Bác sĩ khuyến cáo người dân cần chú ý giữ gìn sức khỏe, cẩn trọng khi ăn uống, sinh hoạt, bởi trong tình hình lũ như hiện nay, có nhiều nguy cơ nhiễm vi khuẩn ‘ăn thịt người’ Aeromonas Hydrophila qua đường ăn uống, sử dụng nguồn nước không đảm bảo…
- Đồng Nai bất ngờ ghi nhận ca bệnh “vi khuẩn ăn thịt người” Whitmore đầu tiên
- Người đàn ông nguy kịch do nhiễm “vi khuẩn ăn thịt người”
- Nhập viện lần thứ 3 mới biết nhiễm “vi khuẩn ăn thịt người”
Bệnh viện Bưu điện mới phát hiện, điều trị kịp thời một trường hợp nhiễm “vi khuẩn ăn thịt người” Aeromonas Hydrophila. Người bệnh là anh T.A.T (39 tuổi) ở Văn Giang, Hưng Yên, phát bệnh khi đang điều trị tại bệnh viện với chẩn đoán đau đầu chưa rõ nguyên nhân/đái tháo đường type 2 – tiền sử mổ u tuyến yên.
Theo các bác sĩ, loại vi khuẩn mà người bệnh nhiễm phải đã gây bệnh viêm cân mạc hoại tử rất nguy hiểm. Người bệnh có thể phải cắt bỏ chi, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Sau gần 2 tuần điều trị tích cực theo kháng sinh đồ, bệnh nhân T đã thoát khỏi những cơn sốt và cảm giác đau đớn kinh khủng lúc mới phát bệnh.
Trực tiếp thăm khám, điều trị cho người bệnh, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hằng – Trưởng khoa Nội I – Bệnh viện Bưu điện cho biết: Người bệnh có tiền sử từng mổ u tuyến yên, đang điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường type2 và nhập viện do đau đầu. Sau khi điều trị cải thiện các triệu chứng đau đầu, đến ngày thứ 4 thì người bệnh xuất hiện sốt cao kèm sưng nóng, đỏ, đau ở cẳng tay bên trái. Thăm khám thì thấy phần cơ chỗ đau rất cứng, giống như một khối áp xe và khối này tiến triển rất nhanh. Lúc đầu kích thước vùng tổn thương trên da cẳng tay khoảng 2-3cm, không có phỏng nước, sau đó vết đỏ lan nhanh ra hết mặt trước cẳng tay trái.
“Ngay khi người bệnh bị sốt, chúng tôi đã cho làm xét nghiệm, cấy máu và cho điều trị kháng sinh đường truyền tĩnh mạch luôn với chẩn đoán viêm mô bào. Khi có kết quả cấy máu cho thấy, người bệnh nhiễm ‘vi khuẩn ăn thịt người’ Aeromonas Hydrophila. Loại vi khuẩn này khiến hoại tử mô mềm trên cơ thể, nếu không được ngăn chặn kịp thời thì tốc độ lan bệnh cực nhanh gây hệ quả phải cắt bỏ chi”, bác sĩ thông tin.
Cũng theo bác sĩ Hằng, người bệnh T.A.T do được phát hiện sớm, điều trị kháng sinh phù hợp, kịp thời nên tiến triển bệnh chậm hơn so với các ca bệnh khác. Anh T đang tiếp tục được chỉ định theo dõi, điều trị bằng thuốc viên sau khi đủ điều kiện ra viện.
Qua các trường hợp nhiễm “vi khuẩn ăn thịt người” Aeromonas Hydrophila ở trên, bác sĩ Hằng khuyến cáo: “Người dân cần hết sức chú ý giữ gìn sức khỏe, cẩn trọng trong ăn uống, sinh hoạt, đảm bảo vệ sinh, nhất là trong thời gian sau mưa bão như hiện nay. Chúng ta hoàn toàn có thể lây nhiễm vi khuẩn này qua ăn uống, sử dụng nguồn nước nhiễm khuẩn. Đặc biệt là khi có vết trầy xước trên da thì nguy cơ lây nhiễm bệnh càng cao và nhanh tiến triển bệnh hơn. Ngoài những nguyên nhân trên cũng không loại trừ các nguyên nhân khác bởi vi khuẩn nguy hiểm luôn có thể tồn tại ở khắp mọi nơi.
Để phòng bệnh, những người có vết thương ngoài da, đặc biệt là những người mắc bệnh nền như tiểu đường, suy thận mạn, suy gan, suy giảm miễn dịch, bệnh huyết học, ung thư, bệnh phổi mạn tính… nên tránh tiếp xúc trực tiếp với nguồn nước ô nhiễm vì những người này khi nhiễm ‘vi khuẩn ăn thịt người’ dễ khiến bệnh diễn tiến xấu nhanh chóng. Quan trọng nhất, bất cứ khi nào phát hiện thấy dấu hiệu bất thường về sức khỏe, người dân nên chủ động đến cơ sở y tế thăm khám ngay để được phát hiện, điều trị bệnh kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về sức khỏe, con người nếu chẳng may gặp phải các bệnh nguy hiểm, diễn tiến nhanh như nhiễm phải ‘vi khuẩn ăn thịt người’ Aeromonas Hydrophila”.