Ngày 31/5, Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dưới góc độ giới với dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.
- Học sinh Việt Nam giành huy chương vàng Olympic Tin học Châu Á
- Lần đầu tổ chức Lễ Kỷ niệm Ngày Quốc tế Vui chơi
Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương, Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tổ chức hội nghị phản biện xã hội trên cơ sở đánh giá tính phù hợp với các chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp và hệ thống pháp luật hiện hành, tính đúng đắn, khoa học, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính khả thi của các quy định liên quan đến bình đẳng giới trong dự thảo luật.
Cũng theo bà Hương, người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tình cảm, nhận thức; thiếu kiến thức xã hội, pháp luật; khó kiểm soát cảm xúc; hạn chế trong việc bảo vệ bản thân, phòng, tránh rủi ro và các hành vi nguy hiểm… Đây là nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội nên cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, nhất là trong hoạt động tư pháp hình sự. Do đó, chính sách về tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên cần có tiếp cận chuyên biệt, toàn diện, phù hợp với lứa tuổi, khả năng nhận thức của các em và hướng tới mục đích chính là giáo dục, cải tạo, giúp đỡ người chưa thành niên tự sửa chữa sai lầm, cải thiện nhận thức và hành vi, trở thành công dân tốt cho xã hội.
Tham luận tại hội nghị, đại diện cho cơ quan soạn thảo dự án luật, ông Nguyễn Văn Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Quản lý khoa học, TANC cho biết, Việt Nam có nhiều bộ luật, luật điều chỉnh về tư pháp người chưa thành niên. Tuy nhiên, do được quy định tản mạn ở nhiều đạo luật, một số quy định của pháp luật còn xung đột nhau. Phần lớn chỉ điều chỉnh các quy định vốn được áp dụng cho người trưởng thành để áp dụng với người chưa thành niên, nên không hiệu quả, khó khăn khi áp dụng.
Đặc biệt, qua thực tế giải quyết các vụ án hình sự với người chưa thành niên ở Việt Nam cho thấy, thủ tục giải quyết còn rườm rà, thời gian còn dài; quan điểm xử lý người chưa thành niên phạm tội còn nặng răn đe, áp dụng hình phạt mà chưa xác định việc trừng phạt nên sử dụng như là biện pháp cuối cùng; chưa chú trọng tạo cơ hội cho người chưa thành niên phạm tội sửa chữa, cải thiện hành vi… Vì thế, việc sớm xây dựng và ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Nhìn từ góc độ giới, PGS.TS Dương Kim Anh – Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam nhận định, hoạt động tư pháp người chưa thành niên cần có sự tham gia của các nhân sự là chuyên gia có hiểu biết về tâm lý học, khoa học giáo dục, về xã hội học, đặc biệt là xã hội học giới.
Theo bà Dương Kim Anh, dự thảo luật cần rà soát, bổ sung, nhấn mạnh quan điểm tư pháp người chưa thành niên quan tâm bảo vệ quyền con người, nhân phẩm con người, nghiêm cấm kỳ thị, không phân biệt đối xử, đặc biệt là phân biệt đối xử theo giới. Các dịch vụ hỗ trợ tư pháp cho người chưa thành niên cần đáp ứng nhu cầu giới và người thực hiện bảo vệ tư pháp cho người chưa thành niên, đặc biệt là nhu cầu giới thực tế, nhu cầu giới chiến lược. Đặc biệt là cần thúc đẩy vai trò, trách nhiệm của nhà trường và xã hội, bên cạnh trách nhiệm của cha mẹ, gia đình…
Hồng Minh