Thiếu tướng Ngô Hoài Thu, Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và công tác chính trị, Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ, công tác gia đình và trẻ em Công an Nhân dân đã kiến nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực thi Luật Bình đẳng giới, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030.
Tại Hội thảo Tổng kết, đánh giá công tác truyền thông năm 2023 và xây dựng Kế hoạch triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới (BĐG) và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) và Cơ quan Liên hợp quốc vì BĐG và trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tổ chức ngày 8/5, Thiếu tướng Ngô Hoài Thu, Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và công tác chính trị, Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN), công tác gia đình và trẻ em Công an Nhân dân đã kiến nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực thi Luật BĐG, Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021-2030, Chương trình truyền thông về BĐG đến năm 2030.
Trước đó, phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Khánh Lương, Vụ trưởng Vụ BĐG (Bộ LĐTB&XH) nêu bật những kết quả tích cực đạt được trong Tháng hành động quốc gia năm 2023 và thẳng thắn điểm lại một số hạn chế trong công tác BĐG. Để khắc phục những vướng mắc này, ông Lương cho rằng cần sự tham gia, chung tay của các ngành, các cấp, sự phối hợp, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp.
Từ góc độ địa phương, bà Nông Thị Hà, Trưởng phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bảo vệ chăm sóc trẻ em và BĐG, Sở KĐTB&XH tỉnh Bắc Kạn đề nghị tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, phát huy vai trò của người đứng đầu đối với công tác BĐG; đẩy mạnh xã hội hóa công tác truyền thông. Đồng thời, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ truyền thông, phóng viên, biên tập viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên truyền thông các ngành, các cấp; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu của Chiến lược quốc gia về BĐG, nhân rộng các mô hình truyền thông về BĐG hiệu quả.
Cùng quan điểm, Thiếu tướng Ngô Hoài Thu cũng bày tỏ mong muốn tới đây Bộ LĐTB&XH xây dựng Cẩm nang về công tác BĐG, VSTBPN; tiếp tục xây dựng và cung cấp báo cáo viên, tăng cường tập huấn chuyên sâu cho cán bộ làm công tác BĐG, công tác phụ nữ, VSTBPN. Nữ Thiếu tướng còn đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung giáo dục về giới, BĐG vào giảng dạy ở các trường, xây dựng chương trình, giáo trình chung đảm bảo tính thống nhất, hệ thống theo từng cấp, ngành, bậc học cho phù hợp. Các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP đổi mới các hình thức tuyên truyền, giáo dục đảm bảo phong phú, đa dạng, dễ hiểu, phù hợp với từng vùng, miền, lĩnh vực, đối tượng, quan tâm hướng về cơ sở; tăng cường trao đổi, phổ biến kinh nghiệm, biểu dương những tập thể và cá nhân tiêu biểu; các cấp ủy đảng, lãnh đạo các cấp cần thường xuyên nắm tình hình, kiểm tra, đôn đốc việc tuyên truyền và triển khai thực hiện.
Đồng chủ trì Hội thảo, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam Caroline Nyamayemombe đã vinh danh 3 thành tựu của Tháng hành động quốc gia năm 2023 gồm quy mô hoạt động rộng khắp của chiến dịch (triển khai 6.184 sáng kiến tại 63 tỉnh thành, tiếp cận được hơn 31 triệu người; có 53.500 lượt đưa tin trên các phương tiện truyền thông và 2,8 triệu lượt tương tác trên mạng xã hội…); tinh thần hợp tác trong thời gian vừa qua của khu vực tư nhân, các doanh nghiệp Việt Nam, các đối tác phát triển tại Việt Nam; vai trò lãnh đạo của Bộ LĐTB&XH.
Theo bà Caroline, chỉ còn 6 năm để hiện thực hóa Mục tiêu Phát triển bền vững về BĐG – mục tiêu đóng vai trò trung tâm trong việc đạt được các mục tiêu khác. “Qua Tháng hành động quốc gia 2024, chúng ta hãy đồng lòng nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ, UN Women cam kết cùng các cơ quan trong hệ thống Liên hợp quốc và các đối tác phát triển khác đồng hành với Chính phủ Việt Nam trong hoạch định một chiến dịch có sức lan tỏa cao, có các kết quả đo lường được cho năm 2024”, bà Caroline cho biết.
H.M