Chiến tranh đã lùi xa nhưng vẫn còn những liệt sĩ nằm lại nơi chiến trường, rất nhiều gia đình vẫn đau đáu một nỗi niềm khi chưa tìm thấy phần mộ của người thân đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc. Dù biết rằng sự tìm kiếm đôi khi chỉ là hy vọng mong manh, nhưng không ai từ bỏ nỗ lực để có thể đưa những liệt sĩ “trở về”.
- Nhiều hoạt động ý nghĩa nhân Ngày Thương binh – Liệt sĩ
- Hơn 80 nghìn hồ sơ xác nhận người có công tồn đọng đã được giải quyết
- Chủ tịch Mặt trận tổ quốc tỉnh Quảng Nam tới thăm gia đình người có công tại huyện Đại Lộc
Còn đó hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên
Trên khắp đất nước Việt Nam, nỗi đau chiến tranh chưa bao giờ nguôi ngoai, những nỗi đau thương, mất mát đó vô cùng to lớn và không thể lấy gì bù đắp hết được. Một đất nước có hơn 3.000 nghĩa trang liệt sĩ, hàng vạn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hàng trăm Trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh và rất nhiều công trình tượng đài, phù điêu khắc tạc những người anh hùng đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tất cả những điều này đủ để thấy được những hậu quả nặng nề mà chiến tranh mang lại cho Nhân dân Việt Nam.
Đi qua các cuộc chiến tranh, nước ta có gần 1,2 triệu liệt sĩ đã ngã xuống trên khắp các chiến trường vì một nền độc lập hòa bình cho Tổ quốc. Họ đến từ rất nhiều vùng miền của đất nước và giờ đây cùng nằm lại trong 3.200 nghĩa trang liệt sĩ trải dài khắp 63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên không phải ngôi mộ nào cũng có tên họ. Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cả nước vẫn còn hơn 300.000 người khi sinh ra có tên, có họ nhưng khi nằm xuống trên bia mộ chỉ khắc dòng chữ “Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin”…
Đơn cử tại nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc có tổng diện tích hơn 35.000m2, được xây dựng vào năm 1986. Được mệnh danh là nghĩa trang Trường Sơn của vùng Bảy Núi An Giang, nơi đây đã quy tập hơn 8.000 ngôi mộ của các chiến sĩ ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh. Điều đặc biệt, phần lớn liệt sĩ là quân tình nguyện Việt Nam hi sinh trên đất Campuchia do đội chuyên trách K90 (Quân khu 9) và đội chuyên trách K93 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh An Giang) tìm kiếm, cất bốc và hồi hương tại các tỉnh Kandal, Kampong Chhnang, Koh Kong, Kampong Speu, Takeo, Kampot… (Campuchia). Từ năm 2002 – 2022, đội K90 và K93 đã tìm kiếm và đưa được hơn 5.000 hài cốt liệt sĩ về đất mẹ.
Là nơi chôn cất của hơn 8.000 hài cốt liệt sĩ sau khi được quy tập về, nhưng chỉ có hơn 3.000 liệt sĩ có danh tính, còn lại gần 5.000 ngôi mộ mang trên mình dòng chữ: “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin”. Trải qua bao năm lưu lạc nơi xứ người, đến khi được đưa về vòng tay quê hương nhưng hàng ngàn liệt sỹ vẫn khuyết danh. Nhiều trường hợp liệt sĩ có họ tên nhưng không có quê quán, tên đơn vị hoặc ngược lại. Nhiều trường hợp liệt sĩ có di vật nhưng không có họ tên, năm sinh, quê quán, đơn vị, hi sinh…
Còn tại tỉnh Điện Biên, nơi quản lý 5 nghĩa trang liệt sĩ với hơn 6.000 phần mộ, trong đó có có 3 nghĩa trang liệt sỹ cấp quốc gia: A1, Him Lam và Độc Lập là nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày nay, Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên những dấu ấn về tinh thần sẵn sàng hi sinh của quân và dân ta trong 56 ngày đêm máu lửa, để làm nên trận quyết chiến chấn động địa cầu. Là nơi an nghỉ của hàng ngàn liệt sĩ, nhưng có đến hơn 3.000 phần mộ nơi đây “trắng hàng bia những ngôi sao không nói…”.
Nếu có dịp đến nghĩa trang liệt sĩ, chứng kiến những ngôi mộ hàng nối hàng trải dài trong nghĩa trang, hầu hết không có tên trên bia mộ, có lẽ ai cũng mang trong mình cảm giác xót xa. Hàng ngàn ngôi mộ khuyết danh là hàng ngàn liệt sỹ, người có công đang nằm lại đâu đó tại các nghĩa trang lớn nhỏ khắp các tỉnh thành, là hàng ngàn gia đình đang khắc khoải trên hành trình đưa người thân “trở về”.
Những trăn trở chưa bao giờ nguôi
Hàng chục năm có thể là quãng thời gian đủ để một con người có thể sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Vậy nhưng lại là một quãng thời gian quá ngắn để con người có thể quên đi được những mất mát, đau thương,… Nhất là với những gia đình có liệt sĩ chưa được quy tập về đất mẹ, chưa xác định được danh tính, những nỗi đau đó lại càng khó có thể nguôi ngoai. Hàng nghìn ngôi mộ gió, hàng chục nghìn tấm bia khuyết danh, hàng nghìn đám giỗ tập thể không di ảnh vẫn cứ lặng lẽ tồn tại như hồi ức chẳng thể phai.
