Là một trong 6 đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh với quy mô GDP thuộc mức trung bình cao trên thế giới, Peru là thị trường vô cùng tiềm năng và hứa hẹn cho doanh nghiệp Việt. Để hiểu hơn về những thách thức, giải pháp cũng như cơ hội cho doanh nghiệp Việt tại quốc gia này, phóng viên đã có buổi trao đổi với Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Peru tại Việt Nam – bà Patricia Yolanda Ráez Portocarrero.
- Lực lượng Công an Nhân dân: Khắc ghi lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”
- Phúc thẩm vụ kiện tự ý viết thêm vào biên bản ở Ninh Thuận: Tòa án nhân dân cấp cao nghị án kéo dài
Bà nhận định như thế nào về mối quan hệ ngoại giao giữa Peru và Việt Nam trong thời gian qua?
– Ngày 14/11/1994, Peru và Việt Nam đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, tháng 3/2013, Peru đã mở Đại sứ quán tại Hà Nội. Có thể thấy, trong suốt 30 năm qua, hai nước đã xây dựng và bồi đắp cho mối quan hệ song phương trở nên vô cùng gắn bó và tốt đẹp, hướng tới mục tiêu hai bên cùng có lợi.
Hiện nay, hai nước đã có các cơ chế quan hệ thường trực như: Các phiên Tham khảo chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao – diễn ra 4 phiên với các phân tích toàn diện; Ủy ban Liên Chính phủ (UBLCP) về các vấn đề kinh tế và hợp tác kỹ thuật Việt Nam – Peru tập trung chủ yếu vào các vấn đề thương mại, tiếp cận thị trường, hợp tác đa lĩnh vực cũng như đầu tư. Cuộc họp gần đây nhất của Ủy ban này diễn ra vào năm 2022, hiện chúng tôi đang tích cực phối hợp để sớm tổ chức phiên họp tiếp theo.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây đã diễn ra nhiều cuộc hội kiến song phương cấp cao giữa hai Chính phủ, cả cấp Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Cuộc gặp cấp Thủ tướng gần đây nhất diễn ra vào tháng 11/2023 tại Hoa Kỳ, bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2023. Năm nay, Peru là nước chủ nhà đăng cai APEC 2024, do đó, chắc chắn Nguyên thủ hai nước sẽ có thêm nhiều cuộc gặp gỡ mới.
Về lĩnh vực thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt hơn 700 triệu USD vào năm 2023 với cán cân thặng dư nghiêng về phía Việt Nam. Hiện cả hai nước đều là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), điều này mang lại lợi thế rất lớn cho các doanh nghiệp khi tiếp cận thị trường với mức thuế quan bằng 0 với hầu hết các mặt hàng. Đáng chú ý, PetroVietnam và Viettel đang là 2 đơn vị tích cực đầu tư tại Peru trong các lĩnh vực chiến lược như dầu khí và viễn thông.
Có thể thấy, Peru đang rất quan tâm và mong muốn mở rộng quan hệ sâu rộng hơn đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hiện nay, nước chúng tôi là đối tác kinh tế lớn thứ 6 của Việt Nam tại châu Mỹ Latinh và chúng tôi hy vọng, trong thời gian tới sẽ trở thành một trong 5 đối tác hàng đầu.
Theo bà, những lĩnh vực kinh tế tiềm năng nào mà hai quốc gia có thể tận dụng để thúc đẩy trao đổi thương mại?
– Peru và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên. Đồng thời, cả hai đều là những nền kinh tế mới nổi với độ mở cao, cùng tin tưởng vào chủ nghĩa đa phương và toàn cầu hóa. Đây chính là nền tảng để xây dựng các khuôn khổ hợp tác quốc tế trong những năm gần đây. Với cương vị là “Đối tác phát triển” của ASEAN, Peru sẽ tăng cường sự hiện diện ở khu vực Đông Nam Á, đồng thời mở ra cơ hội tăng cường thương mại giữa Peru và các nước thành viên của ASEAN. Với các cơ chế và khuôn khổ đã đạt được, chúng ta có tất cả các công cụ và phương tiện then chốt để tăng cường thương mại hàng hóa và dịch vụ, cũng như các khoản đầu tư giữa hai nước.
Việc cảng biển Chancay (Peru) sắp được đưa vào khai thác cũng giúp rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hoá hai chiều Việt Nam – Peru từ 40 ngày xuống còn 25 ngày, không chỉ sẽ tăng năng lực và đáp ứng nhu cầu kịp thời cho thương mại hàng hóa mà còn tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ logistics.
Ngoài ra, Peru có tài nguyên cảnh quan và nền ẩm thực hấp dẫn nhưng hợp tác trong lĩnh vực du lịch vẫn còn rất hạn chế, đây cũng là khu vực nhiều dư địa mà chúng tôi muốn thúc đẩy.
Đầu tư cũng là một lĩnh vực mà cả hai nước còn nhiều tiềm năng phát triển. Hiện nay, Peru hiện là điểm đến chính của các dự án đầu tư Việt Nam tại Mỹ Latinh, chủ yếu từ hai doanh nghiệp: Viettel và Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP). Tuy nhiên, Peru cũng là một lựa chọn đắc địa cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sản xuất chế biến, tận dụng lợi thế cạnh tranh và vị trí cầu nối để tiếp cận thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới tại Bắc Mỹ.
