Đồng bằng sông Cửu Long có vai trò, tầm quan trọng đặc biệt trong việc bảo đảm an ninh lương thực cho quốc gia, góp phần nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Thế nhưng, thực trạng sạt lở, sụt lún bờ biển, bờ sông đang là một trong những yếu tố đe dọa vựa lúa của cả nước.
- Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn
- Cho khách rút tiền vượt quá sức mua hiện có, một công ty chứng khoán bị phạt hơn 137 triệu đồng
Báo cáo với Đoàn công tác của Trung ương trong cuộc khảo sát thực tế tại tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau mới đây, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, tại Cà Mau, hệ thống đê biển Tây dài khoảng 108km, trong đó 56,7km chưa được đầu tư, nâng cấp. Tuyến đê biển Đông dài dự kiến 138km hiện chưa được đầu tư. Tổng chiều dài các đoạn bờ biển sạt lở đặc biệt nguy hiểm và sạt lở nguy hiểm tại địa phương 83,85km.
Tại Bạc Liêu, tình hình sạt lở diễn biến phức tạp. Tỉnh xác định có 50 danh mục cần đầu tư đến 2030, tổng kinh phí dự kiến hơn 28.000 tỷ đồng.
Cả hai tỉnh kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí để thực hiện một số dự án đầu tư kè chống sạt lở tại những vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm, xung yếu, cấp bách. Một điều cần lưu ý, tại khu vực này, các Bộ, ngành liên quan và địa phương đang xây dựng đề án chống sạt lở, sụt lún, thiếu nước sinh hoạt, sản xuất cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cũng tại cuộc họp, đại diện Bộ NN&PTNT cho hay, việc làm kè để phòng, chống sạt lở ở bờ biển Đông kinh phí khá lớn, làm 1km kè cứng cả trăm tỷ đồng, còn kè mềm cũng khoảng 60 tỷ đồng, cao gấp đôi đầu tư so với bờ biển Tây; nên Bộ đang nghiên cứu để giảm nguồn đầu tư; và quan điểm của Bộ là phải có giải pháp tổng thể, đầu tư căn cơ.
Quan điểm trên của Bộ NN&PTNT được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đồng tình và nhấn mạnh: “Các giải pháp cần được tính toán một cách tổng thể, đồng bộ cả Trung ương và địa phương. Việc đầu tư phải “ra tấm, ra món”, vì làm cắt khúc rất lãng phí”. Vì vậy, việc đầu tư phải được xếp thứ tự ưu tiên, dự án nào cấp bách thì làm trước. Với nguồn kinh phí, cần có sự vào cuộc của cả Trung ương và địa phương. Về phía địa phương, phải chuẩn bị thật kỹ hồ sơ các dự án đầu tư, đồng thời huy động mọi nguồn lực ngoài ngân sách, kể cả nhân công.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, cơ quan chuyên môn, địa phương cần có dự báo càng sớm càng tốt và chính xác về sạt lở. Việc này không tốn nhiều tiền nhưng nếu làm không tốt sẽ gây thiệt hại lớn. Dự báo càng tốt, càng chính xác càng có giá trị, không chỉ để bảo vệ sinh mạng và tài sản của người dân mà còn tiết kiệm nguồn lực đầu tư của Trung ương và địa phương.
Thực tế trong đầu tư cho thấy, với những dự án lớn phòng, chống thiên tai, nếu được tính toán thực hiện đồng bộ với tầm nhìn xa, thì thời gian thực hiện càng nhanh, chất lượng càng tốt, hiệu quả càng cao, giá trị sử dụng càng lâu dài. Nhiều ý kiến đánh giá, nếu đầu tư đồng bộ hệ thống kè chống sạt lở bờ biển thay vì manh mún, dàn trải, chắp vá; chắc chắn công trình sẽ phát huy nhiều hiệu quả hơn, bảo vệ Đồng bằng sông Cửu Long trước những tổn thương do thiên tai.