Ngày 26/9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đắk Lắk thông tin, hiện, địa phương có 115 công trình đập, hồ chứa nước hư hỏng. Trong đó, nhiều công trình tiềm ẩn nguy cơ và có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão.
- Thừa Thiên Huế: Một số hồ đập xuống cấp tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn
- Nhiều cây cầu “già cỗi” ở Nghệ An tiềm ẩn nhiều rủi ro trong mưa bão
- Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang kêu gọi hỗ trợ người dân thiệt hại do bão số 3
Thông tin báo chí tại họp báo định kỳ tháng 9/2024 về tình hình, giải pháp đảm bảo an toàn hồ, đập và công tác phòng chống lũ lụt trong mùa mưa bão trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cho thấy: Hiện địa bàn tỉnh có tổng số 882 công trình thủy lợi, gồm 170 đập dâng, 88 trạm bơm, 622 hồ chứa nước và 2 tuyến đê bao. Tổng diện tích tưới trực tiếp từ công trình thủy lợi là 151.616ha, đạt gần 22,96%.
Hiện trạng hư hỏng của đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh trước mùa mưa lũ năm 2024 có nhiều công trình đã bị xuống cấp, mái thượng lưu bị sạt lở, tràn xả lũ bị xói lở, có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ.
Cụ thể, số lượng đập, hồ chứa nước hư hỏng là 115 công trình, trong đó: 108 công trình có tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và 07 công trình có nguy cơ mất an toàn như hồ Xâm Lăng (huyện Krông Ana), hồ Phân Trại 1 (huyện M’Đrắk), hồ Phù Mỹ (huyện Ea H’leo), hồ Ea Bir, Ea Ksuy (huyện Krông Năng), hồ Trại Bò (huyện Ea Kar) và hồ Ông Và (TP Buôn Ma Thuột).
Số đập bị thấm 29 cái, trong đó thấm nặng: 08 cái; Biến dạng mái đập (sạt lở, trượt mái thượng, hạ lưu): Mái hạ 43 công trình, mái thượng 64 công trình. Tràn xả lũ: Hư hỏng thân tràn 58 công trình: Hư hỏng nặng 29 cái, hư hỏng nhẹ 29 cái; Hư hỏng bể tiêu năng 38 cái (trong đó bị xói 34 cái, bị vỡ 4 cái). Cống lấy nước: Hư hỏng thân cống: 05 cái; Thấm qua mang cống 03 cái; Hư hỏng cửa van: 21 cái.
Những tồn tại, hạn chế dẫn tới hiện trạng trên là do các đơn vị quản lý, khai thác không có cán bộ chuyên môn quản lý, khai thác, vận hành, chưa đảm bảo về năng lực và an toàn công trình. Việc duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa, nâng cấp đập, hồ chứa nước chưa thực hiện thường xuyên, dẫn tới hư hỏng, xuống cấp, mất an toàn. Kinh phí sửa chữa, nâng cấp các công trình rất hạn chế và không kịp thời vì ngân sách tỉnh khó khăn. Việc triển khai Nghị định 114 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước còn hạn chế về bất cập, đặc biệt là nguồn lực.
Mặt khác, những đập, hồ chứa nước được đầu tư xây dựng từ trước những năm 1990 nhiều công trình chưa được kiên cố. Đập đất chưa được gia cố mái thượng lưu, tràn xả lũ là đất tự nhiên, nhiều công trình không được đầu tư cống lấy nước.
Ông Mai Trọng Dũng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk thông tin một số nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo an toàn: “Trong mùa mưa lũ, các địa phương, đơn vị khai thác, vận hành các công trình đập, hồ chứa nước cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo của cơ quan chuyên môn và chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền để đảm bảo an toàn công trình thủy lợi. Mặt khác, xác định công trình trọng điểm, nguy cơ xảy ra sự cố thiên tai để chủ động triển khai phương án đối phó kịp thời.
Cùng đó, quan tâm an toàn các hồ chứa thủy lợi đang thi công, hồ thủy lợi xung yếu. Tổ chức trực ban 24/24 trong thời gian có mưa, lũ, bão, bố trí nhân lực, vật tư, phương tiện tại các công trình có nguy cơ xảy ra sự cố để kịp thời ứng cứu khi có tình huống khẩn cấp xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”.
Trong những tháng cuối năm, trước diễn biến phức tạp, bất thường của thiên tai, để triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn, phải chủ động phòng ngừa, thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, lấy sự an toàn của người dân là điều kiện tiên quyết trong các hoạt động của phòng, chống thiên tai.”.