Cựu Phó trưởng phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không, Bộ Giao thông Vận tải bị cáo buộc đã đưa hối lộ hơn 7,4 tỷ đồng để xin giấy phép của Ban Chỉ đạo chấp thuận cho 624 công dân về nước trên các chuyến bay đơn lẻ, hưởng lợi số tiền gần 20 tỷ đồng.
- Vụ án đưa – nhận hối lộ tại Sở Giao thông vận tải Bà Rịa – Vũng Tàu: Mức án cao nhất 20 năm tù, buộc nộp lại toàn bộ số tiền bất chính
- 17 bị can bị truy tố vì đưa, nhận hối lộ giai đoạn 2 vụ án chuyến bay giải cứu
- Giai đoạn 2 đại án Chuyến bay giải cứu: Cựu cán bộ hàng không đưa hối lộ hơn 7,4 tỷ đồng, hưởng lợi gần 20 tỷ
Sáng 24/12, phiên tòa xét xử 17 bị cáo trong vụ án “Chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2 tiếp tục diễn ra tại TAND TP Hà Nội. HĐXX tiếp tục xét hỏi bị cáo Vũ Hồng Quang (cựu Phó Trưởng phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không, Bộ Giao thông Vận tải), Nguyễn Văn Văn (cựu Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam), Lê Thị Phượng (chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương)…
Tại tòa, bị cáo Quang khai, quen biết Phạm Trung Kiên (cựu cán bộ Bộ Y tế) qua công việc. Khi biết Kiên xin được văn bản chấp thuận của Ban Chỉ đạo cho công dân được về nước trên các chuyến bay đơn lẻ, Quang đã liên hệ với Phạm Trung Kiên và được Kiên đồng ý, thỏa thuận chi phí 10 triệu đồng/công dân.
Sau đó, Quang có trao đổi với Nguyễn Mạnh Cương (cựu Trưởng phòng thương mại điện tử, Cty CP thương mại hàng không Vietjet) và Vũ Hoàng Dũng (lao động tự do), cho biết bản thân có thể xin được văn bản cấp phép cho công dân về nước trên chuyến bay đơn lẻ, mức phí từ 2.000 – 3.000 USD/công dân.
Từ thông tin này, Cương và Dũng trao đổi với lãnh đạo của một số doanh nghiệp, tập hợp hồ sơ các công dân có nhu cầu xin về nước.
Cả hai thỏa thuận với các giám đốc này chi phí chênh lệch lên từ 100 – 500 USD/công dân (so với chi phí Quang yêu cầu) để hưởng lợi. Tiếp đó, nhóm giám đốc đã tập hợp hồ sơ từ công dân và thỏa thuận chi phí chênh lên từ 100 – 500 USD/công dân (so với chi phí Dũng, Cương đưa ra).
Quá trình khai báo, bị cáo Quang thừa nhận đã đưa hối lộ cho Phạm Trung Kiên hơn 7,4 tỷ đồng để có được văn bản chấp thuận cho hơn 624 công dân về nước trên các chuyến bay. Bản thân Quang hưởng lợi gần 20 tỷ đồng.
Tương tự, bị cáo Lê Thị Phượng (cựu Chuyên viên Phòng Khoa giáo Văn xã, thuộc Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương) cũng thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Phượng thừa nhận đã nhận tiền để xử lý xin 2 văn bản chấp thuận cho công dân về nước cho Cty Biển Bạc và Cty Sora cho Bùi Huy Hoàng (Giai đoạn 1).
Theo lời bị cáo Phượng, Hoàng là học trò cũ khi bị cáo là giảng viên tại Trường Cao đẳng Y tế Hải Dương. Sau này, Phượng về công tác tại UBND tỉnh Hải Dương, Hoàng liên hệ trước khi về tỉnh này công tác cùng Đoàn.
Khi bị chủ tọa hỏi về việc “học trò đòi lại tiền, bị cáo có trả không”, Phượng nói trả lại 50 triệu đồng (trong số 350 triệu đồng nhận lần 2) thông qua em trai Hoàng.
“Cáo trạng truy tố bị cáo về tội “Nhận hối lộ”, bị cáo có thấy oan ức gì không? Suốt quá trình điều tra, bị cáo đều kêu oan”. Bị cáo Phượng đáp: “Bị cáo đã nhận thức ra vấn đề. Bị cáo phải đứng đây trả giá cho hành vi sai trái của mình rồi”.
Theo cáo trạng, từ tháng 6/2021 đến cuối tháng 11/2021 Bùi Huy Hoàng đã 2 lần đưa tiền cho Lê Thị Phượng tổng cộng 650 triệu đồng để được Phượng giúp công ty của Võ Thị Hồng có văn bản chấp thuận của UBND tỉnh Hải Dương đồng ý cho công dân nhập cảnh được cách ly y tế tại tỉnh Hải Dương.
Bị cáo Nguyễn Văn Văn (cựu Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam) cũng thừa nhận sai phạm và cho rằng thời điểm nhận tiền là do nhận thức pháp luật hạn chế nên dẫn tới sai phạm. Ông Văn thừa nhận bản thân đã 5 lần nhận tiền từ Nguyễn Thị Thanh Hằng (Giai đoạn 1) với tổng số tiền 450 triệu đồng để công ty của Hằng đưa người về Quảng Nam cách ly y tế.
Cùng nhận tiền từ bà Hằng là Lê Ngọc Tường (cựu Phó giám đốc Sở Văn hóa Thế thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam). Theo lời khai của bị cáo Tường, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch có nhiệm vụ chuẩn bị cơ sở lưu trú, khách sạn, phối hợp cùng Sở Y tế của tỉnh để xem xét khả năng tổ chức đoàn người về địa phương cách y tế.
Trong quá trình này, bị cáo Tường đã nhận 400 triệu đồng từ Nguyễn Thị Thanh Hằng để giúp đỡ, tham mưu cho Hằng với mục đích để UBND tỉnh có văn bản đồng ý cho công ty của Hằng đưa người về địa phương cách ly.
Tại tòa, ông Tường thừa nhận sai phạm, đồng thời khẳng định bản thân đã khắc phục toàn bộ 400 triệu đồng.
Chiều nay, HĐXX tiếp tục xét hỏi các bị cáo./.