Thời gian qua, việc triển khai mạnh mẽ khu công nghiệp sinh thái trong khuôn khổ các dự án hợp tác quốc tế đã lan tỏa, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững cho nhiều địa phương, doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu công nghiệp tại Việt Nam.
- Khởi công nhà máy sản xuất động cơ ô tô trị giá 260 triệu USD ở Thừa Thiên Huế
- Khóa đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới
Nhu cầu tất yếu, cấp bách
Theo Vụ Quản lý các Khu kinh tế (KKT), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tính đến hết tháng 7/2024, cả nước đã có 431 khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất được thành lập, trong đó có 301 KCN đã đi vào hoạt động, trong số đó có khoảng 10 KCN đã chuyển đổi/phát triển theo mô hình KCN sinh thái.
Mô hình KCN sinh thái lần đầu tiên triển khai thí điểm tại Việt Nam cách đây khoảng chục năm (2015 – 2019) tại 3 địa phương: Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ (KCN Khánh Phú, KCN Gián Khẩu tại Ninh Bình; KCN Hòa Khánh tại Đà Nẵng; và KCN Trà Nóc 1&2 tại Cần Thơ). Sau đó mô hình này được nhân rộng thêm tại 3 địa phương: Hải Phòng, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh. Hiện Bộ KH&ĐT đang phối hợp với các tổ chức quốc tế hỗ trợ việc xây dựng KCN sinh thái tại Bình Dương; Thực hiện các mạng lưới tuần hoàn nước đối với một số KCN tập trung nhiều hoạt động dệt may tại Hưng Yên, Thừa Thiên Huế,…
Trao đổi với PLVN, bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT cho biết, hiện Bộ KH&ĐT đang hỗ trợ để các KCN được cấp Giấy chứng nhận KCN sinh thái theo Nghị định 35/2022/NĐ-CP về quản lý KCN và KKT. “Trên cơ sở KCN được cấp Giấy chứng nhận KCN sinh thái, Ban Quản lý các KCN sẽ cấp Giấy chứng nhận cho các DN hoạt động trong KCN đó. Đây là “giấy thông hành” giúp DN tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu…” – bà Hiếu cho biết thêm.
Cũng theo đại diện Vụ các KKT, KCN sinh thái đang trở thành tiêu chí lựa chọn của các DN FDI với mục tiêu phát triển bền vững (PTBV), lợi ích kinh tế song hành trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.
“Nhiều địa phương và nhà đầu tư (NĐT) hạ tầng KCN xác định việc phát triển KCN theo mô hình KCN sinh thái là nhu cầu tất yếu, cấp bách để kiến tạo lợi thế cạnh tranh bền vững…” – bà Hiếu chia sẻ.
Đầu tư cho tương lai
Theo lãnh đạo Vụ Quản lý các KKT, việc triển khai mạnh mẽ KCN sinh thái trong khuôn khổ các dự án hợp tác quốc tế thời gian qua có ý nghĩa lan tỏa, nâng cao nhận thức về PTBV cho nhiều địa phương, DN đầu tư hạ tầng KCN tại Việt Nam.
Một điển hình được nhắc đến là KCN Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) của Công ty CP Shinec. NĐT này đã sử dụng nguồn vốn của mình để tự triển khai mô hình KCN sinh thái.
Chính thức chuyển đổi từ cuối năm 2019, KCN Nam Cầu Kiền hiện đang phát triển theo hướng KCN sinh thái thông minh, thực hiện tốt các hoạt động kinh tế tuần hoàn. KCN này đã có hơn một triệu cây xanh được trồng, chiếm đến 33% diện tích đất KCN. Hệ thống quan trắc nguồn thải tự động, liên tục, truyền dẫn thông tin về Sở TN&MT Hải Phòng 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần; 81,4kWh điện được tạo ra từ dự án điện mặt trời áp mái và được sử dụng trong vận hành KCN. 25% lượng nước thải trong KCN sau xử lý được tái sử dụng cho mục đích tưới cây, rửa đường, giảm lượng xả ra ngoài môi trường, tiết kiệm được 600 triệu đồng/năm chi phí mua nước sạch.
Chia sẻ về mô hình hoạt động của KCN Nam Cầu Kiền, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec tự tin khẳng định, đến nay KCN Nam Cầu Kiền đã cơ bản hoàn thiện được các tiêu chí trong Nghị định 35/2022/NĐ-CP. Từ thành công của KCN Nam Cầu Kiền, Shinec cũng đang mang mô hình này đi triển khai ở các địa phương khác.
“Để đầu tư phát triển KCN sinh thái quả là rất gian nan, không chỉ về vốn mà thiếu quy định của pháp luật. Nếu như cách đây 6 năm, chúng tôi nỗ lực giúp các NĐT biết đến Việt Nam trên bản đồ đầu tư thì giờ đây, chúng tôi phải trả lời cho các NĐT rằng KCN hỗ trợ họ như thế nào về ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị DN), họ được hưởng lợi gì khi đến đây…” – Tổng Giám đốc KCN Deep C (Hải Phòng), ông Bruno Jaspaert chia sẻ.
Định hướng phát triển KCN sinh thái ngay từ đầu, với những nỗ lực không ngừng, DEEP C đã khẳng định vị thế là một trong những KCN đi đầu trong việc PTBV tại Việt Nam. “PTBV không thể mang lại lợi ích trong 1 – 2 năm đây là khoản đầu tư cho tương lai. Mang lại lợi ích cho thế hệ sau…” – NĐT KCN Deep C quả quyết.
Được biết đến là DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nhựa công nghệ cao và thân thiện với môi trường hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á, năm 2018, Tập đoàn An Phát Holdings đã mở rộng lĩnh vực kinh doanh mảng bất động sản công nghiệp. Hiện tại, Tập đoàn có 02 dự án đang được triển khai là KCN An Phát Complex và An Phát 1 (Hải Dương).
Ông Phạm Văn Tuấn, Phó Tổng Giám đốc An Phát Holdings chia sẻ, ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án, Ban lãnh đạo DN đã đề ra chiến lược phát triển rõ ràng, đó là đưa các KCN trở thành KCN kiểu mẫu và tiên phong ở Hải Dương áp dụng bộ tiêu chuẩn ESG trong quản lý và phát triển KCN.
“Đây được xem là quyết định khá táo bạo và có phần mạo hiểm vào thời điểm đó, bởi ESG hiện vẫn còn là một bộ tiêu chí mới mẻ, chưa phổ biến và chưa phải là yêu cầu bắt buộc đối với các DN tại Việt Nam…” – ông Tuấn nhớ lại.
Quyết định đúng đắn này không chỉ đóng góp vào quá trình hiện thực hóa cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về “0” mà còn giúp các KCN của An Phát Holdings thu hút vốn đầu tư FDI “xanh” đang đổ mạnh về Việt Nam.
“PTBV không còn là khẩu hiệu mà đang thực sự trở thành xu thế tất yếu, là giá trị cốt lõi của DN, giúp DN xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh. Đây cũng vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các DN Việt Nam để phát triển bứt phá và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu…” – Phó Vụ trưởng Vụ Các KKT Vương Thị Minh Hiếu nhấn mạnh.