Ngày 12/8/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 2320/QĐ-BVHTTDL về việc công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trong đó có danh mục Tri thức dân gian – Tri thức may, mặc áo dài Huế thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là bước đi quan trọng để xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh Áo dài Huế là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
“Chế độ y quan” rực rỡ tại Cố đô
Áo dài là một di sản văn hóa đặc thù của Cố đô Huế, được hình thành, phát triển, tồn tại suốt hơn 300 năm qua. Từ đầu thế kỷ 18, áo dài ngũ thân đã phổ biến ở Đàng Trong. Năm 1744, Chúa Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi xưng vương ở phủ chính Phú Xuân, ông đã cho quy hoạch và xây dựng lại Đô thành Phú Xuân, xưng vương hiệu và tiến hành cải cách nhiều mặt, trong đó có chế độ y quan với nhiều điểm đổi mới.
Trang phục được cải tiến phần cổ và eo thoải mái, dễ mặc hơn nhưng vẫn giữ được ý nghĩa tốt đẹp của thường phục này. Năm thân áo bao gồm một thân con bên trong tượng trưng cho bản thân và bốn thân bên ngoài ở trước, sau tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu luôn bao bọc, che chở. Năm cúc áo mang ý nghĩa ngũ thường – những đức tính của một người quân tử cần có là nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Trang phục áo dài có sự thống nhất giữa hai miền Nam – Bắc.
Từ năm 1826 đến năm 1837, Vua Minh Mạng đã quyết liệt thay đổi trang phục trong cả nước, từ đó chiếc áo dài được áp dụng rộng rãi và thống nhất giữa hai miền Nam – Bắc. Áo dài ngũ thân cổ đứng, gài năm cúc bên phải mặc kèm với quần hai ống được chính thức công nhận là quốc phục của nước ta, phổ biến từ trong cung đình ra đến dân gian, từ Bắc chí Nam.
Xuyên suốt thời gian giữ vai trò là kinh đô của đất nước, Cố đô Huế cũng là Kinh đô áo dài Việt Nam, nổi danh bởi “chế độ y quan” rực rỡ. Chính vì thế, áo dài là bản sắc văn hóa vùng đất, nét đẹp của con người xứ Huế nói riêng và niềm tự hào của người dân Việt Nam nói chung.
Giáo sư, Tiến sĩ Triết học Thái Kim Lan (TP Huế), người đã dành một đời cho áo dài Huế cho hay, bên cạnh vẻ đẹp thanh lịch và trang nhã truyền thống, chiếc áo dài còn nhắc nhở người mặc về đạo lý làm người, nhắc nhở mỗi người dân Huế phải nâng niu, trân trọng, gìn giữ những giá trị truyền thống quý báu của ông cha để lại, tiếp tục phát huy và nâng cao hơn những giá trị tốt đẹp để lưu truyền cho mai sau.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải chia sẻ: “Chiếc áo dài xứ Huế đã đi qua một chặng đường dài hình thành và phát triển cùng nhiều biến cố của lịch sử. Nó ra đời từ chính tâm hồn và nét thẩm mỹ, tinh tế của con người Cố đô, mang trên đó những nét duyên dáng riêng có của mảnh đất Thần kinh”.
Đưa di sản áo dài vào cuộc sống đương đại
Nhằm khẳng định giá trị, vị trí của áo dài Huế trong dòng chảy văn hóa vùng đất Cố đô Huế và văn hóa Việt Nam; Tôn vinh nét đẹp văn hóa của áo dài Huế, tôn vinh những người khai sáng và phát triển áo dài Huế trong lịch sử hình thành và phát triển; Khai thác, phát huy vị thế áo dài Huế trong phát triển du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch dịch vụ gắn với áo dài Huế, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, những năm qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những đề án, hoạt động, chương trình đặc sắc.
