Út Bạch Lan vốn là một nữ nghệ sĩ nổi tiếng ở Sài Gòn. Bà được mệnh danh là “sầu nữ” với giọng ca vọng cổ, chất chứa nhiều tâm sự. Nhưng không ngờ, chữ “sầu” vận vào cuộc đời người phụ nữ tài sắc này, khiến bà chịu nhiều truân chuyên, buồn tủi.
- Vì sao Quyền Linh quyết dầm mưa để dẫn chương trình?
- NSND Minh Vương không ngại đụng chạm khi nhận xét thẳng thắn “hậu bối”
- Quyền Linh nói gì về việc chưa nhận được danh hiệu NSND?
Từ cô bé hát rong đến nữ nghệ sĩ nổi tiếng
Nghệ sĩ Út Bạch Lan tên thật là Đặng Thị Hai. Bà sinh năm 1935, tại ấp Lộc Hóa, xã Lộc Giang, Đức Hòa, Long An. Hơn 60 năm gắn bó với sân khấu cải lương, bà khẳng định được vị thế của mình qua các vở như “Nửa đời hương phấn”, “Chưa tắt lửa lòng”, “Bên đồi trăng cũ”, “Thuyền ra cửa biển”…
Sở hữu nhan sắc dịu dàng, cổ điển với đôi mắt hiền hậu man mác buồn và tài năng nghệ thuật thiên phú. Nhưng ít ai biết rằng, ngay từ thuở thơ ấu, cuộc đời của cô gái Đặng Thị Hai (Út Bạch Lan) đã trải qua nhiều thăng trầm. Bố mất sớm, hai mẹ con bà phải nương tựa vào nhau, lên Chợ Lớn (Sài Gòn) để mưu sinh. Sớm đã bộc lộ thiên phú âm nhạc, từ năm 11 tuổi, Út Bạch Lan thường xuyên trốn mẹ đi hát rong để có thêm tiền phụ giúp gia đình.
Út Bạch Lan may mắn gặp được người anh thân thiết là nhạc sĩ Văn Vỹ, tại Sài Gòn, hai người cùng rong ruổi khắp đường phố, anh đàn, em hát. Một cô bé 11 tuổi và một cậu bé mù 15 tuổi, cứ như vậy cùng hát những làn điệu vọng cổ, bồi đắp nên tình yêu nghệ thuật. Nghệ sĩ Út Bạch Lan từng chia sẻ: “Tôi vẫn nhớ những ngày đi hát dạo, cực khổ lắm nhưng chính sự cơ cực đó đã giúp tôi có thêm sức lực để có thể đứng vững trước mọi khó khăn. Ngay cả anh Dậm (tên thật của nhạc sĩ Văn Vỹ) cũng thế, đi hát dạo đã khiến ngón đờn của anh ấy ngày càng dẻo, càng ngọt. Chúng tôi trưởng thành nhờ ở trường đời”.
Cơ duyên đến với bà khi cô Năm Cần Thơ – người có tiếng trong giới hát ngày ấy – phát hiện, mời bà biểu diễn trên sân khấu. Út Bạch Lan từ một cô bé hát rong khắp con phố ở Chợ Lớn được đứng trước hàng trăm khán giả dưới ánh đèn sân khấu. Giọng hát trầm trầm, man mác buồn, pha chút ma mị, liêu trai của bà rất hợp thị hiếu của thính giả lúc bấy giờ. Sau khi cô Năm Cần Thơ giới thiệu, bà được đài phát thanh Pháp Á cho thu thử một bản vọng cổ và nhận về phản hồi tích cực từ khán giả. Đài phát thanh quyết định ký hợp đồng với bà, nhưng đề nghị bà lấy một nghệ danh khác thay cho tên thật là Đặng Thị Hai. Lúc bấy giờ, cũng có một nữ danh ca tên Bạch Lan, để tránh trùng lập, bà được gợi ý đổi tên thành Út Bạch Lan. Trong những năm 1950, cái tên Út Bạch Lan cũng nhanh chóng được khán giả ưu ái dành tặng cho các danh hiệu như: “Đệ nhất đào thương”, “Nữ hoàng vọng cổ”, “Vương nữ Sương chiều”, “Sầu nữ” Út Bạch Lan…
Đương thời, bà không chỉ hát mà còn tham gia vào các vở cải lương. Út Bạch Lan đã trở thành hiện tượng của sân khấu cải lương ngày đó bởi ngay từ vở diễn đầu tiên “Đồ Bàn di hận” của soạn giả Lê Khanh trên sân khấu Thanh Minh, Út Bạch Lan đã được khán giả và báo giới khen ngợi. Có giọng ca Kim pha chút Thổ nhưng lối ca như là hơi bị đuối, ngắt hơi nhiều khi nhả chữ khiến cách hát của Út Bạch Lan như luôn mang tâm trạng buồn, nghẹn ngào đến u uất. Dường như những u uẩn thời niên thiếu đã khắc ghi vào trong từng vở diễn của bà, khiến bà phù hợp với những thân phận nghiệt ngã và lời ca buồn tủi.
