Trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn tại Kỳ họp 7, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, hiệu quả khai thác, sử dụng nước sạch của Việt Nam còn thấp và lãng phí, đặc biệt là trong nông nghiệp và ở đô thị.
- Khốc liệt cuộc đua “tranh suất” vào trường chuyên ở Hà Nội
- “1 chọi 20” giành vé học tại trường THCS “hot” ở Hà Nội
Hiệu quả sử dụng nước sạch được đo bằng tỷ lệ giá trị USD tạo ra với khối lượng nước được sử dụng, dựa trên hoạt động kinh tế, nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Hiệu suất sử dụng nước sạch trung bình thế giới năm 2015 là 17,3 USD/m3, tăng lên 18,9 USD/m3 năm 2020 và đến nay là 19,42 USD/m3. Tại Việt Nam, con số này hiện tại chỉ khoảng 2,37 USD/m3.
Nguyên nhân là Việt Nam chưa có hệ thống công cụ ra quyết định phục vụ xây dựng kịch bản nguồn nước, điều hòa, phân phối tài nguyên nước thống nhất trên lưu vực sông. Việc này dẫn đến điều phối khai thác, sử dụng nước của các ngành, địa phương chưa tối ưu hóa lợi ích kinh tế – xã hội. Nguồn nước bị lãng phí, chưa đáp ứng nhu cầu về an ninh nước sạch, lương thực, năng lượng. Tình trạng mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nước sạch gia tăng do lợi ích kinh tế giữa thủy điện, thủy lợi và công nghiệp, sinh hoạt và sản xuất.
Theo báo cáo, cả nước còn 1.104 hồ chứa xuống cấp, thiếu khả năng xả lũ, chưa có nguồn vốn để đầu tư nâng cấp. Từ 2010 đến nay, đã xảy ra 75 sự cố vỡ đập, hồ chứa thủy lợi và 14 sự cố mất an toàn đập, hồ chứa thủy điện. Nguyên nhân là ảnh hưởng của mưa, lũ dòng chảy về hồ vượt tần suất thiết kế, công trình đầu mối hư hỏng. Một số đơn vị quản lý, khai thác không đủ năng lực. Công tác kiểm định an toàn đập hầu hết chưa được thực hiện. Việc kiểm tra đập hồ chứa nước bằng trực quan nên chưa phát hiện được hiểm họa tiềm ẩn.
Bộ đã trình Thủ tướng ban hành, sửa đổi 11 quy trình vận hành liên hồ chứa, bảo đảm điều hòa, phân bổ nguồn nước cũng như sử dụng tổng hợp nguồn nước và phòng, chống tác hại hạn hán, thiếu nước.
Bộ xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu vận hành của 134 hồ chứa, đập dâng lớn, quan trọng trên 11 lưu vực; phối hợp cập nhật và xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu gắn với nhu cầu chi tiết của ngành, địa phương; xây dựng bản đồ rủi ro lũ và ngập lụt cho 24 lưu vực sông trên toàn quốc phục vụ quy hoạch và phòng, chống thiên tai.
Khi hạ tầng kỹ thuật bảo đảm, Bộ hướng đến vận hành an toàn hồ chứa theo thời gian thực, tối ưu hóa việc sử dụng nguồn nước và bảo đảm 100% hồ chứa thủy điện lớn được kiểm soát, giám sát trực tuyến.
Gia Hải