Áo yếm là một phần trang phục không thể thiếu của người con gái thời xưa. Gần đây, áo yếm có dấu hiệu bị biến tướng thành trang phục lộ liễu phản cảm trên sàn diễn thời trang hoặc nhiều bộ ảnh hiện nay.
- Vòng bán kết “Hoa hậu du lịch Việt Nam năm 2024” sẽ diễn ra tại Sa Pa
- Tôn vinh nét đẹp, giá trị văn hóa trang phục truyền thống các dân tộc Lào Cai 2024
Những hình ảnh “nhức mắt”
Ngày 6/5/2023, nhà thiết kế Tường Danh, Công ty TNHH Objoff tổ chức show thời trang New Tradition – Truyền thống mới tại thành phố Thủ Đức, TP HCM. Ngay sau show diễn đã có nhiều ý kiến trái chiều, bức xúc trong dư luận về hình ảnh người mẫu đội nón quai thao, mặc áo yếm phản cảm để lộ nhiều phần cơ thể. Show thời trang này bị cơ quan chức năng đánh giá “sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc”, vi phạm khoản 7 Điều 11 Nghị định số 38/2021 về lĩnh vực văn hóa quảng cáo). Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM đã xử phạt Công ty TNHH Objoff 85 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 18 tháng sau vụ tổ chức show thời trang trên.
Còn nhớ, Hoa hậu đền Hùng Giáng My từng bị dư luận lên án khi diện chiếc yếm lụa quá mỏng. Cũng với những bộ ảnh diện áo yếm, Thái Nhã Vân, Á hậu Thư Dung, “hot girl” Tường Vy, Angela Phương Trinh… đều bị một bộ phận cộng đồng phê phán do chất liệu mỏng tang, trong suốt, lộ cơ thể, tạo dáng phản cảm.
Trong những ngày hè, đầm sen ở khu vực Hồ Tây (Hà Nội) đông như trẩy hội. Khách đến đây chủ yếu là các bạn trẻ để chụp ảnh với hoa sen. Trang phục được phụ nữ yêu thích khi chụp với sen chính là áo yếm. Đáng tiếc không ít người đã bỏ quên sự e ấp, ý tứ vốn có của trang phục truyền thống này mà tạo dáng táo bạo, khoe cơ thể… biến yếm đào trở thành “thảm họa” bên đầm sen.
Dư luận còn bất bình với hình ảnh một số người đàn ông mặc áo yếm, quấn váy đụp hoặc lấy lá sen che phần dưới cơ thể, khoe cơ bắp và tạo dáng uốn éo phản cảm giữa hồ sen.
Trân trọng di sản thời trang
Áo yếm được ghi nhận lần đầu tiên từ thế kỷ 12 dưới triều Lý. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, chiếc yếm đầy nữ tính bởi thiết kế khoe được lưng ong (thắt đáy lưng ong), tôn lên vẻ đẹp đường cong mềm mại của phụ nữ và là một phần trong tổng thể bộ trang phục của người phụ nữ Việt xưa. Yếm được mặc bên trong áo cánh. Vì là đồ lót, họ không mặc mỗi áo yếm đi ra ngoài đường mà phải khoác thêm một chiếc áo cánh, tứ thân, áo mớ ba, mớ bẩy. Phụ nữ thời xưa ở mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề, mọi địa vị đều mặc áo yếm theo những cách khác nhau. Áo yếm có thể mặc với áo tứ thân màu nâu tạo nên sự nền nã. Yếm đỏ, yếm đào được mặc với áo mớ ba, mớ bảy rực rỡ cùng thiếu nữ trảy hội ngày xuân…
Suốt chiều dài lịch sử, hình ảnh chiếc yếm đào đã đi vào “giấc mơ” của biết bao thế hệ “mày râu” và xuất hiện quen thuộc trong ca dao: “Ước gì sông hẹp tày gang/Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi”…
Không chỉ xuất hiện trong đời sống thôn quê Bắc Bộ với vẻ đẹp mộc mạc, trong trang phục Thăng Long xưa, áo yếm đã góp phần làm nên cái cốt cách trang nhã, tinh tế và thanh lịch của thiếu nữ Tràng An. Giữa đất kẻ chợ xênh xang “yếm thắm, lụa hồng” xa xưa ấy đã đi vào những áng văn thơ của nhiều thi nhân, mặc khách.
Các chuyên gia thời trang đều khẳng định áo yếm là di sản thời trang của người Việt xưa, vì thế hãy trân trọng vẻ đẹp nguyên sơ ấy đúng cách nhất. Người Việt vốn kín đáo, nên không thể nhân danh cách tân để làm biến dạng trang phục truyền thống. Các mẫu áo yếm mỏng tang, biến tấu phản cảm đều làm sai đi tinh thần của trang phục gốc. Ứng xử với văn hóa truyền thống, cụ thể ở đây là với trang phục truyền thống, đòi hỏi người nghệ sĩ ngoài bản lĩnh nghề nghiệp, sự am tường lịch sử, còn phải có thẩm mỹ tinh tế và sự nhạy cảm.
Nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ, áo yếm bản thân vốn rất đẹp vì nó đơn giản. Nếu người mặc không tuân theo đúng tinh thần của áo yếm thì sẽ dễ dẫn đến sự dung tục, phản cảm. Đó là ranh giới văn hóa đòi hỏi những người sáng tạo nghệ thuật cần cân nhắc, thực hiện sao cho đúng; còn nếu chuyển tải sai tinh thần thì sẽ khiến nhiều người hiểu sai theo.
Cũng theo nhà thiết kế Hà Duy: “Cần hết sức cẩn thận khi mang các trang phục truyền thống ra biến tấu, hay đưa vào các bộ ảnh bởi đó là “gia tài” mà cha ông ta để lại. “Gia tài” đó từ rất lâu rồi, cần được tôn trọng. Các trang phục truyền thống đều có linh hồn, cần phải đặt vào đó một cái tâm!”.
Bàn về việc biến tướng áo yếm trong show thời trang New Tradition – Truyền thống mới, hoạ sĩ, nhà nghiên cứu áo dài Nguyễn Đức Bình chia sẻ trên truyền thông: “Người làm bộ trang phục này chưa hiểu truyền thống, bản sắc văn hoá. Bộ trang phục này không mang bản sắc văn hoá người Việt. Bản sắc văn hoá với trang phục người Việt là kín đáo, khiêm nhường, giản dị. Nhưng hiện nay có rất nhiều nhà thiết kế lấp liếm bằng những từ ngữ như cảm hứng, hơi thở hiện đại, tiếng nói của thời đại chúng ta đang sống để tạo nên những bộ trang phục không phù hợp, lố lăng. Họ đang nhầm lẫn. Làm gì có cảm hứng như vậy? Trang phục dù cách tân hay không cách tân vẫn phải toát lên bản sắc văn hoá người Việt”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình lo ngại điều này sẽ dẫn đến một số bạn trẻ tưởng những áo yếm phản cảm là bản sắc văn hóa Việt. Điều này rất nguy hiểm. |