Đến cuối những năm 1950, Út Bạch Lan đã trở thành một “ngôi sao” của sân khấu cải lương, nơi đâu có sự xuất hiện của bà đều chật kín người xem. Cách hát của Út Bạch Lan trở thành một “trường phái” mà sau này nhiều nữ nghệ sỹ khác như Thanh Nga, Phượng Liên, Hương Lan, Thanh Ngân… học theo.
Nghẹn ngào nuôi 4 con riêng của chồng
Út Bạch Lan giống như cái tên, thuần khiết, trong sáng, bà luôn nhận được sự kính trọng và yêu mến của đồng nghiệp. Soạn giả Viễn Châu viết riêng một bài vọng cổ tên “Hoa lan trắng” để kể về cuộc đời của chính nghệ sĩ. Bài ca bi ai, não nuột với nỗi niềm: “Bao nhiêu mưa gió ngập trời/Hỏi ai còn nhớ một người tên Lan?”.
Bà vốn là người có tấm lòng bao dung, dễ cảm thông trước các số phận bất hạnh. Cả cuộc đời Út Bạch Lan chỉ dành trọn tình yêu cho nghệ sĩ Thành Được. Trong giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp, nghệ sĩ Út Bạch Lan kết hôn với nghệ sĩ Thành Được. Chồng bà đẹp trai, tài hoa nên có nhiều phụ nữ theo đuổi. Hai người là một cặp “trai tài, gái sắc”, đào kép được nhiều khán giả ưu ái ghép đôi. Vì vậy, khi hai người đến với nhau, họ đã nhận được lời chúc phúc từ đồng nghiệp và người hâm mộ.
Tuy nhiên, cuộc đời không đẹp như mơ, chẳng bao lâu sau khi kết hôn, Út Bạch Lan phát hiện ra sự đào hoa của chồng. Lần lượt 4 người phụ nữ mang con tới nhà, nói là con của nghệ sĩ Thành Được và bà phải nén đau thương nuôi nấng cho vừa lòng chồng. Trong một bài phỏng vấn, bà tâm sự: “Cháu tên Liên, con một nghệ sĩ trẻ dưới Cần Thơ. Khi cháu 3 tuổi, mẹ đã đưa đến cho tôi và nói không thể nuôi con được vì quá vất vả. Cứ thế, tôi nhận thêm đứa con thứ 3 và thứ 4. Đứa thứ ba tên Sơn, con một phụ nữ ở Gò Công. Đứa thứ tư tên Châu. Các con được mang đến cho tôi khi còn đỏ hỏn”.
Từ bé sống thiếu cha, phải tự bươn chải giữa cuộc đời với mẹ, nên Út Bạch Lan rất thương yêu con chồng. Bà nuôi nấng bốn đứa con không khác gì con ruột của mình. Bà từng tâm sự, nếu bà không nuôi, thì ai sẽ nuôi các cháu? Nhiều lúc, nữ nghệ sĩ bật khóc vì tủi thân, đau lòng trước sự phản bội của chồng. Trong 3 năm kết hôn với nghệ sĩ Thành Được, hai người không có con chung. Họ ly dị vài năm sau khi cưới, bà vẫn nhận trách nhiệm nuôi bốn đứa con, vì không an tâm giao lại cho chồng.
