Hà Nội là nơi chắp cánh cho ước mơ được đắm mình trong thế giới nghệ thuật chèo của NSND Quốc Chiêm. Bởi vậy, kinh qua các vị trí, từ người nghệ sĩ cho tới công tác quản lý, ông luôn đau đáu góp sức vì văn hóa của Hà Nội nói riêng và sự phát triển của Thủ đô nói chung.
- NSƯT Hoàng Tùng tri ân bậc sinh thành nhân dịp Tết đoàn viên
- Hàng loạt MC nổi tiếng quy tụ tại ngày hội “Truy tìm Vua Tiếng Việt”
- Diễn viên Xuân Bắc và hàng loạt MC nổi tiếng quy tụ tại ngày hội “Truy tìm Vua Tiếng Việt”
Danh xưng “Hoàng tử chèo” đã ra đời từ vai diễn xuất sắc
Tối 13/7/2024 vừa qua, tại Rạp Đại Nam, Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội ra mắt vở chèo cổ “Lưu Bình – Dương Lễ” với bản phục dựng công phu, đầy tâm huyết của NSND Trần Quốc Chiêm gửi tới đông đảo khán giả Thủ đô Hà Nội. Những tưởng nghệ thuật sân khấu cổ truyền đã từ lâu không còn được nhiều sự quan tâm của khán giả, nhưng không trong đêm ra mắt và các đêm diễn sau đó khán phòng Rạp Đại Nam không còn một ghế trống và khán giả liên tục vỗ tay tán thưởng các nghệ sĩ trong suốt vở diễn.
Vở chèo cổ “Lưu Bình – Dương Lễ” là một trong bảy vở chèo cổ kinh điển của nghệ thuật sân khấu chèo Việt Nam. Có được sự thành công này bên cạnh sự đóng góp của các nghệ sĩ trẻ, xứng đáng là những thế hệ kế tiếp để lưu giữ và phát triển những giá trị truyền thống làm nên bản sắc của bộ môn nghệ thuật chèo, thì bản dựng của NSND Trần Quốc Chiêm cũng rất tâm huyết trong việc gìn giữ những yếu tố mẫu mực của chèo cổ, chi tiết và tỉ mỉ từng động tác, từng điệu hát để nổi bật những giá trị bản sắc của chèo. Sự “chắc tay” của người phục dựng cùng kinh nghiệm dày dặn trên sân khấu của các nghệ sĩ tài năng đã góp phần tạo nên sức hút của vở diễn.
Danh xưng “Nghệ sĩ chèo Quốc Chiêm” hay “Hoàng tử chèo” không xa lạ gì với giới văn hóa nghệ thuật cả nước nói chung và Thủ đô nói riêng. Là người con quê lúa Thái Bình, cũng như bạn bè cùng trang lứa, cậu bé Trần Quốc Chiêm được lớn lên trong những câu hát ru, những làn điệu chèo ngọt ngào của mẹ, của làng quê yêu thương. Và, mạch nguồn ấy cứ âm thầm ngấm vào tâm hồn rồi dưỡng nuôi ước mơ bay bổng của Quốc Chiêm – một cây văn nghệ của trường, của đội chèo thôn Cao Sơn.
Năm học lớp 7, đọc được thông báo trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam tuyển diễn viên trên báo, Quốc Chiêm liền rủ mấy người bạn cùng lên Hà Nội thử sức. Dù nhỏ tuổi nhất – mới tuổi 13 nhưng Quốc Chiêm đã trở thành lọt vào mắt xanh của những nghệ sĩ chèo gạo cội lúc bấy giờ. Mười bảy tuổi, Quốc Chiêm tạm biệt mẹ cha, khăn gói lên Hà Nội theo đuổi giấc mơ nghệ thuật – một giấc mơ được vun đắp từ những điệu chèo của làng quê, từ lời thầm hứa sẽ xứng đáng với sự hy sinh nơi chiến trường của anh trai cho sự bình yên của Tổ quốc. Năm 1979, ngay sau khi tốt nghiệp Quốc Chiêm về công tác tại Đoàn chèo Hà Nội. Và cũng tại nơi đây đã chứng kiến sự trưởng thành, đơm hoa kết trái của một tài năng chèo.
