Những năm qua, điện ảnh Việt Nam đã có những bước tiến, tăng trưởng hàng năm và có những tác phẩm “ăn khách”.Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận, ngành điện ảnh vẫn đang đối mặt với những khó khăn, rào cản về chi phí, đặc biệt vấn đề dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng – GTGT (sửa đổi) sắp tới.
- 63 bộ phim Việt Nam và quốc tế tham gia Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ 2
- Phim “bom tấn” Việt: Dù đầu tư mạnh nhưng vẫn chưa xứng tầm
- Phim “Lật mặt 7” của Lý Hải vượt mốc 300 tỷ đồng
Chật vật bán vé, “lẹt đẹt” doanh thu
Theo số liệu của Box Office Vietnam công bố, chỉ sau nửa năm, con số 1.182 tỷ đồng vượt tổng doanh thu phim Việt của cả năm 2023 (khoảng 1.130 tỷ đồng). Có thể nói, thành tích trên là dấu hiệu đáng mừng, đánh dấu sự phục hồi của thị trường điện ảnh trong nước sau đại dịch.
Thực tế, thị trường điện ảnh Việt Nam là một thị trường non trẻ. Mỗi năm, phim Việt phải đối mặt với những thách thức của thị trường phim ngoại vốn đầy hấp dẫn và nổi trội hơn. Mặc dù, những năm gần đây, thị trường điện ảnh Việt Nam có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, chất lượng, doanh thu của các sản phẩm không đồng đều. Chỉ một vài bộ phim đạt doanh thu cao, phần còn lại có hàng chục, hàng trăm tác phẩm rơi vào tình trạng chật vật bán vé, “lẹt đẹt” doanh thu.
Như năm 2024, sau mùa phim Tết thắng lợi lớn với bộ phim“Mai” của Trấn Thành cùng doanh thu hơn 550 tỷ đồng, “Gặp lại chị bầu” với 92 tỷ đồng hay “Đào, Phở và Piano” – phim Nhà nước đặt hàng đề tài lịch sử thu 22 tỷ đồng… thì phòng vé Việt từ đầu năm tới nay lại chứng kiến nhiều cú ngã chưa từng thấy. Phim “Trà” của Lê Hoàng ra rạp từ mùng 1 Tết Nguyên đán nhanh chóng rời rạp vì chỉ thu 1,6 tỷ đồng và phải rời rạp sau vài tuần công chiếu do sức bán vé quá thấp.
Trong tháng 4, điện ảnh Việt Nam đã chứng kiến “thảm họa doanh thu” như bộ phim “Đóa hoa mong manh” phim ra rạp từ 12/4 nhưng chỉ thu về 400 triệu đồng dù được PR rầm rộ với thông tin nổi bật, song chất lượng lại không tương xứng với số tiền đầu tư.
Đến tháng 10, dù không còn đối diện với nhiều bộ phim “bom tấn” từ thị trường nước ngoài, song hàng loạt tác phẩm điện ảnh Việt Nam vẫn đối diện với nguy cơ bị lỗ nặng. Lấy ví dụ, như bộ phim “Domino: Lối thoát cuối cùng” của đạo diễn Nguyễn Phúc Huy Cường được quay hầu hết ở Mỹ với chi phí lên đến hàng chục tỷ đồng, nhưng sau một thời gian ra rạp chỉ thu về hơn 500 triệu đồng, với khoảng 280 suất chiếu/ngày.
Lối đi nào cho phim Việt khi thuế lĩnh vực điện ảnh tăng?
Sau đại dịch COVID-19 xảy ra vào đầu năm 2020 và kéo dài trong suốt hơn 2 năm đã làm cho nền kinh tế nói chung và ngành điện ảnh Việt Nam nói riêng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thêm vào đó, bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu cũng góp phần tạo nên những khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực điện ảnh. Hiện nay, thị trường phim Việt Nam chỉ mới bắt đầu có tín hiệu “khởi sắc”, nhưng doanh thu vẫn chưa thể đạt được như năm 2019 (thời kỳ trước dịch COVID).
Được biết, tại Kỳ họp thứ 8, dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường ngày 29/10, sau đó được tiếp thu, chỉnh lý và tiếp tục cho ý kiến. Dự kiến ngày 26/11 tới đây, Quốc hội sẽ bấm nút biểu quyết thông qua dự thảo Luật.
Trong các nội dung đề xuất sửa đổi lần này, một số quy định liên quan đến thuế về lĩnh vực văn hóa đang nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội, cũng như các văn nghệ sĩ, doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Theo quy định hiện nay, các hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành phim và chiếu phim tăng từ mức thuế 5% lên 10%.
Nhiều ý kiến lo ngại việc tăng thuế sẽ khiến những nhà làm phim muốn đầu tư bài bản cho tác phẩm phải xem xét lại, dẫn đến việc khó thúc đẩy sự đa dạng, phong phú của điện ảnh Việt. Vì vậy, theo ý kiến của các chuyên gia, đây là vấn đề cần được cân nhắc kỹ lưỡng bởi nó có thể tạo ra tác động sâu rộng đến sự phát triển văn hóa.
Mới gần đây nhất, hơn 30 doanh nghiệp điện ảnh cùng ký vào văn bản khẩn về điều chỉnh mức thuế GTGT trong dự thảo Luật Thuế GTGT là giữ thuế ở mức 3%. Bà Ngô Thị Bích Hạnh – Tổng Giám đốc Công ty TNHH BHD chia sẻ, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực phim ảnh ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, khó có lãi vì tiền thuê mặt bằng với giá quá cao, tiền điện cũng đắt đỏ. Đến nay, các doanh nghiệp làm về văn hóa và điện ảnh vẫn chưa có nhiều ưu đãi hay chính sách hỗ trợ về thuế. Theo bà Hạnh, “nếu luật sửa đổi yêu cầu tăng thuế, chúng tôi sẽ càng lao đao, chỉ mong muốn giữ nguyên mức thuế chứ đừng tăng lên”.