Để triển khai khu công nghiệp (KCN) sinh thái đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn cũng như cam kết mạnh mẽ của các nhà đầu tư (NĐT). Sau 10 năm triển khai, các quy định của pháp luật vẫn chưa theo kịp sự phát triển…
- Ngân hàng Vietcombank đồng hành cùng các chương trình khuyến học, khuyến tài
- Lan tỏa mô hình khu công nghiệp sinh thái – Bài 1: Không còn là khẩu hiệu mà đang trở thành xu thế tất yếu
Nước thải chờ hướng dẫn để được sử dụng
Triển khai thí điểm từ cách đây chục năm với sự hỗ trợ của các tổ chức, chuyên gia quốc tế và nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, đến nay cả nước có khoảng 10 KCN chuyển đổi/phát triển theo mô hình KCN sinh thái. Tuy nhiên, việc chuyển đổi và hoạt động theo mô hình KCN sinh thái vẫn đang gặp nhiều vướng mắc.
Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec, chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) chia sẻ, Nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN Nam Cầu Kiền là Nhà máy xử lý nước thải đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam đáp ứng về công năng kỹ thuật. Tuy nhiên, chỉ có 25% lượng nước thải trong KCN sau xử lý được tái sử dụng cho mục đích tưới cây, rửa đường, nuôi cá… Trong năm 2024, Shinec đã hợp tác nghiên cứu triển khai dự án tái sử dụng nước thải công nghiệp bằng công nghệ màng lọc Nano sợi rỗng. Nước được thu hồi sau khi lọc sẽ được sử dụng cho mục đích công nghiệp trong KCN, bảo đảm mô hình tuần hoàn khép kín. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn…
Đây cũng là vướng mắc của KCN DEEP C (Hải Phòng). Ông Bruno Jaspaert, Tổng Giám đốc KCN DEEP C khẳng định, chất lượng nước thải sau xử lý còn tốt hơn chất lượng nước thô, nhưng cũng chưa thể đưa nước thải đã qua xử lý quay trở lại quy trình sản xuất công nghiệp mặc dù các nhà đầu tư thứ cấp trong KCN sẵn sàng tái sử dụng nước thải đã qua xử lý.
Hay tương tự với câu chuyện thu gom rác thải. Theo đại diện KCN DEEP C, nếu KCN được phép thực hiện các hoạt động tái chế, tái xử lý nguyên vật liệu thải trong nội bộ mà không phải xin giấy phép thu gom và xử lý chất thải thì có thể tạo ra được rất nhiều hoạt động cộng sinh và kinh tế tuần hoàn thay vì mang các chất thải này ra bãi rác đổ… “Vấn đề lớn nhất là Việt Nam đang phát triển rất nhanh chóng, nhưng các quy định pháp luật lại chưa theo kịp tốc độ đó. Vì thế, nếu muốn xây dựng một KCN bền vững thì vẫn làm được nhưng mất rất nhiều thời gian và công sức…”, NĐT đến từ Vương quốc Bỉ chia sẻ.
Được biết, cách đây 5 năm, KCN DEEP C tiên phong trong việc sử dụng phế liệu nhựa, rác thải nhựa để làm đường (Báo Pháp luật Việt Nam đã có bài phản ánh), tuy nhiên sáng kiến này cũng xếp “ngăn kéo” vì chưa có hướng dẫn dù chủ đầu tư muốn triển khai làm đường nội bộ (!?).
Nâng cấp từ Nghị định lên Luật
Mô hình KCN sinh thái lần đầu tiên được thể chế hóa tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý KCN và Khu kinh tế (KKT), đặt nền móng pháp lý cho việc chuyển đổi các KCN thông thường sang KCN sinh thái và nhân rộng mô hình này.
Trong quá trình triển khai, Bộ KH&ĐT tiếp tục tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện hành lang pháp lý để khuyến khích phát triển mô hình KCN sinh thái tại Nghị định 35/2022/NĐ-CP. Nghị định 35/2022/NĐ-CP đã kế thừa các quy định tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP, bổ sung, hoàn thiện các quy định về: Chính sách hỗ trợ và hợp tác phát triển KCN sinh thái; Tiêu chí xác định; Các ưu đãi; Trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký chứng nhận KCN sinh thái, doanh nghiệp (DN) sinh thái; Các quy định liên quan đến chứng nhận lại hoặc chấm dứt hiệu lực, thu hồi Giấy chứng nhận KCN sinh thái, DN sinh thái.
Theo bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT, cùng với sự phát triển của mô hình KCN sinh thái nhiều quy định đã trở nên bất cập, mà nổi lên vấn đề sử dụng nước thải trong các KCN do các quy định nằm rải rác trong các văn bản khác nhau…“Cùng với khó khăn về việc tái sử dụng chất thải, nước thải trong KCN thì việc triển khai KCN sinh thái đòi hỏi chi phí rất lớn và cam kết mạnh mẽ của các NĐT, do đó cần chính sách khuyến khích để các NĐT có động lực triển khai mạnh mẽ mô hình này…”, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT nhấn mạnh. Đồng thời trong ngắn hạn, Bộ KH&ĐT đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát về mặt pháp lý và sẽ có ý kiến cụ thể về việc sửa các quy định của pháp luật (về môi trường, về tài nguyên nước…) để có tiếng nói đồng bộ tháo gỡ khó khăn về pháp lý cũng như tạo điều kiện tiếp cận tài chính cho các KCN…
Tuy nhiên, về lâu dài, để tháo gỡ một cách căn cơ, theo đại diện Vụ Quản lý các KKT cần có văn bản có tính pháp lý cao hơn Nghị định để điều chỉnh các KKT, KCN, trong đó có các chính sách khuyến khích các KCN sinh thái… “Bộ KH&ĐT đang tham mưu cho Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Luật KCN, KKT với nhiều đột phá trong phát triển KCN sinh thái, đáp ứng yêu cầu phát triển chuỗi cung ứng cũng như phát triển kinh tế xanh theo định hướng hiện nay…”, bà Hiếu cho hay.
“Tại thời điểm này, chúng tôi chưa thấy có một ưu đãi nào cho các KCN sinh thái. Sự khác nhau giữa đầu tư thông thường và đầu tư bền vững là vấn đề thời gian. Để có được cùng một lượng doanh thu thì đầu tư bền vững sẽ cần nhiều thời gian hơn. Chính vì thế, cách tốt nhất trong chính sách ưu đãi các NĐT hạ tầng là Chính phủ xem xét, nếu NĐT xây dựng thành công KCN sinh thái thì sẽ được gia hạn thời gian dự án là 70 năm (thay vì 50 năm như quy định hiện nay). Điều này sẽ giúp cho các NĐT có thời gian phân bổ chi phí khấu hao dài hơn…”. (Ông Bruno Jaspaert, Tổng Giám đốc KCN DEEP C) |