Chiều 7/8, Tạp chí Tài chính doanh nghiệp phối hợp với các bên liên quan tổ chức Diễn đàn Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam.
- 73 quốc gia công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
- Tăng trưởng mạnh ở cả 3 nhóm hàng trọng điểm, xuất khẩu thu về gần 227 tỷ USD
Tham dự có GS.TS Hoàng Văn Cường – Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội; PGS. TS Bùi Quang Tuấn – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; TS. Võ Trí Thành – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; TS. Chử Đức Hoàng – Chánh Văn phòng Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu tập trung vào các nội dung như: Hiện trạng mô hình tăng trưởng của Việt Nam và một số định hướng; Giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam; Đổi mới mô hình tài chính và tăng cường hệ thống ngân hàng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; Mô hình doanh nghiệp chuyển đổi kép tại Việt Nam; Vai trò của khởi nghiệp sáng tạo trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…
Quốc hội ban hành Nghị quyết số 31/2021/QH15 ngày 12/11/2021 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, với mục tiêu tổng quát là hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực; giữa các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế.
Vượt qua nhiều thách thức, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng ở mức 6,42% trong nửa đầu năm 2024.
Các chuyên gia cho rằng tăng trưởng GDP cả năm 2024 có thể chạm mốc gần 7% sau khi Việt Nam có quý tăng trưởng vượt tiềm năng thứ 4 liên tiếp… Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng chưa tạo được chuyển biến căn bản; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn một số rủi ro, nền tảng vĩ mô chưa thực sự vững chắc, nền kinh tế có độ mở cao và phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu.