Không ít gia đình có thể mua thực phẩm dự trữ dài ngày trong mùa mưa bão. Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế hướng dẫn cách bảo quản thực phẩm dự trữ đúng, bảo vệ sức khỏe cả gia đình.
Thứ nhất, cần kiểm tra nhiệt độ tủ lạnh: Tủ lạnh giúp kéo dài tuổi thọ của thực phẩm trong một thời gian ngắn, nhưng nhiệt độ trong tủ lạnh phải được điều chỉnh ở mức thích hợp. Các nghiên cứu cho biết nếu tủ lạnh quá “ấm áp” sẽ tạo ra một môi trường tuyệt vời cho các loại vi khuẩn độc hại phát triển. Nhiệt độ tủ lạnh lý tưởng là ở mức dưới 40 độ F. Ở khoảng nhiệt độ này, các thực phẩm sẽ an toàn hơn khi sử dụng.
Thứ hai, trong thời gian mất điện, cửa tủ lạnh và tủ đá (freezer) phải được đóng kín hoàn toàn để duy trì nhiệt độ lạnh. Một tủ đá với đầy kín thức ăn, nếu cửa đóng chặt thì sẽ giữ được nhiệt độ lạnh khoảng 48 giờ, trong khi đó nếu tủ chỉ chứa một nửa thực phẩm thì giữ được độ lạnh 24 giờ. Đối với tủ lạnh thì khác, nó chỉ giữ được độ lạnh khoảng 4 giờ sau khi bị mất điện.
4 giờ sau khi mất điện, các thực phẩm hư phải được bỏ đi. Mặc dù những thức ăn này không phát ra mùi hôi nhưng vẫn có thể chứa vi khuẩn mang bệnh. Đặc biệt đối với những người có hệ miễn dịch yếu như trẻ em, phụ nữ mang thai và người cao tuổi.
Các loại thực phẩm sau đây cần phải bỏ đi: thịt đã nấu chín hoặc còn sống, cá, trứng, sữa và các sản phẩm làm từ sữa. Đồng thời, những thức ăn dư thừa từ những ngày trước đó, như: cá ngừ, cơm, mì ống, rau xà lách, các loại nước dressin…, cũng nên đổ đi.
Tiếp theo, khi có điện trở lại, cần phải xem thực phẩm trong tủ lạnh còn tươi và an toàn để tiếp tục dùng hay không. Nếu đã để một nhiệt kế trong tủ đá và nhiệt độ trên nhiệt kế vẫn còn dưới 4-5 độ C thì thực phẩm vẫn còn dùng được. Nếu cẩn thận hơn nữa thì có thể kiểm tra từng gói đồ ăn, nếu chúng vẫn còn dính băng đá hoặc dưới 4-5°C thì có thể tiếp tục giữ lạnh những gói thức ăn này hay đem nấu.
Cần bỏ đi những thực phẩm bị hư có trong tủ lạnh, tủ đá và dọn sạch tủ lạnh. Khi nhiệt độ trong tủ lạnh hạ xuống dưới 4-5°C thì có thể bỏ các thức ăn mới vào tủ.
Thứ tư, khi nhà bị ngập nước sẽ có thể gây ô nhiễm nguồn nước. Tốt hơn hết là nấu nước sôi để nguội uống hoặc uống nước đóng chai trong thời gian này. Bên cạnh đó không nên ăn những thức ăn có dính nước lụt hoặc thức ăn được lấy ra từ những thùng bị thấm nước lụt. Các chai nước soda, nước giải khát được đậy bằng các nắp vặn, nắp xoắn, thức ăn đóng hộp… đã tiếp xúc với nước lụt thì không thể khử trùng, khi uống sẽ có thể gây vấn đề xấu cho sức khỏe.
Đối với thực phẩm tươi
Những thực phẩm tươi có thể được trữ lạnh trong 3 – 5 ngày. Vì vậy, người dân có thể mua sẵn thịt lợn, thịt bò, thịt gà sau đó sơ chế và cất tủ đá. Khi cần sử dụng có thể rã đông và chế biến như bình thường.
Các loại rau củ quả cũng nên chọn loại có thể để được dài ngày. Người dân có thể mua 3 – 5 loại rau, quả xanh như rau cải, rau muống, rau ngót, bầu, bí để tại nơi khô ráo. Trong thời tiết mát mẻ của những ngày mưa, các loại rau xanh có thể để ngoài 2 ngày và để trong tủ lạnh tới 4,5 ngày. Các loại củ quả như bầu, bí, khoai tây, cà rốt thì có thể để bên ngoài tới 4,5 ngày.
Và một loại thực phẩm dự trữ thông thường là trứng: Nếu được bảo quản đúng cách, trứng có thể để được tới 15 – 20 ngày.
Với thực phẩm khô
Những loại thực phẩm khô có thể bảo quản được trong thời gian dài gồm có: gạo, muối, nước mắm, dầu ăn, mì ăn liền… Một số đồ khô có hạn sử dụng ngắn hơn như: cá khô, các loại đồ hộp, xúc xích ăn liền, ruốc, bánh mì… Trong đó bánh mì, bánh ngọt, xúc xích hay sữa đặc là những thực phẩm có thể ăn liền mà không cần đun nấu.
Tuy nhiên đối với thực phẩm đóng hộp, nên chú ý kiểm tra hạn sử dụng và bố trí chế độ ăn uống hợp lý cho gia đình.
Về nước uống
Nước sạch có thể dự trữ trong những bể, thùng hay xô chậu lớn hoặc trong những chai nhỏ. Tất cả đều được bảo quản ở nơi khô ráo để khi cần thiết có thể dễ dàng sử dụng. Không nên để ở những nơi dễ bị ngập nước trong nhà.
Một người trong một ngày nên có ít nhất 3 lít nước. Có thể dự trữ nước uống đề phòng những trường hợp khẩn cấp không thể đun nước uống.