Hôm qua (26/6), Quốc hội thông qua Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển TP Đà Nẵng, trong đó có lập khu thương mại tự do (FTZ) gắn với Cảng biển Liên Chiểu để thí điểm cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025. Thời gian thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù mới là 5 năm.
- Độc đáo làng đá miền biên viễn
- Công nhận Đảo Cò là Khu du lịch cấp tỉnh ở Hải Dương
- Từ du lịch mùa trái chín nghĩ về tiềm năng du lịch nông nghiệp ở Việt Nam
Đà Nẵng có những lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng để xây FTZ. TP này nằm trong số rất ít địa phương có cả cảng biển quốc tế và cảng hàng không quốc tế. Các cảng biển của Đà Nẵng đều có vai trò trọng điểm trong khu vực miền Trung.
Dự án Cảng biển Liên Chiểu có diện tích 450ha, gồm 20 bến tàu container, bến tổng hợp, bến hàng lỏng và 1.200m bến thủy nội địa; công suất khai thác đạt 50 triệu tấn/năm vào năm 2050; đã khởi công cuối 2022, dự kiến hoàn thành cuối 2025.
FTZ Đà Nẵng gồm khu sản xuất, trung tâm logistics, khu thương mại – dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác. Các khu chức năng thuộc FTZ ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan và hoạt động quản lý nhà nước theo lĩnh vực tương ứng.
Quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu chức năng thuộc FTZ Đà Nẵng với khu vực bên ngoài là quan hệ xuất nhập khẩu theo quy định pháp luật Việt Nam về hải quan, thuế và xuất nhập khẩu.
Việc áp dụng thuế với hàng hóa, dịch vụ được mua bán, cung ứng trong các khu chức năng; giữa nội địa và nước ngoài với các khu chức năng thuộc FTZ Đà Nẵng được áp dụng như khu phi thuế quan trong khu kinh tế. Như vậy, khu phi thuế quan tại đây có thể sẽ hình thành các cửa hàng outlet, là nơi bán những hàng hóa của thương hiệu nổi tiếng với giá thành rất cạnh tranh do được ưu đãi về thuế. Những cửa hàng này được đánh giá rất phù hợp với nhu cầu mua sắm của khách du lịch, người nước ngoài đến Việt Nam và cả người dân trong nước.
Thủ tướng sẽ quyết định thành lập, điều chỉnh, mở rộng ranh giới FTZ Đà Nẵng. Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế tại FTZ Đà Nẵng không phải có dự án đầu tư và không phải thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thành lập tổ chức kinh tế. DN có dự án đầu tư trong FTZ Đà Nẵng được hưởng một số chế độ ưu tiên về hải quan với hoạt động xuất nhập khẩu tại địa bàn TP.
Thực tế trên thế giới cho thấy, các FTZ điển hình tại các quốc gia có hai hướng phát triển. Một là, mô hình truyền thống thiên về chế xuất, gồm hệ sinh thái cảng biển – logistics – công nghiệp. Hai là, mô hình hiện đại, gồm đô thị kinh doanh tích hợp hoạt động chế xuất và dịch vụ giá trị cao. Với những nội dung như trên, cho thấy Đà Nẵng đã đề xuất thực hiện theo mô hình thứ hai, với đa mục tiêu, không chỉ là thu hút đầu tư sản xuất, mà còn thu hút hoạt động thương mại, mua sắm, du khách.
Nhiều năm qua, sau một thời gian phát triển rất “nóng”, đã có những dấu hiệu cho thấy tốc độ phát triển của Đà Nẵng dần chậm lại. Vì vậy, chính sách thí điểm này với Đà Nẵng cũng là điều hợp lý, kỳ vọng tạo một “cú hích” mới cho TP.