Còn nhớ, suốt thập kỷ 80, 90 của thế kỷ trước, vở chèo “Nàng Sita” được ra mắt và đã thành công hơn cả sự mong đợi, tạo thành một hiện tượng trong giới sân khấu lúc bấy giờ. Góp phần vào thành công đó có một phần không nhỏ của cặp đôi nghệ sĩ trẻ Quốc Chiêm (Hoàng tử Poliem) – Lâm Bằng (nàng Sita). Những suất diễn được tổ chức liên tục, có khi một ngày diễn liền ba suất. Khán giả phải xếp hàng mua vé, riêng vé tập thể phải đăng ký từ tháng này đến tháng sau. Và mọi người luôn bày tỏ lòng ái mộ chàng hoàng tử Poliem điển trai, có giọng hát truyền cảm, ấm áp, diễn xuất tự nhiên. Với một người nghệ sĩ còn gì hạnh phúc hơn khi khán giả gặp Quốc Chiêm ở ngoài đời gọi là “Hoàng tử Poliem” thay cho tên thật. Danh xưng “Hoàng tử chèo” đã ra đời từ vai diễn xuất sắc như thế…
Luật Thủ đô “đón đầu” về văn hóa, “tiếp sức” cho văn hóa
Đó là mong muốn của NSND Quốc Chiêm khi bày tỏ suy nghĩ về các nội dung trong Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua ngày 28/6/2024. Đã từng là Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội (nay là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) nên NSND Quốc Chiêm rất hiểu về giá trị của pháp luật nói chung và một đạo luật đặc thù nói riêng đối với sự phát triển chung và phát triển văn hóa Thủ đô. Trong một lần trả lời truyền thông về Luật Thủ đô, theo ông, Hà Nội là Thủ đô, trung tâm chính trị – văn hóa – kinh tế của cả nước, bởi thế việc phát triển văn hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố. Những chính sách, cơ chế đặc thù sẽ tạo ra những hành lang pháp lý rất quan trọng để văn hóa ở Hà Nội phát triển. Luật Thủ đô năm 2012 đã có những quy định chung về bảo tồn và phát triển văn hóa. Tuy nhiên, qua thời gian các quy định đã không còn phù hợp với thực tiễn vận động của đời sống văn hóa, nhất là khi Thành phố đang tập trung đẩy mạnh các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng Thành phố sáng tạo.
Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể chế hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW với một số cơ chế đặc thù mới để phát triển văn hóa Thủ đô như: xây dựng Trung tâm công nghiệp văn hóa theo quy hoạch; giao HĐND Thành phố Hà Nội quy định nội dung, mức hỗ trợ cao hơn quy định hiện hành đối với văn nghệ sĩ, nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể; cho phép áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP) trong lĩnh vực văn hóa… Đáng chú ý, Luật có quy định đầu tư mới vào một số ngành công nghiệp văn hóa gồm: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, du lịch văn hóa; cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô. Những đề xuất trong nhóm chính sách văn hóa này có vai trò rất quan trọng, thúc đẩy sự phát triển văn hóa Thủ đô, nhất là trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Với số lượng di tích và số lượng nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được Nhà nước phong tặng đứng đầu cả nước, Thủ đô Hà Nội cần phải có quy định đặc thù, vượt trội về bảo tồn di sản, hỗ trợ cho văn hóa, phát triển không gian sáng tạo, trung tâm văn hóa…
“Tôi mong muốn Luật Thủ đô (sửa đổi) đóng vai trò “đón đầu” về văn hóa, “tiếp sức” cho văn hóa, để văn hóa Thủ đô phát triển xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long – Hà Nội, để Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết kinh văn hóa của cả nước. Những chính sách văn hóa là cơ sở nền tảng góp phần xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam; đưa văn hóa, con người Hà Nội trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững Thủ đô”, NSND Quốc Chiêm bày tỏ.
Cũng cần nói thêm rằng, sau những cống hiến hết mình trên sàn diễn, NSND Quốc Chiêm được phân công làm công tác quản lý, kinh qua những vị trí như: Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội; Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội. Đến tuổi nghỉ hưu, NSND Quốc Chiêm tiếp tục gắn bó với văn nghệ Thủ đô khi được văn nghệ sĩ tin tưởng giao trọng trách là: Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp (2016 – 2021 và 2021 – 2026). Năm 2020, ông được tin tưởng giao nhiệm vụ là Ủy viên Đảng, Đoàn của Hội Liên hiệp văn học – nghệ thuật Việt Nam. Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội trong 2 khóa gần đây 2019 – 2024 và 2024 – 2029 tin tưởng bầu chọn ông cho vị trí Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội…
Dù ở vị trí nào NSND Quốc Chiêm cũng luôn đau đáu vì nghệ thuật. Khi là Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, ông mạnh dạn đưa ra ý tưởng mở rộng không gian diễn xướng cho sân khấu chèo. Những vở diễn mới của Nhà hát Chèo Hà Nội không gian biểu diễn không còn bị bó hẹp trong chiếu chèo vốn được mặc định từ xưa mà được tỏa ra cả sân khấu hộp cùng những thiết kế mỹ thuật, đạo cụ, cảnh trí phù hợp, góp phần “mở lối” cho sân khấu chèo trở nên hấp dẫn, hiện đại và gần gũi hơn nhu cầu thưởng thức của khán giả.