Có lẽ, chính vì những hành động và suy nghĩ đẹp đẽ này, mà tất cả những người xung quanh Út Bạch Lan đều dành cho bà sự trân trọng, cảm phục người con gái tài hoa, đẹp người, đẹp nết này. Thậm chí, cho đến lúc đã có tuổi, khi người chồng phụ bạc mời sang Mỹ hát cải lương, bà không một câu oán hận, trách móc: “Tôi hát cho khán giả, hát cho cải lương vì khán giả đã mua vé để nuôi tôi đến ngày hôm nay. Còn chuyện tình cũ, nếu trong lòng cứ ôm hận, trách oán hay coi nhau như kẻ thù thì chính tôi cũng không hát được, chưa nói gì đến chuyện đứng chung trên sân khấu sau mấy chục năm như thế…”.
Những năm cuối đời bình yên nơi cửa Phật
81 năm cuộc đời, 60 năm tuổi nghề gắn với lời ca vọng cổ, cải lương. Út Bạch Lan trải qua nhiều thăng trầm, để rồi cũng tìm được một nơi bình yên cho tâm hồn của mình. Vào những năm cuối đời, bà đã quy y cửa Phật. Bà không xuống tóc mà ngày ngày tung kinh, ăn chay và dời xa cuộc sống bon chen với guồng quay cơm – áo -gạo – tiền. Thi thoảng Út Bạch Lan cũng đi hát nhưng đó chỉ những cuộc biểu diễn văn nghệ với mục đích từ thiện.
Tìm đến cõi Phật để đưa cuộc sống của mình tới một nơi nào đó bình yên, Út Bạch Lan cùng với nhóm bạn nghệ sĩ của mình đã lập ra một nhóm từ thiện có tên là “Hoa Lan Trắng” để quyên góp giúp đỡ những người khó khăn hơn. Dù cuộc đời có sầu bi ra sao, nhưng bà là một người suy nghĩ tích cực, lạc quan. Út Bạch Lan cho rằng, bà hạnh phúc, đầy đủ hơn rất nhiều khác trong cuộc sống này. Chính vì vậy, thay vì an nhàn hưởng thụ tuổi già, bà muốn dùng thời gian để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Nhóm “Hoa Lan Trắng” của bà có rất nhiều hoạt động từ thiện không chỉ ở Sài Gòn mà còn ở nhiều tỉnh thành khác. Họ giúp trẻ em vùng sâu, vùng xa, những người dân thiên tai, lũ lụt. Đôi khi những cuộc đi làm từ thiện đó, Út Bạch Lan đã ca cho mọi người nghe, chẳng cần đàn, chẳng cần nhạc nhưng giọng hát của bà đã khiến cho tất cả mọi người hiểu một điều rằng, cuộc đời dù có vất vả đến bao nhiêu nhưng bằng nỗ lực, tình yêu thương, tất cả sẽ cùng nhau vượt qua khó khăn.
Đến năm 2016, căn bệnh ung thư của Út Bạch Lan trở nặng, bà nhiều lần phải nhập viện điều trị. Những ngày cuối đời, xung quanh bà là những học trò, người con, người thân yêu, bạn bè. Dù tình trạng cơ thể suy yếu đi rất nhiều, nhưng bà vẫn luôn lạc quan với cuộc sống, nở nụ cười và trân trọng từng giây phút được sống của mình. Cho đến cuối năm 2016, bà mất tại nhà riêng, hưởng thọ 82 tuổi. Cả cuộc đời nữ nghệ sĩ tài năng yêu mến nhất danh “sầu nữ”, có lẽ, vì sâu thẳm trong tâm hồn chữ “sầu” đã gắn liền với vận mệnh của bà. Cũng nhờ phận đời “đẫm nước mắt” của mình, nên bà luôn đồng cảm, sẵn sàng yêu thương tất cả những người bất hạnh khác.