Ngày 29/3/2023, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt Đề án “Huế – Kinh đô áo dài”. Một trong những mục tiêu quan trọng của đề án này là bảo tồn và phát huy giá trị tri thức may, mặc áo dài Huế. Đây là tiền đề để triển khai có hiệu quả hoạt động quảng bá, tôn vinh áo dài Huế, thúc đẩy kinh tế, du lịch phát triển, khẳng định áo dài Huế trong cộng đồng quốc tế, hướng đến phát triển thương hiệu Huế – Kinh đô áo dài, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu cụ thể là đến năm 2025: Hình thành bộ cơ sở dữ liệu, hình ảnh áo dài Huế qua các thời kỳ; Tổ chức định kỳ “Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế “trở thành điểm nhấn quan trọng trong các kỳ lễ hội ở Huế, đặc biệt là các kỳ Festival Huế; Xây dựng được bộ truyền thông về áo dài Huế; quản lý nhãn hiệu “Huế – Kinh đô Áo dài”; Hình thành 1 sản phẩm du lịch gắn với áo dài Huế.
Đến năm 2030: Hình thành bảo tàng, trung tâm trưng bày, trình diễn, may đo áo dài phục vụ khách du lịch; Ban hành tối thiểu 1 chính sách hỗ trợ phát triển áo dài Huế; Hình thành các tour du lịch, sản phẩm du lịch gắn với áo dài Huế; Phát động, khuyến khích và nhân rộng phong trào mặc áo dài trong cộng đồng; Hoàn thiện hồ sơ Nghề may đo áo dài và tập quán sử dụng áo dài truyền thống Huế đệ trình UNESCO xem xét, ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bằng nhiều việc làm và hành động cụ thể, tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang hiện thực hóa các nội dung trong Đề án “Huế – Kinh đô Áo dài”. Để tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, tỉnh Thừa Thiên Huế đã miễn vé cho du khách là phụ nữ mang áo dài khi tham quan tại các điểm di tích vào các dịp lễ 8/3, 20/10…
Ngành Văn hóa với vai trò chủ đạo đã đưa áo dài vào các lễ hội văn hóa, thể thao, lễ chào cờ nơi công sở… và trong cuộc sống thường nhật. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã trang bị áo dài cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên và đã triển khai quy định mặc đồng phục áo dài khi tham gia các lễ hội, các sinh hoạt văn hóa. Những doanh nhân đã sử dụng áo dài trong hầu hết các diễn đàn, hội nghị, hội thảo. Tại chợ Đông Ba, ngôi chợ hơn 100 tuổi nổi tiếng nhất xứ Huế, hàng trăm tiểu thương đã cùng nhau mặc áo dài trong các ngày lễ, Tết hay trong các ngày hội do TP Huế phát động, tạo nên hình ảnh tuyệt đẹp về áo dài Huế gắn liền với ngôi chợ truyền thống.
Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tại tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tập trung xây dựng hình ảnh, thương hiệu phụ nữ Huế gắn với áo dài Huế với việc thành lập và ra mắt mô hình áo dài “Phụ nữ Thừa Thiên Huế – đồng hành cùng sắc tím”; Đồng hành, hưởng ứng cuộc vận động cán bộ nữ công chức mặc trang phục áo dài vào sáng thứ hai đầu tuần tại nơi làm việc và vào các ngày lễ lớn của phụ nữ; Thành lập mô hình “Tủ áo dài yêu thương” trao tặng hàng nghìn chiếc áo dài đến các hội viên phụ nữ khó khăn; Tổ chức các hội thi, giao lưu, trình diễn áo dài như: “Áo dài với di sản văn hóa Huế”, “1.000 phụ nữ mặc áo dài nhảy dân vũ”…
Ngành Giáo dục sau khi phổ biến áo dài nữ ở chốn học đường khối trung học phổ thông đã tiếp tục thử nghiệm đưa áo dài nam vào trong các hoạt động quan trọng. Một số trường học đã trang bị hoặc thuê, mượn áo ngũ thân để thầy, cô giáo và học sinh mặc trong các buổi đi tham quan, dã ngoại tại bảo tàng, di tích và các lễ hội do nhà trường tổ chức.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Chúng tôi tiến tới mục tiêu áo dài được công nhận di sản văn hóa thế giới. Trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục tổ chức những hoạt động, để giới thiệu một cách đầy đủ nhất, toàn diện nhất về giá trị áo dài trong văn hóa của Việt Nam, cũng như trong văn hóa Huế”.
Thùy Dương