- MB tiếp tục dẫn đầu thị trường về tăng trưởng CASA, tốc độ dư nợ tăng trưởng cao
- Chuẩn bị triển khai xây dựng đường cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành
Nhớ lại giai đoạn mới hình thành, lãnh đạo PVN cho biết, ngày 27/11/1961, Đoàn Thăm dò Dầu lửa 36, trực thuộc Tổng cục Địa chất được thành lập với nhiệm vụ tiến hành tìm kiếm, thăm dò dầu hỏa và khí đốt trên phạm vi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây cũng là tổ chức tiền thân của PVN sau này.
Trải qua 65 năm hình thành và phát triển, đến nay PVN đã trở thành tập đoàn kinh tế – kỹ thuật quan trọng hàng đầu của đất nước. PVN làm chủ được công nghệ, khoa học tiên tiến, xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí đến phát triển công nghiệp khí – điện – chế biến và dịch vụ dầu khí chất lượng cao. Trong đó, lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi. Đồng thời, đào tạo được đội ngũ lao động dầu khí hùng hậu, có trình độ cao.
Kể từ khi tấn dầu thô đầu tiên được khai thác năm 1986, đến cuối năm 2023, ngành Dầu khí Việt Nam đã khai thác được hơn 460 triệu tấn dầu trong nước và khoảng 200 tỉ m3 khí. Hoạt động dầu khí bao phủ hầu hết thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Không những bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước (NSNN), mà ngành Dầu khí còn có những đóng góp quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông.
Hằng năm, PVN cung cấp từ 9 – 11 tỉ m3 khí cho sản xuất 35% sản lượng điện quốc gia, 70% sản lượng đạm và 70 – 80% lượng khí cho các hộ tiêu thụ dân dụng của cả nước. PVN cũng là doanh nghiệp đứng thứ 2 cả nước về cung cấp điện với tổng công suất các nhà máy điện đạt 6.605MW, chiếm khoảng 15% tổng sản lượng điện quốc gia. Hai nhà máy Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ của Tập đoàn cung cấp ra thị trường trên 15 triệu tấn urê/năm, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu phân bón trong nước.
Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất từ khi đưa vào vận hành đến nay sản xuất khoảng 6 triệu tấn dầu/năm, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu xăng dầu trong nước, đặc biệt là đáp ứng nhiên liệu theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng.
Từ việc phải di chuyển các chân đế giàn khoan từ Baku sang lắp đặt để khai thác dầu tại vùng biển ngoài khơi Bà Rịa – Vũng Tàu, đến nay, ngành Dầu khí Việt Nam đã có thể tự chế tạo, lắp đặt, vận hành an toàn tuyệt đối các giàn khoan thăm dò, khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam. Không những vậy, sản phẩm cơ khí chế tạo dầu khí của Việt Nam còn được xuất khẩu, góp phần mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho đất nước.
Giai đoạn 2006 – 2015, PVN đóng góp trung bình 20 – 25% tổng thu NSNN, 18 – 25% GDP cả nước. Từ sau năm 2015, ngành Dầu khí liên tục phải đối mặt với hàng loạt thách thức, nhưng vẫn đóng góp trung bình 10-13% GDP cả nước; chiếm tỷ trọng 9 – 11% tổng thu NSNN và chiếm 16 – 17% tổng thu ngân sách Trung ương.
Các nhà máy của PVN trở thành nòng cốt, là hạt nhân trong việc hình thành nên các khu công nghiệp tập trung tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Cà Mau, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Hậu Giang… Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, PVN luôn bảo đảm nguồn cung đối với các sản phẩm phục vụ đời sống, kinh tế, xã hội như dầu khí, điện, đạm, xăng dầu, LNG…
Năm 2023, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có, Tập đoàn đã lập kỷ lục mới trong lịch sử hình thành và phát triển của mình khi tổng doanh thu đạt 942,8 nghìn tỷ đồng (tương đương 9,2% GDP cả nước), tăng 11,6 nghìn tỷ đồng so với kỷ lục đã xác lập vào năm 2022. 15 năm liên tiếp, PVN góp mặt trong Top 3 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.
Theo lãnh đạo PVN, đơn vị này hướng tới mục tiêu phát triển thành Tập đoàn công nghiệp năng lượng hàng đầu đất nước, khu vực, giữ vai trò nòng cốt, chủ lực, đầu tàu, có tiềm lực mạnh về tài chính và trình độ khoa học tiên tiến; có sức cạnh tranh cao, thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển ngành Dầu khí.
Tập trung phát triển các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính: Tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, công nghiệp khí, chế biến dầu khí, công nghiệp điện và năng lượng tái tạo, dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao. Bảo toàn và phát triển nguồn vốn, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với bảo vệ môi trường và an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, phù hợp với xu thế phát triển mới, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng mới…