lãi để lên đảo. Vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã mở chuyến du thuyền đầu tiên đưa du khách đi tham quan ấp đảo Thiềng Liềng đi về trong ngày. Hành trình trên du thuyền King Yacht xuất phát lúc 7 giờ sáng, từ bến Bạch Đằng hướng về sông Lòng Tàu. Du khách được ngắm nhìn vẻ đẹp của sông nước, cảnh bình minh trên sông Sài Gòn, thưởng thức các món ăn ngon, trải nghiệm nhiều dịch vụ thú vị như hướng dẫn làm bánh dân gian, ngâm chân thư giãn, giao lưu âm nhạc và chụp ảnh. Du khách sẽ có 3 tiếng đồng hồ lưu lại trên đảo, chọn đi bộ, đi xe đạp hoặc ngồi xe điện để trải nghiệm, khám phá một vòng cộng đồng du lịch Thiềng Liềng, thưởng thức các món ăn, thức uống đặc sản do chính tay bà con trên ấp chế biến, tham quan không gian làng nghề muối truyền thống và tận hưởng bầu không khí trong lành ở đảo. Kết thúc hoạt động tham quan, du khách trở về du thuyền thư giãn, ngắm hoàng hôn trên sông. Cuối hành trình là khung cảnh TP Hồ Chí Minh lên đèn đẹp lung linh, sầm uất. |