Khẳng định kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có quy mô, tính chất quan trọng, song Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, kỳ thi này sẽ gọn nhẹ và giảm áp lực cho thí sinh.
- Lần đầu có môn Tin học, Công nghệ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT
- Thầy cô băn khoăn trước kỳ thi mới
- Thanh tra đột xuất kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại Thái Bình
Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra chiều 7/9, thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, kỳ thi này được thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018: “Quy mô, tính chất rất mới. Đây là việc hệ trọng, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ GD&ĐT trong năm học 2024- 2025”.
Theo Thứ trưởng, xác định tính chất quan trọng này, ngay từ đầu năm 2023, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã tập trung chỉ đạo, với nguyên tắc là bám sát chỉ đạo của Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết 88 của Quốc hội, Nghị quyết 144 của Chính phủ. Theo đó, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 phải đảm bảo gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm tốn kém và đảm bảo chất lượng, đánh giá khách quan chất lượng dạy và học; cung cấp dữ liệu đủ tin cậy để tuyển sinh các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng làm công tác tuyển sinh của mình.
Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT tích cực chuẩn bị và những việc đã làm tập trung vào 4 nội dung: Công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 trở đi vào ngày 28/11/2023, sớm hơn một năm rưỡi, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và các cơ sở giáo dục.
Ban hành cấu trúc và định dạng đề thi để các thầy cô giáo và học sinh thuận lợi trong công tác dạy và học.
Tổ chức tập huấn cho hơn 3.000 giáo viên cốt cán về phương pháp và nâng cao kỹ năng ra đề, kiểm tra đánh giá thường xuyên đề thi tốt nghiệp THPT.
Bộ đã ban hành các văn bản hướng dẫn trong năm học và các văn bản chỉ đạo các Sở GD&ĐT chủ động mọi phương án về cơ sở vật chất, nhân lực, phương án chuyên môn, phương án dạy và học để tập trung cho công tác thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT nêu ra 6 việc sẽ làm trong thời gian tới: Thứ nhất, ngay trong tháng 9 này, Bộ GD&ĐT tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác lãnh đạo, phối hợp để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024-2025. “Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản yêu cầu Bộ GD&ĐT tham mưu… Điều này thể hiện sự quan tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ với một công việc khó, có tác động rất lớn đối với xã hội”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định.
Thứ hai Bộ GD&ĐT cũng đã đăng tải trên mạng về việc ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 trở đi. Dự kiến sau khi tiếp thu ý kiến hoàn thiện sẽ ban hành vào tháng 11/2024 này, sớm hơn 3 tháng so với các kỳ ban hành quy chế khác.
Thứ ba, Bộ đang xây dựng và sẽ công bố đề thi mẫu để học sinh và giáo viên căn cứ làm cơ sở phục vụ cho công tác dạy học.
Thứ tư, tiếp tục tổ chức hội nghị, hội thảo tập huấn về công tác chuyên môn liên quan đến đề thi.
Thứ năm, chỉ đạo các Sở GD&ĐT chuẩn bị tốt cho công tác này theo các nhóm nhiệm vụ: Tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị; Nhân lực và công tác đào tạo bồi dưỡng giáo viên; Công tác dạy và học thường xuyên;
Thứ sáu, tăng cường cơ sở vật chất chung của Bộ cũng như các tỉnh, thành phố, nhất là phần mềm tổ chức kỳ thi.
“Với tinh thần chuẩn bị như vậy, chúng tôi đã chủ động, tích cực, hiệu quả và bám sát nguyên tắc chỉ đạo của các nghị quyết cũng như tình hình thực tiễn mà ngành giáo dục đào tạo đang chỉ đạo. Đây cũng là công việc có tác động đến xã hội rất lớn. Chúng tôi rất mong các cơ quan báo chí tiếp tục phối hợp với Bộ GD&ĐT truyền thông, tăng cường nâng cao nhận thức, kiến thức, đặc biệt là công tác dạy học và tổ chức cho kỳ thi sắp tới”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nói.
Năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thời gian diễn ra dự kiến trong 2 ngày 26/6 và 27/6/2025.
Quy chế thi dự kiến ban hành trong tháng 11/2024 và có 6 điểm mới gồm: – Rút ngắn thời gian tổ chức thi từ 4 buổi thi hiện nay xuống còn 3 buổi thi. – Bổ sung thêm môn Tin học, Công nghệ (Công nghiệp, Nông nghiệp) đây là những môn thi lần đầu tiên được tổ chức thi trong Kỳ thi. Bổ sung thêm một số dạng thức câu hỏi thi mới đối với các môn thi trắc nghiệm (trước đây chỉ có 01 dạng thức câu hỏi thi trắc nghiệm). Tăng cường tính phân hoá của đề thi tất cả các môn để đạt được các mục tiêu của Kỳ thi như đã công bố trong Phương án thi. – Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ đáp ứng theo quy định được miễn thi môn Ngoại ngữ nhưng không quy thành 10 điểm trong xét công nhận tốt nghiệp như quy định hiện nay. Tăng tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả lớp 10, 11 và 12 lên 50% (trước đây là 30% và chỉ sử dụng kết quả lớp 12). – Sắp xếp điểm thi, phòng thi theo nguyên tắc hỗ trợ tối đa cho thí sinh không phải di chuyển phòng thi: Cho phép trộn học sinh ở các cơ sở giáo dục gần nhau để tổ chức các điểm thi tiện ích cho thí sinh. Thí sinh chỉ dự thi tại 1 phòng thi duy nhất trong suốt Kỳ thi. Ưu tiên sắp xếp theo cùng bài thi của 2 môn tự chọn. – Bổ sung quy định để thí điểm thi trên máy tính khi có đủ điều kiện theo lộ trình như đã công bố trong Phương án thi, thí điểm dần từ năm 2027 và khi đủ điều kiện triển khai đại trà sau năm 2030. – Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh hơn trong công tác tổ chức thi. |