Mặc dù tiềm năng hợp tác là rất lớn nhưng quy mô trao đổi thương mại hiện nay giữa hai nước còn chưa tương xứng. Xin bà chia sẻ về những khó khăn trong hoạt động giao thương cũng như giải pháp cho các vấn đề này?
– Việt Nam và Peru nằm xa cách về mặt địa lý, do đó, trao đổi thương mại không phải là điều dễ dàng. Hiện không có các tuyến đường vận chuyển hàng hóa hoặc hành khách trực tiếp, vì vậy cần nhiều thời gian và chi phí cho việc vận chuyển hơn, khiến giá của các sản phẩm bị đẩy cao hơn. Tuy nhiên, theo tôi, khó khăn này sẽ sớm được vượt qua khi cảng biển Chancay chính thức đi vào hoạt động.
Ngoài ra, rào cản về ngôn ngữ cũng khiến cả hai bên thiếu thông tin toàn diện về thị trường tiêu dùng của đối phương. Tương tự, suy thoái kinh tế và các xung đột địa chính trị đã gây ra những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế toàn cầu, bao gồm cả thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia Mỹ Latinh, trong đó có Peru.
Để tiếp tục thúc đẩy và củng cố mối quan hệ song phương, chúng tôi hy vọng rằng Chính phủ Việt Nam sẽ xem xét tích cực việc mở Đại sứ quán tại Peru. Đồng thời, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc để đảm bảo rằng các doanh nghiệp xuất khẩu có thể tận dụng hiệu quả các cơ hội mà Hiệp định CPTPP mang lại.
Điều quan trọng hiện nay là cần tăng tốc mở cửa thị trường cho các sản phẩm của cả hai quốc gia. Trong trường hợp của Peru, việc Việt Nam hoàn thành các quy định về kiểm dịch thực vật để nhập khẩu quýt, bơ và trong tương lai gần là quả việt quất – sản phẩm mà Peru là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới là rất cần thiết.
Bà có lời khuyên nào dành cho doanh nghiệp Việt để thành công gia nhập thị trường Peru?
– Lời khuyên của tôi là nên nghiên cứu kỹ thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng, với mục đích tận dụng tối đa các Hiệp định Thương mại tự do. Một khuyến nghị khác là doanh nghiệp nên phối hợp với các Đại sứ quán Việt Nam và Bộ Công Thương để tổ chức hoạt động giới thiệu sản phẩm và dịch vụ tới công chúng Peru; Tham gia các hội chợ, triển lãm để kết nối trực tiếp và giới thiệu các sản phẩm thực tế với khách hàng.
Tại Việt Nam, Đại sứ quán Peru đang hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Việt Nam và Peru, nhằm đáp ứng hiệu quả các yêu cầu và nhu cầu từ các doanh nghiệp của cả hai quốc gia. Chúng tôi đã tham gia nhiều sự kiện và hội chợ thương mại tại Việt Nam như: FoodExpo, Vietnam Expo, Cafeshow, Vietnam International Travel Mart… với mục tiêu giới thiệu và kết nối doanh nghiệp Việt có nhu cầu đưa các sản phẩm Peru vào thị trường Việt Nam.
Chúng tôi đã tổ chức nhiều sự kiện như: Kết nối doanh nghiệp Việt Nam – Peru nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp Peru gặp gỡ, tìm cơ hội kinh doanh với đối tác Việt Nam trong các lĩnh vực như ngũ cốc, hải sản, trái cây… diễn ra vào tháng 5 vừa qua; Tuần lễ Cà phê Peru được tổ chức vào năm 2023 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; Tuần lễ ẩm thực Peru diễn ra tại Hà Nội vào năm 2023… Đại sứ quán cũng phối hợp tổ chức các chuyến thăm và khảo sát thị trường cho doanh nghiệp của cả hai quốc gia.
Một trong những ưu tiên chính trong nhiệm kỳ của tôi là tăng cường sự hiện diện kinh tế và thương mại của Peru tại Việt Nam với mục tiêu thúc đẩy sự hợp tác thương mại song phương bền vững.
Với mục đích đó, chúng tôi sẽ làm việc chặt chẽ với Việt Nam để tăng cường trao đổi ở tất cả các cấp, góp phần tiếp tục thúc đẩy hợp tác song phương trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là thương mại và đầu tư. Chúng tôi cũng mong chờ sớm được đón tiếp các nguyên thủ quốc gia đến tham dự Hội nghị Cấp cao APEC, cũng như các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến đầu tư tại Peru.
Đặc biệt, trong tháng 7 này, chúng tôi đang tổ chức các hoạt động để kỷ niệm Quốc khánh của Peru (28/7) và tiến tới kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước, những hoạt động này cũng sẽ nhận được sự tham gia và hỗ trợ từ các doanh nghiệp của cả hai quốc gia.
Xin trân trọng cảm ơn bà!