Chị P.Thu (Thanh Hóa) cho biết, sau hàng chục năm bác trai ra đi trên chiến trường nhưng đến nay mẹ của chị vẫn có tâm nguyện tìm được mộ phần của bác. “Dù đã gần 70 tuổi nhưng mẹ tôi vẫn mong mỏi và mong muốn tìm được mộ của bác để thắp cho bác nén nhang trong những năm cuối đời. Theo những gì mẹ kể lại tôi chỉ biết tên bác, quê quán và bác mất trong Nam, còn lại không có thông tin gì”, chị P.Thu chia sẻ.
Cùng cảnh, gia đình chị N.Vang (Quảng Trị) đã ròng rã 45 năm không ngừng tìm kiếm anh trai nằm lại ở tuổi 20 tại mặt trận phía Nam. “Tháng 7 lại đến và anh trai cũng 45 năm nằm lại nơi chiến trường để bảo vệ Tổ quốc. Suốt 45 năm ròng tìm kiếm nhưng may mắn chưa mỉm cười với gia đình, đến nay mẹ của tôi cũng đã 90 tuổi già yếu lắm nên gia đình mong mỏi được biết nơi anh đang yên nghỉ để mẹ cùng các em đón anh về quê hương đất mẹ”, chị N.Vang cho biết.
Thực tế, có hàng trăm nghìn gia đình giống như chị P.Thu, chị N.Vang vẫn đang đau đáu nỗi niềm tìm kiếm hài cốt người thân. Sự mong muốn này là hoàn toàn chính đáng, nhưng do sự khốc liệt của chiến tranh, thông tin về các liệt sĩ thường bị phân tán, có nơi còn lưu trữ nhưng có nhiều nơi đã bị thất lạc, gây ra nhiều khó khăn cho quá trình tìm kiếm và xác minh danh tính. Rất nhiều gia đình liệt sĩ trên toàn quốc hiện nay vẫn lặn lội đi tìm hài cốt thân nhân của mình trong vô vọng vì thiếu thông tin chính xác, không biết nơi hy sinh, nơi mai táng của liệt sỹ. Họ chỉ có tờ giấy báo tử ghi bằng những ký hiệu, phiên hiệu đã trôi qua quá lâu sau chiến tranh.
Do sự khắc nghiệt của chiến tranh và nhiều lý do khác nhau mà cho tới nay vẫn còn hàng vạn hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập, hàng trăm ngàn hài cốt liệt sĩ đã được quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ nhưng lại yên nghỉ dưới những phần mộ “Liệt sĩ chưa biết tên”. Chưa kể đến khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ vẫn còn nằm lại tại các chiến trường ở nước bạn như Lào, Campuchia hay ở chiến trường miền Nam. Như vậy, tổng số liệt sĩ chưa xác định được thông tin là hơn 500.000 hài cốt liệt sĩ (thiếu hoàn toàn thông tin; thiếu một phần thông tin, như chỉ có tên, quê, đơn vị…). Đây là nỗi trăn trở và trách nhiệm lớn của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.
Thấu hiểu được nỗi đau đó, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tìm kiếm, xác định thông tin liệt sĩ, dù khó cũng phải làm để trọn nghĩa vẹn tình với người đã ngã xuống và đáp ứng mong mỏi sum họp của các gia đình. Theo thời gian, hành trình sẽ ngày càng khó khăn nhưng các cơ quan chức năng đặt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt, cũng như xác định danh tính các liệt sĩ còn thiếu thông tin; phấn đấu đến năm 2030 sẽ hoàn thành tìm kiếm quy tập khoảng 15 nghìn hài cốt.
Bên cạnh đó, công tác xác định danh tính hài cốt thông qua phương pháp giám định ADN đang được đẩy mạnh, với mục tiêu đạt 20 nghìn mẫu đến năm 2030. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng đang nỗ lực để xác minh và kết luận danh tính cho 60% mộ liệt sĩ vẫn còn thiếu thông tin trong các nghĩa trang liệt sĩ bằng phương pháp chứng thực.
Ngoài những nỗ lực trên, sự chung tay và góp sức của thế hệ trẻ thông qua việc áp dụng công nghệ thông tin cũng đóng vai trò quan trọng trong công cuộc này. Việc sử dụng công nghệ giúp tăng cường hiệu quả, đồng thời mang lại những kết quả chính xác và nhanh chóng hơn trong quá trình tìm kiếm và xác minh danh tính các liệt sĩ.
Với phương châm “Còn thông tin về liệt sĩ, còn tiếp tục tổ chức tìm kiếm, quy tập”, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ không chỉ đã và đang được triển khai mà còn sẽ tiếp tục được thực hiện mạnh mẽ. Các cấp, các ngành luôn xác định công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là trách nhiệm thiêng liêng để những người con đã anh dũng hy sinh được quy tập về quê hương, để được tri ân góp phần vơi bớt nỗi đau của những người thân.