Hôm qua (23/7), tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học: “50 năm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”.
- Hải Phòng bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa
- “Sáng tác âm nhạc – sáng đạo trong đời” bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, 50 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, hưởng ứng của các tầng lớp Nhân dân, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn… Tuy nhiên, cho đến nay văn hóa vẫn chưa thực sự được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm đầy đủ, tương xứng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa có lúc còn lúng túng, chậm trễ; đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, chưa đạt hiệu quả cao…
Ông Phạm Văn Linh cho biết, nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là nền văn hóa vừa tiếp thu những văn hóa mới cho phù hợp với thời đại, với con người, lược bỏ những quan niệm lạc hậu, lỗi thời nhưng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của ông cha ta. Nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc chứa đựng những yếu tố tạo ra sức sống, bản lĩnh dân tộc, bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước.
Các ý kiến, tham luận tại Hội thảo đã tập trung thảo luận và làm sáng tỏ các nội dung liên quan đến những thành tựu, hạn chế và những nguyên nhân của thành tựu, hạn chế trong xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thời gian qua; những vấn đề đặt ra hiện nay và định hướng, giải pháp tiếp tục xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Đảng bộ Hà Nội luôn coi trọng và xác định văn hóa là nền tảng, nhiệm vụ trọng tâm trong các chủ trương, đường lối, chính sách phát triển văn hóa, con người Thủ đô. Trong gần 40 năm đổi mới vừa qua, nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển văn hóa, con người Thủ đô được quan tâm tăng lên qua từng giai đoạn. Mức đầu tư cho văn hóa tăng dần theo hướng năm sau cao hơn năm trước.
Nhờ đó, công tác xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Thủ đô đáp ứng yêu cầu phát triển được triển khai bài bản, có trọng tâm, trọng điểm. Công tác phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đạt được nhiều thành tựu quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, quốc phòng của Thủ đô.
Nhấn mạnh vai trò của công nghiệp văn hóa, PGS.TS Bùi Hoài Sơn (Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) cho rằng, công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là thành phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Thời gian tới, Đảng và Nhà nước cần có giải pháp về chính sách để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công nghiệp văn hóa như một lĩnh vực quan trọng cho phát triển đất nước…