- Tôn vinh nét đẹp, giá trị văn hóa trang phục truyền thống các dân tộc Lào Cai 2024
- “Tứ thân” truyền thông điệp gìn giữ gìn văn hóa truyền thống
- Bảo tồn, phát huy trang phục dân tộc thiểu số: Cần mô hình hiệu quả
Di sản của người phụ nữ Thái
“Piêu” trong tiếng Thái nghĩa là khăn đội đầu. Chiếc khăn piêu mang biểu tượng tinh thần, đồng thời là vật dụng được sử dụng hàng ngày của phụ nữ Thái như che đầu khi mưa, khi nắng, làm ấm đầu khi mùa đông giá lạnh; là phụ kiện không thể thiếu của các cô gái Thái, nhất là khi đi chơi, dự lễ hội, tham gia múa xoè, nhảy sạp. Cùng với váy, áo, nón đội, thắt lưng, khăn piêu góp phần tạo nên một nét đẹp, một sắc thái riêng, hấp dẫn về trang phục truyền thống của dân tộc Thái: “Với khăn piêu dịu dàng/Bao chàng trai say đắm/Ước được làm chiếc khăn!”.
Giống như cách làm thổ cẩm truyền thống, khăn piêu được dệt từ sợi bông, sau đó nhuộm chàm. Tới khi vải khô, phụ nữ Thái mới bắt đầu thêu lên những hoa văn sặc sỡ. Để hoàn thành một chiếc khăn piêu, người phụ nữ Thái phải mất 3 tháng dệt vải, thêu thùa, tự tìm kiếm cho riêng mình những màu sắc, đường nét thích hợp nhất.
Ngay từ khi con gái còn bé, người mẹ đã truyền dạy cách thêu thùa, may vá, dệt vải làm khăn. Việc học thêu khăn piêu là một quá trình nhận thức và rèn luyện sự khéo léo của đôi bàn tay, tính kiên nhẫn, chăm chỉ của cô gái Thái. Đến năm 15, 16 tuổi, các cô gái Thái đã thành thạo việc dệt vải, thêu thùa, may vá, tự tay làm khăn piêu để chuẩn bị lấy chồng. Có 3 loại hoa văn được thêu trên mỗi chiếc khăn piêu là tà leo, cút piêu và sai peng. Trong đó tà leo là vật trừ đuổi tà ma, bảo vệ thần hồn cho người đội khăn; cút piêu là phẩm vật cao quý của người bề trên và sai peng là dây tình của đôi lứa.
Thêm yêu văn hóa dân tộc
Ngày nay, điều kiện kinh tế – xã hội phát triển, quá trình giao thoa văn hóa đã tác động mạnh mẽ đến sự tồn tại của nhiều sản phẩm thủ công truyền thống, trong đó có chiếc khăn piêu của dân tộc Thái. Việc tạo ra một chiếc khăn piêu theo cách làm thủ công truyền thống cũng gần như không còn, thay vào đó là những chiếc khăn piêu được làm từ vải và chỉ mầu công nghiệp.
Lo ngại những chiếc khăn piêu được làm từ vải công nghiệp sẽ không giữ lại được vẻ đẹp mộc mạc truyền thống, sự tinh túy, nhiều chị em người Thái đã thành lập câu lạc bộ (CLB) dệt thổ cẩm dân tộc Thái với mong muốn gìn giữ “hồn” chiếc khăn piêu. Các CLB tựa như ngôi nhà chung để chị em cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết làm nghề, hăng say lao động cải thiện kinh tế gia đình.
Chị Lô Thị Nga ở bản Bộng (xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An) tâm sự: “Với mong muốn giữ lại nghề truyền thống, sau những ngày mùa màng bận rộn, tôi lại dành thời gian ngồi vào chiếc khung cửi để học dệt thổ cẩm, thêu thùa, may vá những chiếc khăn piêu, váy, áo cóm”.
Bà Lò Thị Xuân, bản Boong Xanh, xã Chiềng Pằn (Yên Châu, Sơn La), Chủ nhiệm CLB “Yêu văn hóa Thái cổ Mường Vạt – Yên Châu” chia sẻ: “Hiện nay, CLB có 60 thành viên với nhiều lứa tuổi khác nhau là những người yêu, am hiểu văn hóa Thái của xã Chiềng Pằn, Chiềng Đông, Viêng Lán, Sặp Vạt và thị trấn Yên Châu. CLB là nơi tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, truyền dạy hát Thái và tổ chức dạy thêu khăn Piêu, dệt vải cho con cháu”.
Chị Hoàng Thị Trường, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Viêng Lán (Yên Châu, Sơn La) Chủ nhiệm CLB chia sẻ: “Hiện chúng tôi đang truyền dạy cho gần 20 bé gái cách thức thêu khăn piêu truyền thống. Ngoài ra, còn hướng dẫn các điệu múa truyền thống liên quan đến khăn piêu để các em thêm yêu văn hóa của dân tộc mình. CLB “Mô hình nét đẹp khăn piêu” là mô hình điểm của Hội LHPN huyện Yên Châu triển khai tại xã Viêng Lán và nhân rộng trong thời gian tới”.
Chị Lương Thị Hảo, Chủ tịch Hội LHPN xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) cho hay: Hội Phụ nữ xã Thành Sơn hiện có gần 600 hội viên thì có đến gần 60% là hội viên dân tộc thiểu số. Xuất phát từ thực tế hầu hết chị em phụ nữ ở đây chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, tập trung chủ yếu vào thời vụ, lúc nông nhàn thì chị em có nhiều thời gian rảnh rỗi, cùng với muốn gìn giữ nghề truyền thống, Hội LHPN xã Thành Sơn phối hợp với Hội LHPN huyện Anh Sơn và Trung tâm dạy nghề và xúc tiến việc làm, Hội LHPN tỉnh Nghệ An đã tổ chức 2 lớp đào tạo nghề cho hơn 60 chị em phụ nữ dân tộc Thái trong xã và thành lập CLB dệt thổ cẩm với hơn 30 thành viên. Hiện nay toàn xã có hơn 10 khung dệt, là sản phẩm thủ công nên những mặt hàng do các chị làm ra đều rất đắt hàng, ngoài mục đích khôi phục lại nghề truyền thống còn mang lại nguồn thu nhập cải thiện đời sống…
Văn hoá các dân tộc thiểu số là tài sản quý giá góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng mà thống nhất của nền văn hoá các dân tộc Việt Nam. Giữ gìn và phát huy văn hoá truyền thống các dân tộc là việc có ý nghĩa chính trị xã hội to lớn nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ “bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số” theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã đề ra.