Ở vị trí Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, ông luôn gạt đi những khó khăn, trở ngại để dành tâm sức, thời gian nghĩ cách làm thế nào đổi mới phương thức quản lý, hoạt động của Hội Liên hiệp; tập hợp, cổ vũ, phát huy sức sáng tạo, tâm huyết cống hiến cho văn nghệ Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung của hơn 4000 văn nghệ sĩ Thủ đô. Những thành tích của Hội Liên hiệp từ năm 2016 đến nay như: UBND TP Hà Nội tặng Cờ đơn vị xuất sắc phong trào thi đua các năm 2018, 2020, 2021; Bằng khen về các hoạt động kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội; Cờ đơn vị hoàn thành xuất sắc phong trào thi đua từ năm 2018 đến năm 2021 do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tặng… thì có sự góp sức không nhỏ của vị “thuyền trưởng” tâm huyết này.
Bản thân NSND Quốc Chiêm với vai trò là nghệ sĩ và nhà quản lý cũng nhận được rất nhiều sự ghi nhận, bằng khen của cơ quan quản lý Nhà nước: trong sự nghiệp của mình ông đã giành 5 Huy chương Vàng và 3 Huy chương Bạc trong các hội diễn; được phong tặng NSND năm 2015; nhiều Bằng khen của Bộ VH,TT&DL vì những thành tích xuất sắc trong xây dựng và tổ chức hoạt động nghệ thuật biểu diễn…
Vĩ thanh
Có rất nhiều điều để kể về NSND Quốc Chiêm trong vai trò của một người nghệ sĩ chèo xuất sắc luôn đau đáu với sự phát triển của nghệ thuật chèo, trong vai trò của người quản lý văn hóa, nghệ thuật thông qua các vị trí ông đã và đang kinh qua, mà trong khuôn khổ của bài báo này không thể kể hết, như một làn điệu chèo mãi ngân nga trong lưu luyến.
Vì thế, để kết bài báo này xin kể một câu chuyện thú vị về ông thường được giới nghệ sĩ chèo nhắc đến. Đó là khi ở vị trí Giám đốc Nhà hát Chèo ông đã dũng cảm vượt qua dị nghị dư luận để chìa tay với một con người tưởng chừng như đã rơi vào ngõ cụt không lối thoát. Khi phóng viên đề nghị NSND Quốc Chiêm kể lại câu chuyện đó, ông cười xòa: “Chuyện nhỏ thôi mà, có gì đâu mà kể. Hồi đó NSND Quốc Anh (nguyên Quyền Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội từ năm 2018 đến năm 2022 nghỉ hưu – PV) là một nghệ sĩ trẻ, tài năng nhưng cũng rất cá tính. Sau những xích mích tại đơn vị công tác cũ, Quốc Anh bị nghỉ việc. Biết chuyện, tôi đã về tận quê mời Quốc Anh gia nhập Đoàn chèo Hà Nội. Nhiều người biết chuyện lo lắng, can ngăn, nhưng tôi chỉ đơn giản nghĩ: Điều quan trọng nhất là đưa một con người trở lại với cuộc đời, nghiệp diễn. Muốn vậy phải cố tìm ra yếu tố tốt từ con người đó để bồi dưỡng, nhân lên dần dần. Và tôi đã làm được!”.
Được biết, nghệ sĩ Quốc Anh từ một người tưởng như vĩnh viễn bỏ nghiệp diễn, tại Nhà hát Chèo Hà Nội đã được bồi dưỡng, uốn nắn để dần dần trở thành nghệ sĩ chèo giỏi, gặt hái rất nhiều huy chương trong các hội diễn và để lại nhiều vai diễn ấn tượng, trở thành Đảng viên, được phong NSND năm 2016 và nắm giữ cương vị lãnh đạo Nhà hát. Khi NSND Quốc Anh, Quyền Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội nhận chế độ hưu vào năm 2022, trong buổi chia tay nhiều anh chị em nghệ sĩ Nhà hát đã khóc khi nhắc đến những kỷ niệm gắn bó với một người nghệ sĩ, một người anh sống tình cảm, chân thành, gần gũi….