Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng qua rà soát có 510 vị trí có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập lụt; trong đó, có 396 vị trí sạt lở và nguy cơ sạt lở.
- Lâm Đồng cấm phương tiện qua đèo D’ran
- Bò sữa chết hàng loạt tại Lâm Đồng bước đầu do nhiễm Pestivirus tauri sau tiêm vaccine NAVET-LPVAC
- Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Lâm Đồng: Đưa vụ tòa nhà đồi Cù Đà Lạt vào diện theo dõi
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, qua rà soát, toàn tỉnh có 510 vị trí có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập lụt; trong đó, có 396 vị trí sạt lở và nguy cơ sạt lở, 101 vị trí ngập úng và lũ quét, 3 vị trí sụt lún.
Cụ thể, tại TP Bảo Lộc có 118 khu vực (3 khu vực sụt lún, 58 khu vực có nguy cơ sạt lở, 12 khu vực sạt lở, lũ quét 48 khu vực); TP Đà Lạt có 50 khu vực đã sạt lở đất cục bộ. Ngoài ra, huyện Đam Rông có 47 khu vực sạt lở, huyện Lâm Hà có 7 khu vực sạt lở gây thiệt hại về người và tài sản của người dân.
Nguyên nhân gây nên tình trạng sạt lở đất thời gian qua, theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, Lâm Đồng cũng là tỉnh có lượng mưa luôn cao hơn bình quân của cả nước; mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, lượng mưa trung bình từ 1.750 – 3.150mm/năm. Lượng mưa cao, kéo dài nhiều ngày nên đã làm nền đất bị yếu, gây sạt lở, sạt trượt.
Ngoài ta, địa hình Lâm Đồng chủ yếu là đồi núi các nhóm đất chủ yếu là đất đỏ bazan, đất phù sa…, đất có độ dốc cao, kết cấu đất yếu nên nguy cơ sạt lở rất cao khi mưa lớn kéo dài…
Bên cạnh đó, hoạt động xây dựng, san gạt, đào đắp tạo mặt bằng xây dựng để xây dựng công trình tại các vị trí, khu vực sườn dốc, tayluy âm/dương cao, có nguy cơ sạt trượt cũng là một trong nguyên nhân gây sạt lở, trượt, nứt đất và gây tác động đến an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Hiện nay, để cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét tại địa phương, tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát các công trình tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, khu dân cư ven sông, suối, sườn dốc có độ chênh taluy lớn để sớm xử lý.
Cùng với đó, tỉnh cũng yêu cầu cơ quan chức năng lập bản đồ phân vùng sạt lở, lũ quét để làm cơ sở quản lý quy hoạch, xây dựng công trình. Đồng thời, xây dựng hệ thống quan trắc, dự báo, cảnh báo sớm sạt lở, ngập lụt.