Hình ảnh xe ghép, xe tiện chuyến dừng đỗ, đón trả khách bất cứ đâu, bất chấp giờ cao điểm, gây cản trở lưu thông khiến người dân bức xúc nhiều năm qua. Những phương tiện này đang hoạt động tùy ý, “bắt” khách qua các trang mạng xã hội, không chịu sự quản lý của các cơ quan chức năng.
- Vấp phải dây điện hở, trẻ 9 tuổi rơi vào hôn mê
- Hiểm họa rình rập các em mùa hè
- Xử phạt 12 phương tiện chở khách trái phép trên vịnh Hạ Long
VIDEO – Kẽ hở và mối nguy từ xe ghép, xe tiện chuyến
Xe ghép đang ngoài vòng quản lý?
Xe tiện chuyến, xe ghép là thường được biết đến là xe từ 8 chỗ ngồi (cho khách) trở xuống, đăng ký biển trắng, dưới chiêu bài không kinh doanh nhưng nhận đặt chỗ, thu tiền, đón khách trên các tuyến cố định liên tỉnh.
Với dịch vụ này, xe sẽ đón khách tận nơi, trả khách tận nhà bất kể đêm hôm hay sáng sớm, mà giá cả lại rất “vừa phải”.
“Hành khách muốn đón ở đâu thì chỉ cần báo địa điểm, lái xe sẽ đến tận nơi để đón, thường thì sẽ vòng đón khách cho đủ số chỗ trên xe. Do xe ghép nên không có bán vé, nhưng nếu khách hàng cần có hóa đơn thì vẫn có cách để giải quyết….” – đây là câu trả lời của một lái xe ghép với phóng viên (trong vai hành khách).
Không thể phủ nhận sự tiện lợi và những ưu điểm từ loại hình dịch vụ chở khách bằng xe cá nhân này. Tuy nhiên, việc xe tiện chuyến, xe ghép mang biển trắng nhưng thực hiện các hoạt động vận tải bằng xe ô tô cũng mang đến những bất cập trong quản lý, khi nhiều người đang tham gia chuyên chở khách hằng ngày mà không thực hiện các thủ tục về kinh doanh vận tải theo quy định.
Thông tư 58/2020/TT-BCA của Bộ Công an quy định: Tất cả xe đang hoạt động kinh doanh vận tải phải thực hiện đổi sang biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen.
Tuy nhiên, các xe đang chạy xe ghép hiện tại đều là xe cá nhân và không đổi sang biển số màu vàng, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các loại hình kinh doanh vận tải. Đơn cử như vào giờ cao điểm, một số tuyến đường sẽ cấm theo giờ đối với xe biển vàng (xe kinh doanh) nên xe ghép đeo biển trắng sẽ có lợi thế hơn nhiều so với xe biển số màu vàng.
Việc phát hiện để xử lý các trường hợp dùng xe ô tô biển trắng chở khách gặp khó khăn. Bởi lẽ, quá trình thực hiện nhiệm vụ, không phải lúc lực lượng chức năng cũng có thể dừng ô tô để kiểm tra mà chỉ dừng kiểm tra theo chuyên đề hoặc qua trực quan thấy có dấu hiệu vi phạm.
Theo quy định pháp luật, các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải nộp lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp…
Nhưng tại khoản 10 Điều 56, Luật Đường bộ số 35/2024/QH15 vừa được Quốc Hội thông qua, chỉ bắt buộc xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng từ 8 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) phải có hợp đồng vận tải bằng văn bản, còn các trường hợp xe 8 chỗ trở xuống thì lại không được nhắc đến.
Như vậy, chủ xe ghép, xe tiện chuyến khi vận hành loại xe dưới 8 chỗ chỉ việc thu tiền mà không phải nộp bất cứ một loại thuế/phí nào với xe kinh doanh vận tải. Với một số lượng rất lớn xe ghép đang hoạt động như hiện nay, có thể thấy việc thất thoát thuế là một con số không hề nhỏ.
Quy định tại khoản 10, Điều 56, Luật Đường bộ số 35/2024/QH15 cũng chưa đưa loại hình xe tiện chuyến, xe ghép như đã đề cập vào Luật, khiến cho các đơn vị như Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông gặp khó khăn để xử lý.
Những rủi ro dành cho hành khách
Ngoài việc tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh, có nguy cơ khiến Nhà nước thất thu thuế thì việc bảo đảm an toàn, quyền lợi cho hành khách trên các xe ghép, xe tiện chuyến cũng khiến các chuyên gia lo ngại.
Đơn cử như giá vé niêm yết khi đi xe khách của các nhà xe cũng như giá cước của các hãng vận tải thông thường đều đã bao gồm “bảo hiểm cho hành khách”. Điều này hoàn toàn không hề có khi sử dụng dịch vụ xe ghép, người chịu thiệt thòi chính là hành khách.
Ông Đỗ Văn Bằng – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội cho biết: “Thông thường khi hành khách sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp vận tải, thì toàn bộ người ngồi trên xe bao gồm lái xe và hành khách đều đã được mua bảo hiểm.
Tuy nhiên, với các phương tiện tham gia hoạt động vận tải sử dụng biển trắng, dưới hình thức mà chúng ta thường gọi là xe ghép, xe tiện chuyến, gần như việc mua bảo hiểm chỉ giới hạn dành cho người lái xe, còn việc bảo hiểm cho hành khách hầu như là không có, do chủ xe đều muốn tiết kiệm chi phí vận hành. Trong trường hợp này, khi có rủi ro xảy ra, người chịu thiệt chính là hành khách ngồi trên xe”, ông Đỗ Văn Bằng nhấn mạnh.
Theo Luật sư Vi Văn Diện – Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh: “Ở đây, Bảo hiểm tai nạn đối với hành khách có ý nghĩa quan trọng, giúp giảm thiểu gánh nặng về thiệt hại vật chất cho đơn vị vận chuyển và hành khách.
Theo đó chúng ta có thể thấy các bên bảo hiểm tai nạn hành khách là bên doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm tai nạn hành khách kí hợp đồng thỏa thuận với nhau về vấn đề bảo đảm cho hành khách trong những trường hợp có tai nạn xảy ra, hành khách và công ty vận chuyển hành khách có quyền được hưởng các quyền lợi khi có rủi ro xảy ra.
Còn nếu “lái xe ghép, xe tiện chuyến” không mua bảo hiểm cho hành khách, nếu xảy ra tai nạn về người thì người chịu thiệt hại ở đây trước tiên là hành khách, sau đó là lái xe ”,
Như vậy, có thể thấy loại hình xe ghép, xe tiện chuyến đang tham gia chuyên chở khách hằng ngày mà không thực hiện các thủ tục về kinh doanh vận tải theo quy định. Trong trường hợp xảy ra tai nạn không mong muốn, chắc chắn quyền lợi người ngồi trên xe sẽ không được đảm bảo.
Xe ghép là loại hình mới xuất hiện, mặc dù đang hoạt động nhộn nhịp, nhưng lại nằm ngoài sự quản lý của các quy đinh hiện hành.
Để chấn chỉnh tình trạng này, đòi hỏi các lực lượng chức năng phải thường xuyên kiểm tra; các địa phương cũng cần tăng cường tuyên truyền để các chủ phương tiện tự giác chấp hành. Có như vậy thì mới tạo ra môi trường kinh doanh dịch vụ vận tải lành mạnh.
Chủ xe ghép cần phải mua thêm bảo hiểm cho hành khách, tránh trường hợp xảy ra tai nạn giao thông, bảo đảm quyền lợi cho người dân.