Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra (KLĐT) bổ sung vụ án tàng trữ, mua bán và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy xảy ra tại TP HCM, do Nguyễn Thị Hoài (32 tuổi, ngụ quận 1) cùng 7 đồng phạm thực hiện.
- “Bà trùm” Oanh Hà trong đường dây 626kg ma túy đang hầu tòa
- Vụ 4 nữ tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về Việt Nam: Sẽ khởi tố đến 1.200 người, hé lộ 500 đường dây tội phạm
- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Trị khởi tố 2 vụ tàng trữ trái phép chất ma túy
Pha chế, đóng gói ma túy tổng hợp “nước vui”
Theo hồ sơ, năm 2020, Nguyễn Thị Hoài sang Campuchia làm nghề DJ (chỉnh nhạc), sau đó gặp và có quan hệ nam nữ với người tên Zin (không rõ nhân thân lai lịch).
Hai năm sau, Hoài biết Zin đóng gói ma túy gọi là “nước vui”. Zin cho bị can Hoài làm nhiệm vụ cộng sổ sách việc đóng gói, vận chuyển ma túy của Zin tại kho ở Campuchia và trả công 50 triệu đồng/tháng.
Đầu tháng 1/2023, Hoài trở về Việt Nam để chữa bệnh tuyến giáp. Lúc này Zin gửi bột ma túy về Việt Nam để Hoài tổ chức đóng gói thành “nước vui” tại TP HCM rồi giao cho người của Zin và Hoài được trả công 2 USD (tương đương 47.000 đồng)/gói.
Từ khoảng tháng 2/2023 đến khi bị bắt, Hoài đã thuê nhà ở phường 2, quận 5 làm nơi đóng gói, cất giữ ma túy; thuê Đào Hoàng Nam, Mạc Đức Vinh, Nguyễn Hưng Long đóng gói ma túy, thuê Võ Thị Quỳnh Trang đến trông coi những người làm, thuê Thạch Hoàng Minh làm quản lý công việc cho Hoài.
Cùng thời điểm này, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) phát hiện hoạt động của đường dây nghi vấn pha chế, đóng gói ma túy tổng hợp “nước vui” quy mô lớn. Các đối tượng mua ma túy và các phụ gia từ nước ngoài về đóng trong những gói cà phê, trà thảo mộc, bao bì hấp dẫn, bắt mắt, mỗi gói có trọng lượng 15g. Thị phần các đối tượng hướng tới là giới trẻ, học sinh, sinh viên, muốn “khám phá sự mới lạ”. Xác định tính chất phức tạp của đường dây, tiềm ẩn hậu quả khôn lường với thế hệ trẻ, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy xác lập Chuyên án 0323H, quyết tâm triệt xóa đường dây này, không để các đối tượng “đầu độc” thế hệ trẻ.
Cuối tháng 5/2023, trinh sát nhận được thông tin các đối tượng đóng gói xong ma túy, chuẩn bị mang đi tiêu thụ. Xác định đây là thời điểm thích hợp để phá án, Ban Chuyên án đã huy động hơn 200 cán bộ, chiến sỹ chia thành 18 tổ công tác bố trí theo dõi, giám sát các đối tượng chính và 7 địa điểm pha chế, đóng gói và cất giấu ma túy; sau đó đồng loạt bắt quả tang, khám xét.
Kết quả điều tra, công an thu giữ gần 28kg ma túy ở thể rắn dùng làm nguyên liệu để đóng gói “nước vui”, 14.624 gói ma túy “nước vui” và 29,3g ma túy thể rắn mà các bị can trong vụ án tàng trữ. Hoài là người cầm đầu đường dây đóng gói, tiêu thụ ma túy tại Việt Nam.
Theo Kết luận điều tra (KLĐT), bị can Hoài phải chịu trách nhiệm về hành vi mua bán trái phép 106,3kg ma túy ở thể rắn loại Methamphetamine, MDMA, Nimetazepam và chịu trách nhiệm về hành vi tàng trữ trái phép 58,3g ma túy.
Ngoài ra, bị can Hoài cũng bị xác định nhiều lần chủ mưu, cầm đầu cung cấp ma túy, địa điểm, công cụ sử dụng ma túy cho nhiều người. Đối tượng này bị đề nghị truy tố 3 tội danh tàng trữ, mua bán và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Lời khai về nguồn gốc số tiền hơn chục tỷ đồng
Vụ án này đã được KLĐT vào tháng 10/2024, sau đó VKSND tối cao đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung. KLĐT bổ sung xác định người tên Nguyễn Văn Cảnh đã giúp bị can Hoài tìm nhà để thuê làm kho sản xuất, cất giữ “nước vui”. Sau khi thuê nhà giúp thì đối tượng Cảnh đã xuất cảnh khỏi Việt Nam vào ngày 23/2/2023 mà không tham gia việc đóng gói “nước vui”.
Đối tượng Cảnh còn là người giới thiệu 2 bị can Mạc Đức Vinh và Võ Thị Quỳnh Trang làm việc cho bị can Hoài. Các bị can Hoài, Vinh và Trang khai đối tượng Cảnh không nói rõ công việc là đóng gói ma túy.
Hiện nay đối tượng Cảnh đã xuất cảnh khỏi Việt Nam nên CQĐT chưa có điều kiện làm rõ hành vi. Bộ Công an đã ra quyết định truy tìm với đối tượng Cảnh, khi nào tìm được sẽ điều tra, làm rõ, xử lý sau.
Một nội dung điều tra bổ sung khác liên quan nguồn gốc tiền và tài sản của bị can Hoài đang bị kê biên. Theo đó, CQĐT xác định trong tài khoản ngân hàng do bị can Hoài đứng tên có 410 triệu đồng. Trong một tài khoản ngân hàng khác do một người đàn ông khác đứng tên có hơn 12,5 tỉ đồng và tiền gửi tiết kiệm 1,6 tỉ đồng, trong tổng số tiền này có 30 triệu đồng là của chủ tài khoản, toàn bộ tiền còn lại là của bị can Hoài. Ngoài ra, Hoài còn mua một căn nhà trong hẻm 149 Lê Thị Riêng (phường Bến Thành, quận 1).
Về nguồn gốc tiền và tài sản, bị can Hoài cho rằng có khoảng 3,7 tỉ đồng là tiền thu lợi bất chính từ việc mua bán trái phép ma túy trong vụ án. Số tiền còn lại do những người bạn trai của Hoài cho, gồm Zin và một người nước ngoài không rõ lai lịch và tiền do Hoài làm ăn mà có. Sau đó, bị can Hoài dùng hơn 6,3 tỉ đồng để mua căn nhà ở quận 1 nhưng chưa hoàn tất thủ tục sang tên thì bị bắt.
CQĐT xác định tiền và tài sản trên có nguồn gốc không rõ ràng và từ hoạt động mua bán ma túy mà có nên đề nghị tiếp tục tạm giữ, phong tỏa để phục vụ công tác xét xử và bảo đảm thi hành án.