Công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp luôn được ngành Hải quan xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, được triển khai thực hiện ở cả 3 cấp: Tổng cục, Cục và Chi cục. Năm 2024 đánh dấu 10 năm ngành Hải quan phát triển quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp, với nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp.
- Quản lý thị trường xăng dầu như thế nào cho hài hòa, hợp lý?
- Kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá tiêu dùng tăng
Hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp
Nhằm cụ thể hóa chủ trương lớn của ngành, nhiều năm qua, ở 35/35 cục hải quan tỉnh, TP đã căn cứ vào kế hoạch phát triển hàng năm của Tổng cục Hải quan để triển khai tại đơn vị một cách bài bản, khoa học. Ngoài triển khai các nội dung theo hướng dẫn của Tổng cục, nhiều cục hải quan địa phương đã vận dụng linh hoạt và có cách làm sáng tạo thông qua các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đạt hiệu quả cao, thiết thực.
Có thể kể đến, tại Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, để từng bước đưa hoạt động phát triển quan hệ đối tác đi vào cuộc sống, đơn vị đã triển khai sáng kiến “Giải pháp tạo thuận lợi cho DN làm thủ tục hải quan – Phòng chờ làm thủ tục hải quan tại ICD Phước Long 3” năm 2023. Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực IV đã bố trí phòng chờ cho khách tới làm thủ tục hải quan có trang bị bàn, ghế, nước uống, máy lạnh, màn hình hiển thị danh sách tờ khai, bảng niêm yết các thủ tục hành chính, có trang bị máy tính kết nối internet, kết nối với máy in. Theo đó, DN dễ dàng tiếp cận các quy định của pháp luật hải quan, giải đáp vướng mắc về thủ tục hải quan thông qua các kênh thông tin là website chính thức của ngành Hải quan; góp phần tăng mức độ hài lòng của DN khi đến làm thủ tục tại Chi cục.
Còn Cục Hải quan Quảng Ninh, để từng bước đưa hoạt động phát triển quan hệ đối tác Hải quan – DN, đơn vị đã triển khai nhiều cách làm sáng tạo để giúp tiếng nói của DN đến gần hơn với cơ quan Hải quan. Đồng thời, nhận thức của cán bộ, công chức Hải quan thay đổi cơ bản, từ việc coi DN là đối tượng quản lý sang coi DN là đối tác, hợp tác, từ đó có những hoạt động cụ thể, thiết thực trong hỗ trợ, đồng hành cùng DN.
Nổi bật, Hải quan Quảng Ninh đã tổ chức triển khai Chương trình đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Chi cục (viết tắt là CDCI) nhằm đánh giá năng lực cạnh tranh, chất lượng quản lý điều hành cấp cơ sở cũng như hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng DN của các Chi cục, qua đó đã tạo một không khí thi đua sôi nổi giữa các chi cục trực thuộc trong hoạt động triển khai nhiệm vụ cũng như hoạt động hợp tác Hải quan – DN…
Coi doanh nghiệp là đối tác tin cậy
Mục tiêu về phát triển quan hệ đối tác Hải quan – DN của Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 (theo Quyết định 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ) là: “Xây dựng quan hệ đối tác giữa cơ quan Hải quan với DN để hình thành chuỗi cung ứng tin cậy trên cơ sở nghiên cứu, xây dựng và triển khai chương trình đối tác tin cậy với sự tham gia của các DN xuất khẩu, nhập khẩu và các đối tác thương mại của DN trong chuỗi cung ứng”.
Đại diện Ban Cải cách hiện đại hóa Hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, thời gian tới, để công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan – DN đi vào hiệu quả, thực chất, các Cục Hải quan tỉnh, TP cần đẩy mạnh thực hiện các hoạt động như luôn gắn các hoạt động đối tác Hải quan – DN vào hoạt động nghiệp vụ thường xuyên, hàng ngày của đơn vị, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, coi DN là đối tác tin cậy. Đồng thời, thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn, từ đó có các giải pháp phù hợp hỗ trợ DN. Chủ động phân tích, lựa chọn các vấn đề mang tính thời sự mà DN quan tâm để hỗ trợ DN kịp thời.
Bên cạnh đó, luôn chủ động, đổi mới sáng tạo trong cách làm, cách thức tổ chức triển khai các hoạt động quan hệ đối tác phù hợp với tình hình, thực tế tại đơn vị. Làm mới các hoạt động đối thoại, hợp tác để thu hút cộng đồng DN sẵn sàng tham gia hợp tác cùng cơ quan Hải quan…
T.Công