Năm 2021, cô được tạp chí Time vinh danh trong Danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới. Album Blackout của Spears đã được thêm vào Thư viện lưu trữ của Đại sảnh Danh vọng Rock & Roll vào năm 2012. Hiện cô đang sống tại Los Angeles, California.
Hai mươi lăm năm trước, cái tên Britney Spears vụt sáng thành ngôi sao khi cho ra mắt bản hit Baby One More Time. Bài hát đứng đầu mọi bảng xếp hạng âm nhạc ở nhiều quốc gia lớn và được bình chọn là một trong những ca khúc hay nhất mọi thời đại. Khi ấy, tên tuổi Britney vươn xa trên toàn cầu và được truyền thông ưu ái gọi là “công chúa nhạc pop”. Đến nay, hình ảnh cô nữ sinh tết tóc hai bên, áo sơ mi buộc cao, nhảy nhót giữa trường học vẫn in đậm trong tâm trí của nhiều người.
Suốt nhiều năm qua, chúng ta đã nghe rất nhiều câu chuyện về Britney. Chúng ta thấy hình ảnh cô tỏa sáng trên sân khấu, chúng ta cũng thấy cô cạo trọc đầu, tấn công tay săn ảnh. Hàng trăm, hàng ngàn bài báo trên khắp thế giới đã viết về cô với những hình ảnh xấu xí, bốc đồng. Nhưng bao nhiêu trong số đó là sự thật? Hay rốt cuộc, thứ mà chúng ta nhìn thấy cũng chỉ là một góc nhỏ trong bức tranh toàn cảnh?
“Người đàn bà trong tôi” không chỉ là cuốn tự truyện của một ngôi sao, mà hơn hết, nó còn là câu chuyện cảm động về hành trình tìm lại tự do, danh tính và quyền tự chủ của một con người. Ở đó, ta thấy một phiên bản Britney Spears khác – chân thực và đau lòng đằng sau ánh đèn rực rỡ.
Giống như phần lớn quyển hồi ký khác, “Người đàn bà trong tôi” được kể lại theo trình tự thời gian, từ lúc cô bé Britney bắt đầu nhen nhóm tình yêu với âm nhạc cho đến hành trình rực sáng thành ngôi sao toàn cầu và những rắc rối theo sau sự nổi tiếng ấy. Đan xen trong đó là những góc khuất của gia đình nhà Spears – “mồi lửa” tạo nên chuỗi bi kịch của Britney về sau.
Lâu nay, chúng ta vẫn biết Britney là một trong những ngôi sao thành công từ rất sớm, nhưng có lẽ ít ai biết được rằng cô sinh trưởng trong một môi trường tiêu cực với một người ông gia trưởng, một người bố nghiện rượu và một người mẹ nhu nhược. Ngay từ bé, Britney đã là một đứa trẻ cô đơn và thiếu thốn tình thương. Cô trốn trong tủ quần áo để được mọi người tìm thấy. Cô nhảy nhót trên bàn để gây sự chú ý. Từ tận đáy lòng, cô luôn khao khát được yêu thương, được quan tâm như bao đứa trẻ khác.
Trên những trang viết, cô trải lòng: “Tôi là một cô gái nhỏ có những ước mơ lớn. Tôi muốn trở thành siêu sao như Madonna, Dolly Parton hay Whitney Houston. Tôi cũng có những ước mơ giản dị hơn, những ước mơ dường như còn khó thành hiện thực hơn và có vẻ tham lam tới mức tôi không dám nói ra: tôi muốn cha ngừng uống rượu; tôi muốn mẹ ngừng la hét; tôi muốn mọi người đều an ổn”.
Trong hoàn cảnh thiếu thốn tình thương ấy, đối với Britney, ca hát là một việc thiêng liêng. Tiếng hát như lưỡi gươm của cô và được cô mang theo suốt thời thơ ấu. Cô hát theo tiếng ca phát ra từ chiếc radio trong xe trên đường đến lớp học nhảy. Cô hát mỗi khi buồn. Cô hát để bộc lộ bản thân mà không cần suy nghĩ. Âm nhạc đã chữa lành và mang cô đến một nơi thần bí mà mọi thứ không còn quan trọng nữa.
Britney đã mang theo tình yêu ấy lớn lên, và cô nỗ lực bằng mọi cách để thực hiện ước mơ đứng trên sân khấu, để được mọi người chú ý và quan tâm. Nhưng cô gái nhỏ khi ấy không biết rằng, ánh đèn rực rỡ của sân khấu sẽ mang cô rời khỏi khu rừng nhỏ ở Louisiana, thậm chí là mang đến bi kịch cho cô về sau.
Ở tuổi 42, khi nhìn lại cuộc đời mình, Britney bộc bạch: “Khi bạn thành công trong một việc nào đó, bạn phải chịu áp lực nặng nề là tiếp tục thực hiện việc đó ngay cả khi bạn không còn thấy vui, và tôi đã nhanh chóng phát hiện ra rằng mình thật sự không thể quay về nhà được nữa”.
Điểm khiến “Người đàn bà trong tôi” nổi bật giữa nhiều quyển hồi ký khác nằm ở chỗ nó không chỉ tóm gọn hành trình của một ngôi sao nhạc pop mà còn là câu chuyện cảm động và đáng suy ngẫm về hành trình tìm lại tự do, danh tính và quyền tự chủ cho “người phụ nữ trong tôi”. Thông qua câu chuyện của bản thân, cô cũng khắc họa hình ảnh của nhiều phụ nữ khác đã ảnh hưởng tới cuộc sống của mình, từ người mẹ, người bà, người dì, cho đến những người phụ nữ nổi tiếng như Mariah Carey, Madonna, Paris Hilton… Đằng sau mỗi người phụ nữ là một cuộc đời với những nỗi niềm riêng.
So với nhiều quyển hồi ký khác, “Người đàn bà trong tôi” của Britney được nhận xét là giản dị và mộc mạc hơn. Qua lời kể và góc nhìn của Britney, chúng ta thấy được đằng sau ánh hào quang lấp lánh của sự nổi tiếng là vô vàn câu chuyện, vô vàn sự đánh đổi mà người nghệ sĩ phải chịu đựng. Và khi lược bỏ ánh sáng rực rỡ ấy, họ cũng chỉ là một bản thể với khao khát được quan tâm và yêu thương.
Vậy nên, cho dù bạn là người đã yêu mến Britney bấy lâu, đã lớn lên trong “thời kỳ” của Baby One More Time, hay chỉ đơn thuần là một độc giả muốn tìm hiểu cái tên Britney Spears đằng sau những mặt báo, thì “Người đàn bà trong tôi” vẫn mang đến cho bạn những dấu ấn khó phai về cuộc đời của biểu tượng âm nhạc một thời.